Thứ Sáu, 07/02/2014 21:45
Không ít người mang cả xe tải vàng mã trị giá hàng chục triệu đồng hay cả ôsin vàng mã vào chùa để chứng giám lòng thành với thần linh
Những chốn linh thiêng, những lễ hội lớn đầu năm không hiếm cảnh tượng Phật bị rải tiền, các hòm công đức đầy ắp tiền lẻ và người đi cầu tài, cầu lộc chen chúc, xô đẩy nhau. Tại các địa điểm có tiếng linh thiêng, người ta càng đổ xô đến mang theo tiền thật lẫn tiền âm phủ để thực hiện ước mong trần sao âm vậy.
Phật bị ép ngậm tiền
Là quần thể di tích đền chùa miếu mạo lớn nhất Việt Nam, chùa Bái Đính (Ninh Bình) trở thành một trong những địa chỉ hành hương thu hút đông du khách nhất vào dịp đầu Xuân. Chùa mới mở cửa từ 5 năm nay nhưng chân các pho tượng đá đã mòn vẹt, bóng nhẫy vì bị quệt tiền vào chân, tay, thậm chí cả vào miệng Phật. Ban Quản lý di tích chùa Bái Đính phải bố trí người đi thu tiền lẻ ở chân các pho tượng đá nhằm tránh gây phản cảm nhưng gom không xuể.
Nhét tiền vào tượng Phật ở chùa Bái Đình để cầu tài lộc
Bà Nguyễn Thị Thu, một khách hành hương về chùa Bái Đính, cho biết: Trước khi đến đây, bà đã được dặn dò rất kỹ phải chuẩn bị tiền lễ để đặt ở tất cả các ban thờ. Dù đã chuẩn bị gần 500.000 đồng tiền lẻ với mệnh giá 2.000 và 5.000 nhưng vẫn không đủ để đặt được tất cả các nơi trong khu di tích.
Chen nhau mua ấn đền Trần diễn ra vào mỗi mùa lễ hội
Theo bà Thu, những người đến chùa Bái Đính lần đầu dễ bị choáng ngợp bởi hầu hết du khách ai cũng cầm cả xấp tiền để dâng lễ. “Hình như họ quan niệm phải đặt tiền đủ các pho tượng thì mới không có lỗi với Phật. Tôi lỡ dùng hết số tiền lẻ trước khi đi hết các điện thờ thì lập tức bị một người đi cùng đoàn chê là ki bo, hẹp hòi với cả Đức Phật” - bà Thu phân trần.
Đốt vàng mã ở nhiều đền, chùa vào dịp Tết
Hình ảnh chốn linh thiêng sặc mùi kim tiền còn tái diễn ở đền ông Hoàng Mười (Nghệ An), đền ông Hoàng Bảy (Lào Cai), phủ Tây Hồ (Hà Nội)… Tại đây, suốt ngày đêm, người dân tấp nập ra vào, đua nhau trải tiền thật lẫn tiền vàng mã từ cổng đền vào đến điện thờ.
Chị Nguyễn Thị Thương, một du khách ở Hà Nội, khẳng định: “Năm nào vào dịp năm mới, dù bận đến mấy, tôi cũng phải đi lễ ở đền ông Hoàng Bảy. Gia đình tôi làm ăn nhỏ nên mỗi năm chỉ cung tiến lộc thánh khoảng chục triệu đồng gồm tiền lễ, hương hoa, vàng mã nhưng có những đại gia cung tiến cả trăm triệu đồng”.
Hàng chục tỉ đồng ra tro
Năm 2010, riêng địa bàn TP Hà Nội đã đốt khoảng 40 tỉ đồng tiền vàng mã. Tết Giáp Ngọ năm nay, vàng mã luôn là mặt hàng được tiêu thụ nhiều, có lúc không có hàng để bán. Đợt cao điểm đốt vàng mã rơi vào sau Tết, khi mùa lễ hội bắt đầu.
Chị Lê Thu Thảo, một người bán vàng mã trên phố Hàng Mã (Hà Nội), cho biết: “Trước Tết luôn là dịp “cháy” hàng vàng mã. Có những năm doanh thu của cửa hàng nhà tôi lên đến cả tỉ đồng. Người ta đặt hàng từ một tháng trước Tết nhưng để lưu kho và sau Tết đem ra sử dụng”.
Nếu nói về nơi tiêu thụ những mặt hàng mã, các đền, phủ vẫn đứng đầu bảng. Những ngôi đền cầu tài lộc như đền ông Hoàng Mười luôn chuẩn bị cho “khách VIP” cả chục triệu tiền vàng mã dịp đầu năm. Danh sách “khách VIP” cũng dài đến hàng trăm. Các năm trước, người dân chuộng đốt ngựa, hình nhân. Năm nay, người cầu tài lộc kiêng đốt ngựa nhưng vẫn không thiếu các “xa xỉ phẩm” hàng mã. Đó là xe hơi, xe tay ga, hàng hiệu, điều hòa, tủ lạnh, nhà lầu, thậm chí có gia đình chuẩn bị cả ôsin để đốt cho người thân cũng như cho các thánh.
Hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) diễn ra vào ngày 14-1 âm lịch hằng năm luôn quá tải người đi xin lộc. Ở đây phát sinh nhiều dịch vụ như khấn thuê, đội lễ thuê… Người ta hối lộ Bà Chúa bằng những vật phẩm giá trị để mong ở trần gian cũng được Bà Chúa phát lộc tương đương. Nhưng như một quy luật tất yếu là có vay, có trả, đền Bà Chúa Kho đầu năm nhộn nhịp người đi xin lộc bao nhiêu thì cuối năm tấp nập người đi trả lộc bấy nhiêu.
Làng tranh Đông Hồ thành làng… vàng mã
Chục năm trở lại đây, làng tranh Đông Hồ nổi danh một thời ở xứ Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh) cũng chuyển sang sản xuất vàng mã. Ông Nguyễn Đăng Chế, một trong hai nghệ nhân sản xuất tranh Đông Hồ còn lại ở ngôi làng, nói: “Làm vàng mã thì giàu nhanh và có đầu ra thường xuyên, liên tục”.
Kinh tế khủng hoảng nhưng làng làm vàng mã Đông Hồ vẫn “tăng trưởng” liên tục. Một chủ xưởng sản xuất vàng mã ở Đông Hồ nói: “Riêng mỗi hộ gia đình sản xuất vàng mã lớn ở Đông Hồ đã có doanh thu cả tỉ đồng mỗi năm mà vẫn chưa đủ cung ứng cho thị trường Hà Nội thì tôi nghĩ con số 40 tỉ đồng “đốt” mỗi năm cho vàng mã thấp hơn thực tế rất nhiều”.
Các lễ hội tâm linh trước đây diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng hiện tại đều kéo dài cả tháng. Chùa Hương từng lập kỷ lục về thời gian tổ chức kéo dài thì nay, chùa Bái Đính cũng không hề thua kém. Mùa lễ hội 2014 ở chùa Bái Đính sẽ kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.
Góc nhìn
Nhức nhối chốn linh thiêng
Ẩu đả đổ máu ở lễ hội cướp phết, loạn ngày khai hội Chùa Hương, ép Phật nhận tiền... là những hình ảnh nhức nhối khiến bất cứ người Việt Nam nào có chút lòng tự trọng không khỏi cảm thấy xấu hổ và đau xót. Không đau sao được khi những tệ nạn này đã lặp đi lặp lại nhiều năm, ở nhiều nơi, qua rất nhiều kỳ lễ hội. Nó tái diễn như một căn bệnh quái ác và ngày càng có chiều hướng lan rộng. Điều này càng khẳng định văn hóa ứng xử nơi công cộng của người Việt đang có vấn đề.
Nguyên nhân sâu xa gây náo loạn chốn linh thiêng là do một bộ phận người dân chưa có được ý thức và hành động lịch thiệp, văn minh nơi công cộng. Chính từ chỗ chưa có những thói quen tốt, đòi hỏi phải có khi tham gia vào những sinh hoạt cộng đồng dẫn đến sự tùy tiện, mỗi người hành xử theo một cách. Ngoài ra, công tác quản lý an ninh trật tự, duy trì nội quy, quy định ở các di tích, chùa chiền còn thiếu chặt chẽ, nghiêm minh.
Sẽ chẳng có phép lạ nào có thể hô biến cho chúng ta trong ngày một, ngày hai có được một thế hệ công dân văn minh, lịch thiệp, cư xử tử tế, đúng mực. Tuy nhiên, tôi luôn mơ về một xã hội mà trong đó người ta cư xử với nhau chủ yếu bằng những nụ cười, lời nói nhẹ nhàng lịch thiệp, cử chỉ giúp đỡ người già, trẻ em, phụ nữ… Để làm được những điều tưởng chừng rất dễ này đòi hỏi mỗi người phải bắt đầu hành động, thay đổi chính mình ngay từ bây giờ mới mong xây dựng được một đất nước văn minh, hiện đại trong tương lai.
Anh Xuân
Bài và ảnh: Mạnh Duy
No comments:
Post a Comment