Tuesday, August 12, 2014

Bài văn khiến cho giáo viên và phụ huynh ngã ngửa



(Giáo dục) - Sự ngụy tạo ác ý trong “Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa”

Mấy ngày qua, nhiều trang mạng xã hội và báo điện tử đã đăng tải và chia sẻ “Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa” khiến cộng đồng mạng xôn xao bàn tán.
Khi được một thành viên chia sẻ trên diễn đàn xã hội, bài văn đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm, bình luận của cư dân mạng, nhìn chung là cảm giác ái ngại, “sốc” và … “ngã ngửa”.
Nguyên văn bài văn như sau:
Đề: Các em hãy viết một lá thư gửi cho người thân.
Bài làm:
“Bố kính mến!
Đầu thư con chúc bố sức khỏe, con yêu bố. Thưa bố, từ ngày bố đi công tác ngoài đảo, con rất nhớ bố, nhưng một thời gian con đã quên và không còn nhớ bố nữa, nên bố yên tâm công tác. Ở nhà không có bố, con và mẹ rất vui, con học hành có tiến bộ hơn trước, bố đừng lo cho con.
Con và mẹ ở nhà có hàng xóm yêu thương và giúp đỡ rất nhiều nhất là chú Thanh công an Phường, ngày nào chú cũng đến ăn cơm cùng con và mẹ, chở con đi chơi cùng me, chú mua rất nhiều quà cho con, còn tổ chức sinh nhật cho con nữa, thỉnh thoảng chú còn khen con đẹp giống mẹ.
Hằng đêm chú còn kể chuyện cho con nghe trước khi con đi ngủ, sáng sớm chú sang chở con đi học, trưa chú đón con về...Con rất yêu chú Thanh, mẹ cũng rất yêu chú Thanh nên bố đừng lo cho con và mẹ nữa, nên bố hãy yên tâm công tác, khi nào xong nhiệm vụ trở về gia đình mình lại sum họp bố nhé. Chúc bố khỏe.
Quy Nhơn,28/07/2014
Người viết thư
Lê Yến Vy”
Bài văn có giọng điệu hồn nhiên, thật thà của con trẻ nhưng lại đặt ra nhiều câu hỏi cho những người lớn xung quanh em. Tuy nhiên, khi xem xét kĩ bài văn, ta có thể nhận ra sự ngụy tạo vụng về trong bức thư này.
Bài văn khiến cho giáo viên và phụ huynh ngã ngửa
Bài văn khiến cho giáo viên và phụ huynh ngã ngửa
Thứ nhất, xét về hình thức của giấy kiểm tra, ở các trường tiểu học ngày nay, đặc biệt là ở các thành phố có điều kiện (chi tiết “chú Thanh công an phường”), học sinh làm bài kiểm tra trên mẫu giấy in sẵn chuyên dùng, có chỗ ghi tên trường, lớp, họ tên và khung khi điểm, lời phê của giáo viên.
Còn theo hình ảnh của bài văn ngụy tạo, tờ giấy kiểm tra lại là một tờ giấy ô li được xé ra từ vở, học trò tự kẻ khung, đề họ tên, lời phê. Giả sử trường này không dùng mẫu giấy kiểm tra in sẵn thì thông thường các em cũng được hướng dẫn ghi họ tên, trường lớp, môn kiểm tra ở trên, ở dưới kẻ khung ghi “Điểm” và “Lời phê của thầy, cô giáo” chứ không phải ghi họ tên một bên, một bên là ô ghi “Lời phê” cộc lốc như trong bài văn ngụy tạo kia.
Thứ hai, xét về chữ viết, nét chữ trong bài làm có thể đúng là nét chữ của học sinh tiểu học. Điều này không khó vì kẻ ngụy tạo có thể nhờ một đứa trẻ chép lại. Tuy nhiên phần nhận xét của giáo viên trong ô “Lời phê” thì quả là vụng về.
Luyện viết chữ đẹp là một trong những môn học quan trọng hàng đầu ở bậc Tiểu học, thế nên các cô giáo đều phải viết chữ đẹp, nắn nót để làm mẫu cho học sinh. Còn xét chữ “Xin ý kiến phụ huynh” trong bài văn ngụy tạo kia, một cô giáo Tiểu học không thể viết ẩu, viết xấu và càng không thể nhận xét bài văn một cách cộc lốc, không rõ ràng như thế.
Thứ ba, xét về ngôn ngữ trong bài văn thì càng có nhiều điểm đáng ngờ. Một học sinh Tiểu học không thể viết mỗi một chữ “Đề” mà phải ghi đầy đủ là “Đề bài”. Điều này thì khi chép đề lên bảng cô giáo cũng phải ghi rõ ràng. Hơn nữa trong cách ra đề văn, giáo viên thường chỉ viết “Em hãy…” chứ không dùng từ “Các em”.
Từ này chỉ dùng trong khi nói chứ không viết thành đề bài cho học sinh. Còn về ngôn ngữ diễn đạt của cô bé học sinh trong bài văn, bề ngoài có vẻ ngây ngô, thật thà khi kể tất cả những chuyện không đáng kể ở nhà cho bố nhưng thực chất, nội dung của bài lại được dàn dựng một cách có chủ đích.
Bài làm luôn nhấn mạnh đến “nỗi đau” mất mát tình cảm bố con, nỗi “trớ trêu” của người lính đảo bị vợ phản bội: “ở nhà không có bố, con và mẹ rất vui (…) ngày nào chú cũng đến ăn cơm cùng con và mẹ, chở con đi chơi cùng mẹ (…) hàng đêm chú còn kể chuyện cho con nghe trước khi con đi ngủ (…) con rất yêu chú Thanh, mẹ cũng rất yêu chú Thanh nên bố đừng lo cho con và mẹ nữa…”
Nếu xét về mặt logic, một học sinh Tiểu học đã học đến cách viết một bức thư thì rõ ràng đã có thể nhận thức được về người bố đi lính ngoài đảo xa, không thể nào thờ ơ với bố đến mức như thế mà chấp nhận một “người hàng xóm” ăn ngủ ở nhà mình. Hơn nữa thực tế không thể có một “chú Thanh” nào dám công khai đi lại với vợ một người lính đảo giữa bàn dân thiên hạ, đặc biệt chú Thanh ấy lại còn là công an phường.
Những căn cứ trên đã quá rõ ràng để có thể nhận thấy sự ngụy tạo vụng về đầy ác ý của bài văn. Đây không phải là trường hợp duy nhất bởi thời gian gần đây xuất hiện không ít những bài văn của “học sinh” gây “sốc” được đăng tải và chia sẻ trên mạng xã hội nhằm mục đích mua vui, “câu like”.
Trong khi báo chí công bố những bức thư thấm đẫm tình cảm của vợ con người lính đảo, khích lệ người lính chắc tay súng vì biển đảo quê hương thì lại có những kẻ thiếu văn hóa, thừa thời gian ngụy tạo ra những bài văn giễu cợt sự hy sinh của người lính, bịa đặt chuyện phản bội ở hậu phương. Càng không thể chấp nhận khi sự giễu nhại ấy lại được đặt dưới trang viết hồn nhiên, vô tư của học sinh Tiểu học. 

Điều đáng buồn hơn nữa là bài văn khi xuất hiện được rất nhiều người chia sẻ và bình luận như một trò mua vui, giải trí. Nếu không có sự quan tâm của đông đảo mọi người thì thử hỏi có kẻ rỗi hơi nào lại dày công dàn dựng nên những sản phẩm vô văn hóa như thế?
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam còn để lại vô vàn những hình ảnh, câu chuyện đẫm nước mắt, đầy đau thương và cảm động về những người vợ, người mẹ có chồng đi lính xa nhà. Câu chuyện đau lòng của “người thiếu phụ Nam Xương” vẫn còn đó, liệu có cần nhẫn tâm dùng chiêu trò mượn lời con trẻ để bịa đặt, mua vui, tạo nên một bi kịch của “vợ chàng Trương” giữa thế kỉ 21?
 Hải Lý (Theo blog Tuấn Công thư phòng)

No comments:

Post a Comment