Tuesday, August 12, 2014

7000lít dầu siêu độc:VN chưa có tiền lệ, Bộ TNMT chờ...



(Tin tức thời sự) - Theo giải thích của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường thì cho đến hiện nay chưa ai biết lô hàng chứa hóa chất sẽ đi đâu về đâu.

Chờ phương án từ... chủ lô hàng?
Sau khi Sở TNMT Quảng Ninh cho biết việc xử lý dứt điểm dàn máy biến thế có chứa hóa chất siêu độc đang được lưu kho bảo quản tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh) là trách nhiệm của Bộ TNMT, cụ thể là Tổng cục môi trường.
Chia sẻ thông tin với Đất Việt, ngày 12/8, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết: "Việc này, bây giờ không thuộc trách nhiệm của Tổng cục môi trường, chúng tôi chỉ đang tiến hành xử lý theo đúng chỉ đạo.Các đơn vị chuyên môn đang xử lý nhưng chưa có thông tin chính thức".

Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam cũng chưa bao giờ vận chuyển một khối lượng hóa chất độc hại lớn như thế. Hiện nay, Việt Nam cũng chưa ban hành hướng dẫn, kỹ thuật với việc vận chuyển và tiêu hủy hóa chất siêu độc PCB. Các hướng dẫn kỹ thuật này mới đang ở giai đoạn dự thảo.Bàn tiếp về phương án vận chuyển, ông Tùng cũng cho rằng, việc vận chuyển phải có cơ quan quản lý đồng ý giao cho đơn vị nào có giấy phép, chức năng xử lý, vì theo ông đây là chất thải nguy hại phải giao cho đơn vị có chức năng mới có thể xử lý được, tránh gây thiệt hại nhiều hơn.
máy biến thế và dầu biến thế nhiễm PCB ở cảng Cái Lân đã được đóng trong các container
Máy biến thế và dầu biến thế nhiễm PCB ở cảng Cái Lân đã được đóng trong các container
Bên cạnh đó, theo ông Tùng tiết lộ thì Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long vẫn chưa tính phương án xử lý chi tiết nên Tổng cục chưa có câu trả lời cụ thể.
Vì đơn vị có chức năng xử lý thì phải có phương án chi tiết đưa lên, đấy là trách nhiệm.
Chính vì vậy, chốt lại đại điểm di chuyển của nhà máy, thì bản thân công ty đó có chức năng vận chuyển đến địa điểm nào được cho phép. Thời gian tới, trong kế hoạch chi tiết phải nói rõ, cụ thể vị trí, địa điểm, thời gian như thế nào.
Bởi khi mà DN đưa lên sẽ có các chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản lý nhà nước phê duyệt, xử lý sao cho triệt để, để tránh mang chất độc từ nơi này sang nơi khác.
Không có chuyện xử lý mất tiền tỷ USD!
Nhắc đến việc, có thông tin, năm 1999, 25 lít dầu chứa hóa chất này tràn ra môi trường khiến nước Bỉ mất hơn một tỷ USD để xử lý.
Ông Tùng phủ nhận ngay: "Tôi khẳng định không có chuyện xử lý 25 lít dầu mà mất 1 tỷ USD, quá vô lý! Bởi nó không khó đến mức cho ra một số tiền khổng lồ như vậy. Ở đây là 1 tỷ USD chứ không phải 100 hay 1000 USD".
Đặt ra câu hỏi vận chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác, chắc chắn sẽ bị nhiễm độc, ông Tùng cũng đồng tình: "Chắc chắn, thế nhưng, sẽ giao cho đơn vị có chức năng xử lý, ai có chức năng xử lý thì mình bàn giao cho họ, còn không có chức năng thì làm sao chúng ta bàn giao được".
Về tiêu chí chọn DN xử lý phải có giấy phép, có chức năng vận chuyển xử lý chất thải, có kế hoạch chi tiết, phương án xử lý chất độc này ra sao. Từ đó, các Bộ, ngành thông qua kế hoạch, rồi chủ tịch Hội đồng thẩm định phương án đó có khả thi không.
Sau khi các cấp Bộ, ngành thông qua thì mới chuyển giao cho đơn vị thực hiện. Thành lập một Hội đồng giám sát gồm Bộ TNMT, Sở Tài nguyên theo dõi giám sát quá trình xử lý.
Chốt lại nói về nơi sẽ xử lý lô dàn máy có chứa hóa chất thay vì cảng Cái Lân, ông Tùng bối rối: "Đây là vấn đề liên quan đến môi trường rất nghiêm trọng, nhưng cho đến hiện tại, phía Tổng cục cũng chưa biết lô hàng sẽ được vận chuyển và xử lý cụ thể ra sao".
Về phương án vận chuyển và tiêu hủy số hóa chất độc hại này, ông Hoàng Danh Sơn, Phó GĐ Sở TNMT Quảng Ninh đã có công văn yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long lên phương án vận chuyển hai container nói trên về kho lưu giữ an toàn của công ty tại thành phố Hải Phòng. Sở cũng gửi công văn lên Bộ TNMT xem xét, ra văn bản hướng dẫn công ty này vận chuyển, xử lý lô hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được hồi âm từ hai phía.
Ngay với phương án tiêu hủy số hàng này, ông Hoàng Danh Sơn cho biết, hiện cả nước chỉ có một đơn vị ở Kiên Giang là có đủ công nghệ tiêu hủy PCB. Tuy nhiên, việc vận chuyển cả một khối lượng lớn dầu nhiễm PCB ở cảng Cái Lân đến nơi tiêu hủy cũng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Trong khi đó, chia sẻ với Đất Việt, ngày 11/8, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long cho hay: "Tôi khẳng định, cho đến hiện tại, dàn máy biến thế này không hề bị rò rỉ. Bởi vì, các bên đã đến xử lý cho vào khu bảo quản của cảng Cái Lân".
Lập hàng rào cách ly 7.000 lít dầu
Trong một diễn biến khác, ngày 12/8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu đã có mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Cảng Quảng Ninh kiểm tra việc xử lý, bảo quản gần 7.000 lít dầu trong máy biến thế chứa hóa chất PCB, loại hóa chất cực kỳ độc hại nếu bị xâm nhập ra môi trường, được báo chí lên tiếng thời gian qua.
Bởi theo ông Hoàng Danh Sơn, do số lượng dầu nhiễm PCB tại cảng Cái Lân nhiều, lại nằm ngay sát vịnh Hạ Long nên tiềm ần một nguy cơ quá lớn. Nếu không may một phần hoặc tất cả số lượng PCB này tràn xuống biển thì vịnh Hạ Long sẽ vĩnh viễn không thể khôi phục nguyên trạng.
Trước nguy cơ đối với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTT&DL nói: “Vịnh Hạ Long vừa là biểu tượng Việt Nam, vừa là biểu tượng của du lịch, cần thái độ ứng xử bài bản.
Trách nhiệm trước hết là BQL vịnh Hạ Long, sau đó đến UBND tỉnh Quảng Ninh phải chỉ đạo phối hợp giải quyết vấn đề này. Tôi cho rằng phải tăng cường trách nhiệm từng cá nhân. Tại sao để từ năm 2007 đến giờ mới phát hiện. Có phải BQL, UBND tỉnh phát hiện ra không hay phải chờ đến báo chí”.
Ông Tân nói thêm “Mặc dù BQL vịnh Hạ Long đã báo cáo lên, nói rằng có phương án bảo quản an toàn, nhưng về lâu dài phải tính toán. An toàn đó như thế nào cũng cần làm rõ để cho độc giả, những người quan tâm đến vịnh yên tâm. Chúng ta phải làm đến nơi đến chốn”, ông Tân nhấn mạnh.
Thanh Huyền

No comments:

Post a Comment