Tuesday, August 12, 2014

Nhiều cán bộ phải ở khách sạn dài ngày vì thiếu nhà công vụ?


(Dân trí) - Ngày 12/8, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Nhà ở công vụ, điều kiện để người nước ngoài được mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam là những nội dung nhận nhiều ý kiến tranh luận.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước.
Bàn về vấn đề nhà công vụ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh tính cần thiết của quy định này trong luật vì tình trạng thiếu nhà công vụ cho cán bộ đang rất phổ biến. Theo ông Phước, nhà ở công vụ liên quan đến công tác cán bộ và là một nhu cầu tự nhiên. Không chỉ đối với cán bộ ở tỉnh, thành phố trung tâm mà ngay cả địa phương, số cán bộ luân chuyển lên TƯ cũng nhiều, mỗi năm hàng trăm trường hợp, rất cần chỗ ở.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc phân tích, hiện nhiều cán bộ cơ quan Chính phủ, thậm chí cả cơ quan đảng vì chưa bố trí được nhà công vụ nên hàng ngày phải ở khách sạn, mà số tiền đó nhà nước phải trả hết, mức chi không nhỏ.
Ông Phước cảnh báo, cả nước có hàng vạn cán bộ đang rất cần nhà ở công vụ, nên không thể dừng việc sửa đổi được. Nếu dừng vấn đề nhà công vụ thì luật này chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa thì đề nghị có quy định nhà công vụ đối với lực lượng vũ trang vào luật Nhà ở sửa đổi lần này, cho thống nhất với luật Sĩ quan QĐND và luật Công an nhân dân cũng đang sửa.
UB Pháp luật, cơ quan thẩm tra dự án luật, nhận định hiện nay chưa thể áp dụng chế độ nhà công vụ cho tất cả đối tượng cán bộ, công chức đang thực hiện công vụ, đồng thời việc đưa tiền thuê nhà ở công vụ vào tiền lương là phá vỡ mặt bằng chung về chế độ tiền lương và khó khả thi, nên đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như luật hiện hành.
Nhập cảnh 2 ngày cũng được mua nhà?
Chuyển sang nội dung “nới” quy định cho người nước ngoài được mua, sở hữu nhà ở, dự thảo luật bản mới nhất nêu rõ, người Việt Nam định cư ở nước ngoài  nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có quyền sở hữu nhà ở gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, nội dung tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, ý kiến đánh giá chung, việc mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài không chỉ nhằm thu hút vốn của nước ngoài vào Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước phát triển, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.
Mặt khác, với quy định chặt chẽ về điều kiện được mua nhà ở, là chỉ áp dụng cho các đối tượng được phép nhập cảnh vào Việt Nam, chỉ cho phép mua nhà ở thương mại trong các dự án phát triển nhà ở tại khu vực không cấm người nước ngoài cư trú, đi lại, chỉ được mua loại nhà ở có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ… thì sẽ không làm ảnh hưởng đến chính sách về nhà ở trong nước, đặc biệt là không ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở.
Đồng thời, với các quy định chặt chẽ như vậy thì vấn đề quốc phòng, an ninh vẫn được bảo đảm và cũng không nên quy định thêm về điều kiện cư trú.
Cơ quan thẩm tra luật cũng đề nghị bổ sung quy định việc thanh toán tiền mua nhà ở phải được thực hiện thông qua các ngân hàng, tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, người nước ngoài về Việt Nam mua nhà để ở, để làm ăn, học tập hay về hẳn Việt Nam tái định cư thì, hoan nghênh, “còn ông vào hai ngày mua cái nhà rồi ông đi thì không được”.
 
Chốt lại nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng ý nới quy định cho nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam, nhưng vẫn phải chặt chẽ, không để bị lợi dụng.
P.Thảo

No comments:

Post a Comment