Friday, August 8, 2014

Trung Quốc tăng tốc "hất cẳng" Mỹ khỏi Mỹ Latinh

(Baodatviet) - Trung Quốc đang cố gắng hiện thực hóa tham vọng xây dựng một "kênh đào Panama trên cạn" nhằm phá thế độc quyền của Mỹ tại Mỹ Latinh.
Chuyến công du kéo dài 10 ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới các nước Mỹ Latinh vào tháng 7/2014 đã thành công tốt đẹp khi ông này đã cùng với lãnh đạo Brazil, Peru tuyên bố sẽ cùng nhau tiến hành một dự án đường sắt kết nối giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Đây là dự án đường sắt lớn nhất do lãnh đạo Trung Quốc đưa ra trong các chuyến công du nước ngoài. Tuyến đường sắt này dài hơn 3.000 km, bắt đầu từ các thành phố ven biển của Peru và kết thúc là bờ biển của Brazil.
Tuyến đường sắt sẽ chạy qua các tuyến đường vận tải biển quan trọng nhất thế giới, bao gồm Pakistan, Myanmar, vành đai kinh tế "Con đường tơ lụa", cảng Piraeus của Hy Lạp, Want China Times dẫn bản tin của tuần báo Nam Phương cho hay.
Bản tuyên bố chung hồi tháng 7 năm nay không cung cấp chi tiết về dự án đường sắt này, nhưng rất có thể mục đích của dự án là nhằm phá vỡ thế độc quyền của kênh đào Panama hiện do Mỹ quản lý. Việc xây dựng tuyến đường sắt "Panama trên cạn" sẽ giúp Trung Quốc xác lập vị trí tích cực hơn trong việc kết nối với châu Phi, Mỹ Latin và Thái Bình Dương.
Hiện tại, vận tải đường biển là con đường giao thông xuyên quốc gia quan trọng nhất thế giới, trong khi ba "yết hầu" vận tải biển chính (gồm eo biển Malacca tại châu Á, kênh đào Suez giữa châu Á và châu Phi, kênh đào Panama chia tách khu vực Nam Mỹ và Bắc Mỹ) đều đang chịu sự kiểm soát bởi những hệ thống chính trị và kinh tế quốc tế do Mỹ đứng đầu.

Vị trí 2 kênh đào ở Panama và Nicaragua
Vị trí 2 kênh đào ở Panama và Nicaragua

Trong tình thế hiện nay, Trung Quốc không cam chịu ngồi yên để Mỹ ung dung độc quyền tại Mỹ Latinh. Không chỉ có dự án đường sắt khủng trên, trước đó, Trung Quốc và Nga đã đạt được thỏa thuận khung với Nicaragua xây dựng kênh đào đi qua lãnh thổ nước này.
Dự án kênh đào xuyên Nicaragua trị giá 40 tỉ USD, nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, sẽ chính thức bắt đầu vào cuối năm nay. Dự án bao gồm cả việc xây dựng đường sắt, đường ống dẫn dầu, cảng và sân bay bên bờ hai đại dương. Nicaragua sẽ được nhận 1% lợi nhuận trong năm đầu tiên kênh đào đi vào hoạt động, và tỷ lệ lợi nhuận được hưởng sẽ tăng 10% sau mỗi thập kỷ và đạt 100% sau 100 năm.
Dự kiến, kênh đào thứ 2 nằm ở Nicaragua sẽ dài khoảng 200 km, gần gấp 3 lần so với chiều dài 82 km của kênh đào Panama.
Giới quan sát cho rằng, việc Trung Quốc tích cực tăng cường các mối quan hệ với Mỹ Latinh trước hết là do các lợi ích kinh tế, bởi nền kinh tế nước này cần các nguồn nguyên nhiên liệu và thị trường tiêu thụ hàng hóa để duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Vì vậy, ngoài các dự án trên, Chính phủ Trung Quốc cũng quyết định lập quỹ đầu tư với khối lượng 20 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng ở Mỹ Latinh.
Năm 2013, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các nước khu vực đạt 261,6 tỷ USD (của Nga là 17,5 tỷ USD). Trung Quốc liên tục từ năm 2009 là đối tác thương mại lớn thứ hai của hầu hết các nước Mỹ Latinh và đối tác thương mại lớn nhất của Brazil. Năm 2013, Bắc Kinh cũng nâng mức đầu tư vào Mỹ Latinh lên 20% trong tổng số 90 tỷ USD mà nước này đang đầu tư vào nền kinh tế thế giới.
Thế nhưng dường như ở đây không chỉ đơn giản như thế mà đó còn là sự trả đũa của Trung Quốc đối với Mỹ theo kiểu ăn miếng trả miếng. Trong bối cảnh Mỹ cùng đồng minh Nhật Bản và các nước Đông Nam Á nỗ lực thành lập một khối kinh tế xuyên Thái Bình Dương thì Trung Quốc cũng tương kế tựu kế tìm cách lôi kéo, liên kết các quốc gia xung quanh Mỹ. Chưa kể, đó là ngón đòn kinh tế Trung Quốc trả cho Mỹ sau những cản trở của nước này đối với tham vọng Trung Quốc tại Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông.
Đây có lẽ là giai đoạn "trăng mật" của Trung Quốc và các nước Mỹ Latinh khi các nước hoan hỉ bắt tay, ký kết các hiệp ước thương mại và đầu tư mới với Trung Quốc. Họ coi đây là cơ hội tuyệt hảo để giải quyết tình trạng kinh tế trì trệ của mình sau khi đã vỡ mộng với Mỹ.
Bởi vậy, loạt dự án khủng Trung Quốc đã, đang và sắp tiến hành ở Mỹ Latinh là mũi tên trúng hai đích khi vừa mang lại món lợi kinh tế cho nước này, vừa tích cực phá thế độc quyền Mỹ, xóa dần ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này.
An Thái

No comments:

Post a Comment