DVO- 07/02/2014 -Sau khi Mỹ kêu gọi Trung Quốc (TQ) làm sáng tỏ và điều chỉnh lại các đòi hỏi chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông, cũng như việc Philippines gửi đơn kiện Trung Quốc lên Liên Hiệp Quốc, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã có những nhận định của mình trước sự việc này.
Điều tất nhiên
Phát biểu chính thức ngày 5/2 tại Washington, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel khẳng định: "Thiếu sót của Trung Quốc rõ ràng liên quan đến tuyên bố chủ quyền thông qua cái gọi là bản đồ đường lưỡi bò ở Biển Đông.
Chính nó đã tạo ra sự thiếu ổn định trong khu vực, hạn chế triển vọng hòa giải giữa các bên về việc chấp nhận hoặc hợp tác phát triển công bằng".
Ông Daniel Russel đã thách thức tính pháp lý của cái gọi là "đường 9 đoạn" của Bắc Kinh. Ông cho rằng các tuyên bố hàng hải theo luật pháp quốc tế cần dựa trên đặc điểm đất đai.
"Bất cứ đòi hỏi nào của Trung Quốc đối với quyền hàng hải mà không dựa trên hình thể lãnh thổ đất liền được tuyên bố đều không phù hợp với luật pháp quốc tế. Trung Quốc có thể nêu bật sự tôn trọng luật pháp quốc tế của mình bằng việc làm sáng tỏ hoặc điều chỉnh lại đòi hỏi của họ cho phù hợp với luật biển quốc tế", ông nói.
TS Trần Công Trục - Nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ
|
Phân tích việc Mỹ lên tiếng thách thức TQ, trao đổi với Đất Việt, ngày 6/2, TS Trần Công Trục cho biết: "Đường lưỡi bò là một con đường vô hình mà cả thế giới, những nhà học giả, những nhà chức trách, nhà nghiên cứu họ đều đã phê phán rất mạnh mẽ về sự vô lý của nó".
Theo quan điểm của ông Trục, cũng chính vì nhận được quá nhiều sự phê phán nên TQ mới càng cố gắng tìm cách hợp thức hóa đường lưỡi bò đó bằng các văn bản chính thức, gửi lên các cơ quan tổ chức Liên Hợp Quốc (LHQ).
Mặt khác, họ tìm cách tiến hành trên thực tế các hoạt động nhằm dành lấy sự công nhận yêu sách phi lý đó. Họ xúc tiến ngày càng mạnh mẽ, đây cũng là một bằng chứng hết sức rõ ràng TQ đang có tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Ông cho biết thêm: "Nếu như TQ tiếp tục, thì đây sẽ là mối đe dọa hết sức nghiêm trọng đối với sự hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Rõ ràng việc ngày càng cố giành lấy thế độc quyền ở Biển Đông, không chỉ ảnh hưởng đến nước nhỏ, trong khu vực mà còn ảnh hưởng cả thế giới, đặc biệt là các quốc gia có nền kinh tế hàng hải phát triển, rõ ràng đây chính là mối đe dọa với Hoa kỳ".
Cho nên, theo ông Trục, việc Hoa Kỳ lên tiếng là điều hết sức tự nhiên, cần thiết.
Hành động thế nào?
Bên cạnh đó, ông cho rằng Hoa Kỳ ngoài những tuyên bố này cần có sự đóng góp thiết thực làm sao cho các nước có liên quan, ảnh hưởng lợi ích từ đường lưỡi bò, cùng nhau giải quyết hòa bình vấn đề này.
Cụ thể, ông chỉ rõ: "Có nghĩa, bên cạnh những tuyên bố, Hoa Kỳ cần có những hành động cụ thể, đương nhiên không phải là chạy đua vũ trang, gây sự căng thẳng, cần giải pháp cụ thể, để làm sao TQ thay đổi những yêu sách phi lý".
Bởi vì tính cho đến nay, theo ông đường lưỡi bò chính là chìa khóa giải quyết tất cả những vấn đề đang gây tranh cãi, nếu như TQ vẫn giữ yêu sách đó thì sẽ không bao giờ có cuộc đàm phán hiệu quả, thực chất, và cũng không bao giờ có COC, chắc chắn tình hình ngày càng căng thẳng hơn.
"Hoa Kỳ với tư cách là quốc gia có lợi ích hàng hải, có vai trò trong tổ chức Liên Hợp Quốc, ngoài tiếng nói lên án, thách thức hành động phi lý cần có những hành động cụ thể hơn", ông khẳng định.
Trong khi Mỹ lên tiếng thách thức TQ, thì Tòa án Trọng tài LHQ đã thông qua Các qui tắc tố tụng và lịch trình xét xử của vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông của Philippines.
Bình luận về vấn đề này, TS Trần Công Trục nhận định: "Việc Philippines gửi đơn kiện lên Hội đồng trọng tài LHQ về Luật biển ai cũng biết, đấy là một việc làm hết sức đúng thủ tục pháp lý theo đúng công ước Luật biển, là một việc làm rất phù hợp với nguyện vọng chung của nhiều quốc gia, đó là biện pháp hòa bình".
Theo đánh giá của ông, đây là giải pháp rất hòa bình, văn minh để giải quyết các tranh chấp, căng thẳng, đường lưỡi bò liên quan đến vấn đề Công ước luật biển của LHQ năm 1982. Rất nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới đồng tình ủng hộ.
Đặc biệt là Hội đồng trọng tài, cơ quan Luật biển LHQ họ đã thụ lý, đang trong quá trình triển khai tiến tới đưa ra những phán quyết cuối cùng.
"Tôi cho rằng đây là việc hết sức bình thường, đúng với nội dung, đúng với thủ tục theo công ước Luật biển quy định. Đây là một giải pháp hết sức quan trọng, rất cần thiết, rất hữu ích cho việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông", ông cho hay.
Tuy nhiên, ông cũng phân tích, hiện nay Trung Quốc không tiếp nhận vụ kiện này, căn bản là tại vì nếu tiếp nhận thì họ đương nhiên chấp nhận sự thất bại.
Thanh Huyền
No comments:
Post a Comment