Friday, August 8, 2014

Hoạt động của Trung Quốc ở Hoàng Sa là bất hợp pháp

HÀ NỘI (NV) - Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam vừa tuyên bố như thế, sau khi có tin Trung Quốc đưa tàu đến Hoàng Sa khảo sát dầu khí và xác định vị trí dựng năm hải đăng.



Nhân viên Trung Quốc khảo sát việc xây dựng 5 hải đăng tại năm hòn đảo trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. (Hình: news.sina.com)


Trong cuộc họp báo mới nhất tại Hà Nội, ông Lê Hải Bình, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết, Việt Nam đang xác minh những thông tin có liên quan đến việc Trung Quốc sẽ đưa tàu Thạch Du 721 vào vùng biển của Việt Nam để khảo sát địa chất - thăm dò trữ lượng dầu khí và tìm địa điểm dựng năm hải đăng ở năm hòn đảo (Ðá Bắc, Ðá Hải Sâm, Duy Mộng, Cồn Cát Nam và Hòn Tháp) trong quần đảo Hoàng Sa.

Ông Bình nhấn mạnh, tất cả các hoạt động của Trung Quốc ở Hoàng Sa, vừa bất hợp pháp, vừa vô giá trị vì Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo ông Bình, tất cả hoạt động của những quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền ở những vùng biển này phải theo đúng luật pháp quốc tế và phải tôn trọng quyền tài phán của các quốc gia ven biển.

Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan 981 khỏi quần đảo Hoàng Sa hồi giữa tháng 7, tranh chấp chủ quyền trên Biển Ðông giữa Trung Quốc và các lân bang vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tuyên bố khảo sát địa chất - thăm dò trữ lượng dầu khí và tìm địa điểm dựng năm hải đăng ở năm hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc có vẻ như nhằm dằn mặt không chỉ Việt Nam.

Cách nay vài ngày, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Philippines loan báo, đã có ít nhất ba quốc gia là Việt Nam, Indonesia và Brunei tuyên bố ủng hộ đề nghị ngưng xây dựng các công trình trên Biển Ðông của Philippines.

Tuần trước, Philippines đưa ra đề nghị vừa kể trong bối cảnh Trung Quốc đang biến nhiều bãi đá tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thành căn cứ quân sự.

Sau khi Philippines đưa ra đề nghị ngưng xây dựng các công trình trên Biển Ðông, Trung Quốc lập tức khẳng định, Trung Quốc có quyền làm bất cứ việc gì, xây dựng bất kỳ cái gì mà Trung Quốc muốn trên các hòn đảo mà Trung Quốc đã nhận chủ quyền ở Biển Ðông.

Ông Yi Xianliang, vụ phó Vụ Biên Giới và Ðại Dương của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, còn cáo buộc rằng, đề nghị của Philippines là vô ích vì chúng làm suy yếu những nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) của Trung Quốc và ASEAN. Ông Yi còn phản đối việc Hoa Kỳ tham gia giải quyết vấn đề Biển Ðông, với đề nghị giữ nguyên hiện trạng Biển Ðông như trước ngày 1 tháng 5 (thời điểm trung Quốc đưa giàn khoan 981 đến khai thác dầu khí ở quần đảo Hoàng Sa), vì theo ông ta, Biển Ðông là vấn đề của Châu Á.

Philippines hy vọng sẽ có nhiều quốc gia lên tiếng ủng hộ đề nghị của mình tại các cuộc họp của khối ASEAN đã khai mạc hôm 5 tháng 8 và sẽ kéo dài đến hết ngày 10 tháng 8.

Mới đây, sau một cuộc họp diễn ra từ 5 tháng 8 đến 7 tháng 8, ở Miến Ðiện, nhằm chuẩn bị cho một số hội nghị của các ngoại trưởng trong khối ASEAN và giữa đại diện ASEAN với các đối tác (từ 8 tháng 8 đến 10 tháng 8), các viên chức cao cấp của ASEAN vừa nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Ðông, vừa bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây trên Biển Ðông.

Nhân danh ASEAN, những viên chức này yêu cầu tất cả các bên có liên quan nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, không tái diễn những hành động phức tạp. Ðồng thời nhận định rằng phải thúc đẩy các biện pháp nhằm bảo đảm việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), sớm đạt được COC.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, Trung Quốc không hề bận tâm đến tất cả những diễn biến này. (G.Ð)
08-08- 2014 7:01:30 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment