Tuesday, August 12, 2014

Việt Nam 'khoanh tay' trước nguy cơ vịnh Hạ Long nhiễm độc

QUẢNG NINH (NV) - Trước nguy cơ 7,000 lít dầu độc hại tràn ra Vịnh Hạ Long, Ban Quản Lý vịnh Hạ Long và Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch tuyên bố rất lo âu, còn Bộ Tài Nguyên-Môi Trường cho biết, đang chờ doanh nghiệp có liên quan gửi... kế hoạch.

Cuối năm 2007, công ty Cửu Long - một thành viên của tập đoàn Vinashin (tập đoàn nhà nước đã bị giải thể do thua lỗ, phá sản), đưa về cảng Cái Lân ở Quảng Ninh ba máy biến thế cũ của Nam Hàn, nhằm lắp đặt cho dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng tại Nam Ðịnh, do Vinashin đầu tư.


Tuy ba máy biến thế và những vật chất nhiễm PCB đã được dồn vào container nhưng vịnh Hạ Long vẫn đối diện với nguy cơ bị nhiễm độc. (Hình: Tiền Phong)

Hải quan cảng Cái Lân phát giác một trong ba máy biến thế có PCB trong dầu biến thế nên không cho nhập cảng. Công ty Cửu Long được yêu cầu phải gửi trả toàn bộ lô hàng.

(PCB là một loại hóa chất có độc tính cao, gần như không thể phân hủy trong môi trường tự nhiên, dễ phát tán xa, các cơ thể sống dễ hấp thụ và ngộ độc. Theo các chuyên gia, năm 1999, có 25 lít dầu trong máy biến thế chứa PCB tràn ra một khu vực thu gom chất thải tái chế làm thức ăn cho gia súc tại Bỉ. Bỉ đã phải chi hơn một tỷ Mỹ kim để giải quyết hậu quả.)

Từ 2007 đến nay, với lý do Nam Hàn không chịu nhận lại ba máy biến thế cũ đã xuất cảng sang Việt Nam, công ty Cửu Long bỏ thí ba máy biến thế này tại cảng Cái Lân. Việc bỏ thí được các cơ quan hữu trách làm ngơ.

Sau bảy năm phơi ba máy biến thế cũ giữa trời, mãi đến tháng 5 vừa qua, do cả ba máy bị rỉ sét, dầu trong máy tràn ra ngoài, các cơ quan hữu trách ở Quảng Ninh mới buộc công ty Cửu Long phải “gói” cả ba lại.

Trong quá trình “gói”, người ta rút ra từ ba máy biến thế cũ vừa kể 7,000 lít dầu có chứa PCB. Gạch lát nền và đất trong khu vực đặt ba máy biến thế cũ suốt bảy năm qua cũng được đào lên. Tất cả được dồn vào hai container và tiếp tục phơi chúng dưới mưa, nắng.

Ông Hoàng Danh Sơn, phó giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Quảng Ninh, cảnh báo, khối lượng chất thải độc hại quá lớn, lại được đặt tại khu vực gần vịnh Hạ Long, việc bảo quản không theo tiêu chuẩn nào mà chỉ dừng ở mức niêm kín nên không thể loại trừ khả năng, một phần hoặc toàn bộ dầu chứa PCB tràn xuống biển. Nếu tình huống này xảy ra, vĩnh viễn không thể khôi phục nguyên trạng của vịnh Hạ Long.

Trò chuyện với tờ Tiền Phong, ông Nguyễn Công Thái, phó Ban Quản Lý vịnh Hạ Long, cho biết, ông mới vừa biết chuyện qua báo chí. Ông Thái thắc mắc, tại sao không vận chuyển hai container chứa chất thải có độc tính cao như thế ra khỏi khu vực gần vịnh Hạ Long.

Ông Hoàng Danh Sơn, phó giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Quảng Ninh, không trả lời trực tiếp thắc mắc này mà chỉ cho biết, cả ba máy biến thế cũ chưa được thông quan (hoàn tất thủ tục nhập cảng để được phép nhận hàng) nên vẫn còn thuộc phạm vi trách nhiệm của hải quan.

Người phát ngôn Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch Việt Nam thì tuyên bố, hai container đang tồn trữ những vật chất bị nhiễm PCB là nguy cơ đối với vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên ông này nói thêm, trách nhiệm ngăn ngừa thuộc về chính quyền tỉnh Quảng Ninh và Ban Quản Lý vịnh Hạ Long.

Ðược xem như đại diện chính quyền tỉnh Quảng Ninh, ông Hoàng Danh Sơn nói rằng, tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm đến nguy cơ vịnh Hạ Long bị nhiễm độc PCB song họ phải chờ hướng dẫn của... Bộ Tài Nguyên-Môi Trường.

Ông Hoàng Dương Tùng, tổng cục phó Tổng Cục Môi Trường thuộc Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, xác nhận đã nhận được đề nghị của Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Quảng Ninh, về việc hướng dẫn công ty Cửu Long vận chuyển hai container chứa các loại vật chất nhiễm PCB về kho của công ty Cửu Long tại Hải Phòng nhưng bộ này đang chờ công ty Cửu Long trình... kế hoạch.

Chưa kể theo ông Tùng, việc vận chuyển một lượng lớn chất thải có độc tính cao như thế về Hải Phòng sẽ phải có sự đồng ý của của Sở Tài Nguyên-Môi Trường thành phố Hải Phòng. (G.Ð)

08-12 2014 5:03:02 PM

No comments:

Post a Comment