VIỆT NAM (NV) - Thủ tướng CSVN, ông Nguyễn Tấn Dũng vừa ban hành một chỉ thị, yêu cầu các bộ và chính quyền năm thành phố lớn siết chặt kiểm soát, “điều tiết hợp lý” xe cộ và cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng. Năm thành phố này bao gồm Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Ðà Nẵng, và Cần Thơ.
Theo báo Dân Trí, chỉ thị nói trên nhằm bảo đảm an toàn giao thông đô thị và chống nạn kẹt xe xảy ra hầu như hàng ngày tại tất cả các thành phố lớn ở Việt Nam.
Không mấy phụ huynh muốn để con em mình đạp xe đến trường vì không an toàn. (Hình: báo Dân Trí) |
Công văn này cũng yêu cầu các bộ và chính quyền các thành phố lớn áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt độ phát triển, với một lộ trình cụ thể, nhằm hạn chế việc sử dụng xe cơ giới của cá nhân. Các biện pháp hạn chế này, cũng theo văn bản trên, bao gồm việc thu lệ phí duy tu đường sá; thu tiền giữ xe với giá cao ở các trung tâm đô thị và giảm dần ở khu vực ngoại vi.
Chỉ thị trên của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các cấp trực thuộc cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng tại các trung tâm thành phố, và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Tuy nhiên, người ta chưa thấy chỉ thị này đề cập đến chi tiết thực hiện kế hoạch mong muốn của nhà cầm quyền. Hiện nay, việc khuyến khích người dân đi xe buýt, phương tiện giao thông công cộng lý tưởng, vẫn còn là điều “trong mơ.”
Từ lâu, nhiều giới chức cao cấp của chính quyền CSVN hô hào cán bộ dùng xe buýt để đi làm, coi như một hình thức giúp giảm lưu lượng giao thông dầy đặc ở các khu vực nội thị. Tuy nhiên, lời hô hào này cũng chỉ xuất hiện trên đầu môi chót lưỡi, vì không khả thi.
Rất nhiều cư dân các khu dân cư ngoại thành ở Hà Nội than phiền rằng, trạm dừng xe buýt quá xa nơi trú ngụ của họ; số lượng xe buýt qua-lại không nhiều... nên dù rất muốn, cũng không thể nào thay chiếc xe gắn máy của mình bằng xe buýt.
Riêng việc mở các trạm xe đạp miễn phí ở các trung tâm thành phố, và các cửa ngõ ra vào, hiện nay vẫn còn là vấn đề... chưa bàn tới. (PL)
No comments:
Post a Comment