(TBKTSG) - LTS: Vấn đề đang xảy ra với Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và tập đoàn Thiên Thanh một lần nữa lại đặt ra câu hỏi về việc làm sao kiểm soát việc các ông chủ doanh nghiệp tìm cách mua các ngân hàng rồi dùng tiền của ngân hàng để làm chuyện sai trái, phục vụ lợi ích riêng.
Điều này tương tự việc các tập đoàn tư nhân ở nhiều nước tìm cách tạo ra các thị trường vốn nội bộ để phục vụ cho tập đoàn của mình.
TBKTSG xin giới thiệu ý kiến của ba chuyên gia kinh tế, lý giải vì sao những quy định, quy trình về đảm bảo an toàn cho vay hiện nay tuy “chặt” trên giấy nhưng lại “lỏng” trong thực tế, đồng thời đưa ra giải pháp để bịt lỗ hổng này.
Từ Luật các tổ chức tín dụng (2010) cho đến các quy định dưới luật như Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN về quy chế cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng, Thông tư 13/2010/TT-NHNN về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD... đều đưa ra các quy định tương đối rõ ràng về những điều kiện và trường hợp được cấp và không được cấp tín dụng.
Chẳng hạn như điều 126 Luật các TCTD 2010 quy định thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), ban giám đốc, ban kiểm soát và những chức danh tương đương; cha, mẹ, vợ, chồng, con của những đối tượng vừa nêu và một số trường hợp khác nữa đều không được cấp tín dụng. Điều 127 quy định các giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng và những người có liên quan, như không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng như cổ đông lớn, cổ đông sáng lập ngân hàng hay các doanh nghiệp mà những đối tượng không được cấp tín dụng được nêu tại điều 126 nắm giữ trên 10% vốn điều lệ; các công ty con, công ty liên kết của TCTD.
Luật cũng quy định tổng dư nợ cấp tín dụng đối với các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng này, từ không được vượt quá từ 5% vốn tự có của TCTD (như đối với cổ đông sáng lập, cổ đông lớn) đến 10% (như các công ty con, công ty liên kết).
Bên cạnh đó, ngoài quy định về thanh tra, giám sát từ bên ngoài của cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hay yêu cầu kiểm toán độc lập, luật còn quy định các TCTD phải xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ. Bản thân NHNN cũng đã ban hành Thông tư 44/2011/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ này.
Trên thực tế, sự yếu kém và tính dễ tổn thương của các ngân hàng ở Việt Nam thời gian qua là do các quy định này đã bị bỏ qua và không được tuân thủ đúng mực.
Đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (NHTMNN), do mâu thuẫn lợi ích nảy sinh từ sự không có sự tách bạch rạch ròi giữa quyền sở hữu, quyền điều hành và quyền giám sát, các ngân hàng này có động cơ bỏ qua hoặc không tuân thủ đúng mực các quy định giám sát và đảm bảo an toàn. Hơn nữa, bản thân khối ngân hàng này thường được hưởng các “ngoại lệ” trong việc tuân thủ các giới hạn đảm bảo an toàn và khung giám sát của NHNN.
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP), tình trạng sở hữu chéo phức tạp khiến cho các quy định đảm bảo an toàn thường bị vô hiệu hóa, trong khi việc giám sát của NHNN cũng trở nên khó khăn hơn nhiều.
Sự yếu kém và tính dễ tổn thương của các ngân hàng ở Việt Nam thời gian qua là do các quy định về đảm bảo an toàn và kiểm soát đã bị bỏ qua và không được tuân thủ đúng mực. |
Các ngân hàng, mà thực chất là các nhà đầu tư, tổ chức kinh tế sở hữu ngân hàng, thông qua sở hữu chéo vẫn có thể dễ dàng vô hiệu hóa tất cả các quy định đảm bảo an toàn, kể cả các quy định giám sát nội bộ hay yêu cầu kiểm toán độc lập, cho dù đó là các quy định xây dựng theo chuẩn mực quốc tế.
Chẳng hạn như để lách quy định ngân hàng không được trực tiếp cho thành viên HĐQT của mình vay, các thành viên HĐQT này lập ra các công ty riêng để gián tiếp vay tiền ngân hàng. Trong các công ty này, tỷ lệ sở hữu của các thành viên HĐQT của ngân hàng chỉ cần không vượt quá 10%.
Gần đây còn xuất hiện một loại định chế tài chính mới với cái tên “công ty cổ phần đầu tư tài chính”, có vai trò rất quan trọng trong các thương vụ thâu tóm ngân hàng và “đầu cơ” tài chính, song lại chưa được nhận diện và đưa vào khuôn khổ giám sát của các cơ quan quản lý. Đáng chú ý là việc vô hiệu hóa các quy định này trong nhiều trường hợp là không trái quy định của luật nhưng lại sai với tinh thần của luật.
Dưới đây là một số giải pháp có tính nguyên tắc nhằm hạn chế tình trạng này.
Thứ nhất, trong khối NHTMNN, trước mắt cần phải tách bạch giữa quyền sở hữu và quyền giám sát, sau đó giảm dần tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng này, giảm tâm lý ỷ lại bằng kỷ luật thị trường đối với các NHTMNN đã cổ phần hóa, đặc biệt là cần phải xóa bỏ ngoại lệ trong việc tuân thủ khung giám sát.
Thứ hai, trong khối NHTMCP, cần giảm hệ quả tiêu cực của tình trạng tách rời quyền sở hữu và quyền kiểm soát, phải tôn trọng nguyên tắc “one-share-one-vote”, cơ quan giám sát NHNN phải đảm bảo tính chính danh, làm rõ cấu trúc sở hữu và vai trò, danh tính của người sở hữu cuối cùng và trách nhiệm giải trình. Bên cạnh đó, các khái niệm người có liên quan cũng cần phải được định nghĩa lại theo hướng bao trùm hơn và đặc biệt là yêu cầu công khai minh bạch, đảm bảo tính hiệu lực và sự nghiêm minh của chế tài.
No comments:
Post a Comment