VOA-11.08.2014
Facebook – Thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội
Câu chuyện bắt đầu khi tôi cảm thấy hứng thú hơn với việc sử dụng Facebook. Thật ra tôi cũng tập tành đăng ký sử dụng Facebook từ những năm 2009, khi đó tôi còn là một sinh viên. Thời đó nếu các bạn trẻ thế hệ 8X còn nhớ, mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam lúc bấy giờ là Yahoo!360. Và phong trào sử dụng mạng xã hội chỉ ngưng ở việc viết entries, treo status và tùy biến chỉnh sửa giao diện trang mạng cá nhân. Trước khi Facebook xuất hiện, ở Mỹ, người ta sử dụng MySpace, ở Pháp là Copains d’Avant, ở Đức là StudiVZ, ở Hàn Quốc là Cyworld, ở Nhật Bản là Mixi. Rõ ràng, mỗi nước sử dụng một mạng xã hội khác nhau, tính liên kết toàn cầu gần như là không có.
Khi Facebook bắt đầu phổ biến ở Mỹ và một số nước khác, Yahoo! lại chuẩn bị khai tử mạng xã hội kém phổ biến là Yahoo!360 (thực tế nó chỉ phổ biến ở Việt Nam và một vài quốc gia khác). Cư dân mạng ở Việt Nam lại hoang mang kéo nhau đi tìm ngôi nhà chung mới cho chính mình, và một trong số đó là Facebook. Với giao diện đơn giản và kém thân thiện, tất nhiên Facebook gây bỡ ngỡ cho người dùng Việt Nam, trong đó có tôi. Trong khi các mạng xã hội khác đều có những ưu điểm về giao diện tùy biến và tính năng cập nhật blog entries dễ dàng như Yahoo!360 cho phép người dùng tùy biến chỉnh sửa trang cá nhân của mình với background lung linh, lại có chức năng viết blog entries được ưu tiên phát triển, hay thậm chí Cyworld của Hàn Quốc còn giúp người dùng xây dựng cả một thành phố ảo đẹp mắt trên trang chủ thì Facebook lại đơn giản, nhàm chán với hai màu xanh dương và trắng, và không có phép người dùng tùy chỉnh giao diện theo ý muốn.
Vậy nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, Facebook chiếm lĩnh toàn cầu với hàng triệu người dùng khắp năm châu. Sự thành công của họ lại xuất phát từ hai yếu tố đơn giản, tiện lợi và khả năng kết nối bạn bè cao. Ở một thế giới và con người ngày càng bận rộn, chẳng ai còn dành thời gian chăm chút cho giao diện của trang cá nhân nữa, điều họ muốn là chia sẻ thông tin và cập nhật hình ảnh. Khái niệm mạng xã hội bắt đầu phổ biến (phổ biến chứ không phải ra đời) là vào thập niên đầu của thế kỷ 21. Đó là thời kỳ thế hệ 8X đang bùng nổ, họ trẻ, họ thích tìm hiểu những công nghệ mới. Do đó, vào thời điểm ấy, người dùng mạng xã hội chủ yếu là thế hệ 8X. Ở độ tuổi họ lúc bấy giờ, bỏ ra hàng tiếng đồng hồ để tỉ mỉ chỉnh sửa cho trang cá nhân thêm lung linh là điều hết sức bình thường. Ngoài ra họ cũng chẳng nề hà dành thời gian viết đầy một bài blog để kể hết tâm tư tình cảm của mình vào trang cá nhân. Vì vậy, những trang mạng như MySpace, Cyworld,… được chọn lựa sử dụng là điều dễ hiểu. Khi Facebook bắt đầu phổ biến, thế hệ 8X, thế hệ tiên phong sử dụng mạng xã hội, đã lớn hơn chút nữa, họ bắt đầu không có thời gian để chăm chút cho trang cá nhân của mình, và cũng không thường xuyên dành thời gian chia sẻ một bài blog dài cả ngàn chữ. Điều họ cần là một trang xã hội đơn giản nhưng khả năng chia sẻ nhanh hơn, tiện hơn và chức năng tìm kiếm bạn bè dễ dàng hơn. Facebook đáp ứng được cả hai yếu tố đó. Chắc hẳn nhiều người biết, Facebook ra đời ban đầu với mục đích liên kết những cựu sinh viên của một vài trường đại học ở Mỹ. Do đó, tính năng của Facebook chủ yếu là liên kết và tìm kiếm bạn bè. Sau này, với giao diện được chỉnh sửa thân thiện hơn và thuận tiện hóa một số tính năng, Facebook đã thu hút thêm một lượng lớn người dùng ở nhiều lứa tuổi khác nhau, điều này đã là thành công lớn khi những trang mạng xã hội khác trước đây có người dùng chủ yếu là giới trẻ.
Tính năng liên kết thông minh đã giúp Facebook phát triển không ngừng về lượng người dùng. Những câu chuyện về tìm kiếm người thân bị mất liên lạc thông qua Facebook đã dần xuất hiện nhiều hơn. Chẳng ai còn mất tiền cho báo đài để đăng tìm kiếm người thân, mọi thứ dễ dàng, tiện lợi, phổ biến và hoàn toàn miễn phí. Và thế là Facebook thành công và lại thu hút ngày càng đông đảo cư dân mạng. Câu chuyện về Facebook không chỉ gói gọn ở mức độ làm thay đổi cuộc sống của người dùng, giúp họ dễ dàng cập nhật thông tin của người thân, bạn bè, giúp họ tìm thấy người quen lâu ngày mất liên lạc mà còn giúp thay đổi cục diện chính trị của một vài quốc gia.
Facebook – Sức mạnh của liên kết
Internet nói chung và Facebook nói riêng đã đóng vai trò to lớn trong công cuộc đấu tranh giành dân chủ tự do cho người dân Ai Cập. Facebook đã trở thành phương tiện thông tin nhanh nhạy, phổ biến và tiện lợi. Nếu như các phương tiện truyền thông lâu đời khác như truyền hình, phát thanh hay báo viết đã nghiễm nhiên bị chi phối và kiểm soát gắt gao bởi các thế lực đang chiếm thế chủ động, thì trái lại, internet vẫn chưa thể bị tác động nhiều từ một chính quyền nào. Hơn nữa, internet không là phương tiện truyền thông có thể bị cục bộ hóa mà luôn mang tính toàn cầu đại chúng. Do đó, các thông tin trên internet là những thông tin không thể kiểm soát được bởi bất kì ai.
Trong công cuộc đấu tranh vì dân chủ của người dân Ai Cập chống lại chính quyền độc tài của cựu Tổng thống Hosni Mubarak, giới quan sát thế giới đã chú ý đến sự đóng góp của Google Chat và Facebook, hai tiện ích internet mang tính kết nối và chia sẻ rất phổ biến hiện nay. Chàng trai Wael Ghonim bước chân ra khỏi đất nước Ai Cập và làm việc cho một hãng cung cấp các tiện ích trên mạng internet ở Mỹ. Chính từ nước Mỹ, anh đã nhìn thấy được những sai trái của chính quyền Mubarak đối với dân tộc mình. Có thể nói, truyền thông minh bạch và tự do của nước Mỹ đã mang lại những góc nhìn thấu đáo về các cuộc nổi dậy ở Tunisia và tình hình dân chủ ở Ai Cập cho người thanh niên trẻ. Ngày 1/5/2011, Ghonim bắt đầu liên lạc với những nhà hoạt động vì dân chủ ở Ai Cập thông qua một phương cách mà anh cho là an toàn nhất, Google Chat. Khi đó, internet nói chung hay cụ thể là tiện ích Google Chat đã đóng vai trò là một sợi dây liên kết các nhóm hoạt động lại với nhau, đồng thời truyền đạt thông tin và kêu gọi sự tham gia của nhiều người dân khác. Một cuộc biểu tình đồng loạt được lên kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 20/5/2011, tức là chỉ 20 ngày sau khi Ghonim bắt đầu tiến hành kế hoạch biểu tình. Mọi thứ vẫn diễn ra suôn sẻ như kế hoạch, và đúng vào ngày 20/5, những làn sóng biểu tình đã diễn ra bất ngờ và ngoài sự kiểm soát của chính quyền Mubarak. Những người biểu tình còn sử dụng Twitter, Facebook, Youtube và các trang mạng xã hội khác làm phương tiện liên lạc, truyền thông tin cho nhau . Các cuộc biểu tình diễn ra liên tiếp, đồng loạt và dữ dội. Mãi đến vài ngày sau, chính quyền Mubarak mới phát hiện ra vai trò của internet đối với các cuộc biểu tình. Một lệnh ban bố chỉ thị cho cả 4 nhà cung cấp mạng internet ở Ai Cập phải ngừng hoạt động. Kể cả dịch vụ cung cấp di động Vodafone cũng bị ra lệnh ngưng cung cấp dich vụ vào ngày 28/1. Tuy nhiên động thái đó của chính quyền Mubarak là vô ích bởi vì hoạt động biểu tình của người dân Ai Cập lúc bấy giờ đã không còn lệ thuộc vào internet nữa. Sức mạnh đoàn kết của người dân đã vượt mặt sức mạnh quân sự của chính quyền Mubarak cho nên họ không còn cần lệ thuộc vào internet để kêu gọi và thúc đẩy lẫn nhau. Trước sức ép của dư luận và cộng đồng quốc tế, các dịch vụ internet và di động ở Ai Cập đã phải được mở lại một ngày sau khi bị gián đoạn bởi chính quyền Mubarak. Làn sóng biểu tình ngày càng dâng cao và quyết liệt, mọi động thái nhằm hòa hoãn và cứu nguy cho chính quyền Mubarak đều không có tác dụng. Đến ngày 11/2/2011, Tổng thống Mubarak tuyên bố từ chức. Facebook đã trở thành mạng xã hội toàn cầu có số thành viên đông đảo nhất hiện nay. Là một mạng xã hội không thu phí nên tính lan tỏa của Facebook đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Ai Cập. Chính quyền Mubarak đã không ngờ rằng mọi việc vẫn có thể được sắp đặt thông qua trang xã hội toàn cầu lành mạnh kia. Họ cứ ngỡ rằng họ có thể kiểm soát mọi thứ, và Facebook đã biến cái không tưởng thành có thể. Thử tưởng tượng rằng Facebook không tồn tại và internet cũng chưa có mặt, đất nước Ai Cập vẫn sẽ nằm trong sự kìm kẹp của chế độ Mubarak.
Ở Việt Nam, dù không thừa nhận, nhưng chính phủ đã có những động thái kiểm soát gắt gao các phương tiện truyền thông trực tuyến. Và dường như nhìn thấy được sự lớn mạnh của các trang mạng xã hội quốc tế, chính quyền đã ban bố một chỉ thị bất thành văn, buộc các nhà cung cấp internet ở Việt Nam phải chặn truy cập vào Facebook. Người dùng internet ở Việt Nam thường phàn nàn rằng họ không thể truy cập vào Facebook theo cách thông thường, tuy nhiên thông qua việc sử dụng các thủ thuật internet, họ vẫn có thể truy cập vào Facebook. Điều đó càng khẳng định, internet không thể bị ngăn chặn một cách tuyệt đối. Chính phủ cũng đã tạo nên các trang mạng xã hội trong nước để kêu gọi sự tham gia của người dân. Họ muốn kiểm soát hoạt động của người sử dụng internet thông qua các trang mạng xã hội đó. Tuy nhiên, người dùng Việt Nam vẫn chọn lựa Facebook và các trang xã hội quốc tế khác vì tính tiện dụng và không bị ràng buộc, kiểm soát.
Cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập đã thành công trên đất Ai Cập nhờ vào sức mạnh liên kết người dân của Google Chat và Facebook. Có thể nói với một thế giới ngày càng phẳng, ngày càng toàn cầu hóa, internet và các trang mạng xã hội với lượng người dùng lớn như Facebook đã trở thành một môi trường dân chủ nhất và bình đẳng nhất đối với những công dân thế giới. Facebook, Twitter, LinkedIn hay Youtube, những trang mạng có số lượng người sử dụng lớn và thường xuyên, có sức mạnh liên kết vĩ đại. Lẽ dĩ nhiên, mọi thứ đều tồn tại hai mặt tốt và xấu, quan trọng là người sử dụng với mục đích và động cơ gì.
* Blog của Tiến sĩ Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment