TP - Buổi khảo sát ngày 12/8 của Bộ Xây dựng cho thấy, thiếu cơ chế, chính sách khiến người dân không đồng thuận, doanh nghiệp không mặn mà nên việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội vẫn dậm chân tại chỗ.
Ảnh minh họaẢnh minh họa
Chiều 12/8, đoàn khảo sát các chung cư cũ ở Hà Nội có mặt tại tòa C8 Giảng Võ. Đây là công trình được Sở Xây dựng Hà Nội xếp hạng D về nguy hiểm (buộc phải di dời). 

Vừa bước đến chân cầu thang tòa nhà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng giật mình vì cầu thang được “băng bó” bằng những tấm tôn hiện ngay trước mắt. 
Hơn 30 hộ dân đơn nguyên III của C8 Giảng Võ vẫn không chịu di dời dù tòa nhà đã có phương án cải tạo. Bà Nguyễn Tám ở tầng 5 nói: “Chúng tôi đang ở nội thành bắt chúng tôi ra ngoại thành. Con cái chúng tôi đi làm, cháu chúng tôi đi học trong nội thành biết tính sao. Liệu sau khi di dời chúng tôi có được về lại chỗ cũ?”.
Tại buổi làm việc giữa Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội chiều cùng ngày, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, không nên để chủ đầu tư đứng ra đàm phán với dân để tránh tình trạng chủ đầu tư vào làm rồi thấy khó lại ra như thời gian qua. 
Theo Bộ trưởng, hiện nay, việc cải tạo chung cư cũ chậm vì xung đột giữa quyền lợi của người dân và chủ đầu tư. Chủ đầu tư muốn xây cao tầng để bù chi phí, còn người dân muốn đền bù với hệ số lớn mới chịu di dời. 
Trước vướng mắc này, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nói: “Xây nhà cao tầng sẽ làm gia tăng dân số. Khi bán nhà, phải đảm bảo diện tích bình quân dưới 5m2/người để tránh tình trạng nhiều thế hệ sống trong một căn hộ”. Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng chỉ ra sự yếu kém của các cấp trong việc di dời người dân ra tòa nhà nguy hiểm cấp D.
“Chúng ta phải quy định bắt buộc chính quyền và người dân trong việc tái thiết chung cư cũ. Nếu đã bắt buộc thì phải dùng đến biện pháp cưỡng chế”, ông Thảo nói. 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng lại băn khoăn: “Quỹ nhà tái định cư tại vị trí phù hợp cho người dân di dời hiện quá ít. Việc doanh nghiệp xây nhà tái định cư rồi di dời dân ra để cải tạo. Sau khi cải tạo di dời về rồi bán nhà tái định cư tạo thành vòng luẩn quẩn. Vì vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư có quỹ nhà đảm bảo người dân có chỗ ở phù hợp”.