Friday, August 8, 2014

Tại sao Mỹ bị Trung Quốc qua mặt ở châu Phi ?



Trung Quốc hiện diện trên khắp lục địa đen.france24.com
RFI-Mai Vân
Trong dòng thời sự được báo chí Pháp quan tâm, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Châu Phi do Tổng thống Barack Obama triệu tập tại Washington và kết thúc hôm nay, 08/08/2014, vẫn được chú ý. Nhật báo Le Figaro đã đăng ý kiến của bà Laurence Daziano, Giảng sư tại Học viện Khoa học Chính trị Pháp Sciences-Po, nhận định rằng cố gắng của Hoa Kỳ nhằm chiêu dụ châu Phi đã quá muộn, vì Trung Quốc đã đi trước, và đang áp đặt uy thế của Bắc Kinh tại đấy.

Dưới tựa đề « Tại sao Mỹ bị Trung Quốc qua mặt ở châu Phi », tác giả bài viết trước tiên ghi nhận là vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ đã đợi tới nhiệm kỳ 2 của mình mới công du châu Phi, rồi sau đó là triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Châu Phi.
Đối với Daziano, hội nghị Washington đã đến quá muộn màng vì châu Phi hiện đã quay sang các cường quốc đang trỗi dậy như Ấn Độ, Brazil, và nhất là Trung Quốc được cho là đã thành công trong việc áp đặt uy thế của mình trên lục địa da đen.
Bài phân tích đã nêu bật ba nhân tố làm nền tảng cho chính sách chinh phục châu Phi đã được Bắc Kinh tiến hành từ hàng chục năm nay mà kết quả rõ nhất là Trung Quốc đã vươn lên thành đối tác thương mại số một của châu Phi từ năm 2009.
Yếu tố thứ nhất trong chính sách này là viêc Trung Quốc xem châu Phi là đối tác thương mại chiến lược. Các số liệu cụ thể cho thấy rõ điều đó. Vào năm 2013, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi đã đạt mức 25 tỉ đô la, với khoảng 2.500 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại đấy. Trao đổi thương mại Trung Quốc-châu Phi đã lên đến 210 tỉ đô la.
Vấn đề là giao thương Trung Quốc-châu Phi sẽ còn tăng thêm vì hai lý do : Bắc Kinh có một khối tiền dự trữ khổng lồ (3.800 tỉ đô la) để đầu tư, và Trung Quốc cần thị trường để tiêu thụ hàng hóa made in China. Thị trường châu Phi rất tốt vì sẽ đạt mức 2 tỉ dân từ nay đến năm 2050.
Yêu tố thứ hai : Trung Quốc cần đến một khối lượng nguyên liệu và quặng mỏ khổng lồ để duy trì tốc độ tăng trưởng, điều mà chỉ có châu Phi mới cung ứng nổi. Đặc trưng số một trong quan hệ buôn bán Trung Quốc-châu Phi là vị trí ưu tiên cho lãnh vực nguyên liệu.
Nhân tố thứ ba mang tính chất chính trị. Cả Trung Quốc lẫn châu Phi đều có một cái nhìn mới về thế giới, một cái nhìn chung cho các quốc gia đang trỗi dậy. Đó là mong muốn lật đổ trật tự cũ thoát thai từ Đệ nhị Thế chiến, với Phương Tây thống trị phần còn lại của thế giới. Từ vấn đề phát triển, biến đổi khí hậu, cho đến vấn đề cân bằng chiến lược, châu Phi và Trung Quốc thường chung quan điểm…
Trong bối cảnh kể trên, đối với Laurence Daziano, nỗ lực chiêu dụ châu Phi của Hoa Kỳ coi như bị bóp nghẹt ngay từ trong trứng nước. Dĩ nhiên, Mỹ vẫn có mức tăng trưởng mạnh mẽ, và một thế thượng phong đáng kể về mặt công nghệ. Tuy nhiên kho dự trữ tăng trưởng và nguyên liệu dùng cho tăng trưởng lại ở châu Phi và Trung Quốc.
Cam Bốt : Án chung thân chưa xứng với tội ác Khmer Đỏ ?
Nhìn về Châu Á hôm nay, các báo quan tâm đến sự kiện Tòa án tại Cam Bốt kết án tù chung thân hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ Khiêu Samphan và Nuon Chea. Trên sự kiện này các báo có phản ánh khá khác nhau.
Le Monde chạy tựa ở trang nhất nói đến : « Phán quyết lịch sử đối với Khmer Đỏ », báo La Croix nêu tít ở trang trong, thông báo : « Cam Bốt kết án lãnh đạo Khmer Đỏ cuối cùng ». Còn Libération cũng ở trang trong, mục Thế giới, nhận định mỉa mai : « Khmer Đỏ : Một án chung thân nhỏ nhoi ».
Nhận xét đầu tiên của Libération là vào tuổi 83 và 88, rốt cuộc hai lãnh đạo của chế độ (Khmer Đỏ) cũng bị kết án về các tội ác trong thời kỳ dọn sạch Phnom Penh tháng 4/1975.
Dân cư Phnom Penh vào thời điểm đó là 2 triệu người được lệnh rời thủ đô, với lý do - theo bài báo - là Mỹ sắp dội bom thủ đô Cam Bốt. Bài báo còn mô tả cảnh bệnh nhân tại các bệnh viện bị buộc phải ra đi, nhiều người không đi được, phải bò dưới đất.
Bài báo cũng trích lời các thẩm phán cho là có nhiều ví dụ về việc Khmer đỏ sát hại thường dân đi sơ tán, nhiều người khác chết do kiệt sức, thiếu ăn hay bệnh tật. Dĩ nhiên là lính và công chức đã bị hành quyết.
Bài báo mô tả lại cảnh thở phào nhẹ nhõm của nhiều người trong gia đình các nạn nhân, như trường hợp một phụ nữ có 54 người thân bị thảm sát. Tuy nhiên, nhiều người cũng tỏ ra thất vọng, một là trên mặt đền bù : Tội nhân bị cho là quá nghèo nên không thể tự họ bồi thường, và tòa án cũng không có quỹ đền bù.
Tòa đã chấp nhận một số đề nghị như ghi giai đoạn Khmer Đỏ vào trong sách sử, tổ chức triển lãm lưu động thường kỳ, nhưng bác bỏ một số đề nghị khác như xây tượng đài cho nạn nhân Khmer Đỏ.
Mặt khác, đối với nhiều người, phán quyết dù công nhận tội ác của lãnh đạo Khmer Đỏ, nhưng đã để lại cảm giác về một cái gì đấy chưa hoàn tất, dù họ cũng thấy là tư pháp không thể đi xa hơn nữa.
Trên nguyên tắc, hai lãnh đạo Khmer Đỏ, theo bài báo, còn phải ra trước tòa trong một phiên xét xử khác về tội diệt chủng nhắm vào cộng đồng người Hồi giáo và người Việt Nam vào cuối năm nay. Thế nhưng với tuổi tác của các bị cáo, công cuộc xét xử khó đi đến nơi đến chốn.
Libération trích lời một nhà phân tích Cam Bốt Lao Mong Hay giải thích : « Chính phủ - Phnom Penh - luôn kéo dài thời gian, tỏ ra thiếu thiện chí, can thiệp vào tiến trình xét xử... câu giờ để những bị cáo quá già chết đi, không phải ra tòa nữa. Lý do vì là những gì họ khai ra có thể gây bối rối cho chính quyền Cam Bốt, cho các nước có liên can như Trung Quốc, Việt Nam ».
Nga trả đũa trừng phạt của phương Tây, dân Nga cũng bị vạ lây
Trong các hồ sơ quốc tế, quan hệ Châu Âu và Nga với trừng phạt và trả đũa, rất được theo dõi. Hôm qua Thủ tướng Nga Medvedev loan báo cấm hẳn trong thời hạn một năm nông sản mua của phương Tây (Liên Hiệp Châu Âu, Mỹ, Úc, Canada).
Nhìn chung, các báo nêu bật nỗi lo ngại của các nhà sản xuất Châu Âu nhưng đồng thời xác định là lệnh cấm cũng sẽ tác động đến người dân Nga.
Bài báo trên Libération bắt đầu một cách hóm hỉnh : Chiến tranh hàng tươi sống đã bắt đầu ! Và tờ báo liệt kê một danh sách dài các sản phẩm bị cấm, từ thịt bò, heo, gà, vịt, cho đến cá, phó mát, sữa, rau quả...
Tờ báo lấy làm tiếc là trong lúc được mùa rau quả... năm nay, Châu Âu lại mất đi một khách hàng tốt : Nga mua 10% nông sản Châu Âu, tương đương với 12 tỉ euro, trong đó một phần không ít là trái cây, táo, đào, và cà tomate.
Đáng ngại là năm nay rau quả được mùa, cung nhiều hơn cầu, đã phải hạ giá, giờ đây lại gặp cấm vận của một người bạn hàng tốt. Sản phẩm không bán được sang Nga, sẽ đổ ngược trở lại vào thị trường Châu Âu, và tạo nên một tình hình khủng hoảng.
Báo La Croix trong bài tựa đề « Nga lao vào trò chơi trừng phạt », nêu bật nỗi lo ngại ở Châu Âu, và đăng ảnh thanh niên Ba Lan biểu tình với các xe đẩy đầy táo mà Nga không nhập. Tờ báo cũng nêu lên khoản thất thu mà Pháp sẽ phải chịu : Năm 2013, Pháp xuất sang Nga hơn 1 tỉ euro nông phẩm.
Bài báo còn trích lời Thủ tướng Phần Lan, cho biết là sẽ yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu bồi thường thiệt hại.
Nhưng không chỉ một mình Châu Âu bị thiệt hại, La Croix nhìn thấy là dân chúng Nga cũng sẽ bị tác động, vì Nga gần như là đã nhập toàn bộ nông sản, thực phẩm. Trong giai đoạn từ tháng Giêng đến tháng 5/2014, Nga, trong lãnh vực này, nhập đến 13 tỉ euro trong khi xuất khẩu Nga chỉ là 5 tỉ, Các nhà cung cấp hàng đầu cho Nga là Pháp, Đức, Ukraina.
Nga theo bài báo có thể tăng mức nhập từ Châu Mỹ La tinh, nhưng giá sẽ cao hơn do vận chuyển và tất nhiên giá bán lẻ sẽ cao lên ở Nga. Một ngã khác là doanh nhân Nga có thể đi vòng, mua hàng Châu Âu từ Belarút vốn không bị trừng phạt.
Chiến tranh thương mại Nga-Liên Hiệp Châu Âu ?
Les Echos dưới tựa đề : « Nga và các nước phưong Tây bên bờ một cuộc chiến tranh thương mại nghiêm trọng », ghi nhận là với chu kỳ trừng phạt – trả đũa, Nga và các nước phương Tây đang bước vào một cuộc chiến thương mại có nguy cơ trở nên rất nghiêm trọng.
Bruxelles dành quyền đáp trả lệnh cấm vận nông sản mà Nga tuyên bố, trong lúc Matxcơva dự kiến đánh vào ngành xe hơi, hàng hải, hàng không. Một đe dọa rất nghiêm trọng nếu thực hiện được, vì Châu Âu, năm ngoái, xuất sang Nga 107 tỉ euro hàng công nghiệp.
Tuy nhiên, như các đồng nghiệp, Les Echos cũng nhấn mạnh trên tác động tại Nga của biện pháp cấm vận nông sản. Nhiều nhà phân tích Nga nghi ngờ về khả năng nước của họ thúc đẩy được sản xuất nông nghiệp để bù đắp cho phần nhập từ Âu Mỹ… vì nhà nước Nga không có tiền.
Tờ báo trích lời nhà phân tích chính trị Nga, Maria Lipman ở Matxcơva : « Nga không thể nào không đáp trả trừng phạt của phương Tây vì đây là vấn đề tự hào quốc gia, chủ quyền hơn là kinh tế ».
Nhưng cấm vận nông sản thực phẩm phương Tây sẽ làm giá cả ở Nga, tăng lên 25% đối với trái cây và rau, và sẽ đẩy lạm phát ở Nga cao thêm hơn. Tóm lại theo giới quan sát, cấm vận này sẽ làm tăng hậu quả trừng phạt của phương Tây lên đời sống dân chúng.
Pháp : Ngoại thương chỉ cải thiện bề ngoài
Về kinh tế Pháp, báo Le Figaro có bài nhận định khá gay gắt : « Ngoại thương, một sự cải thiện bề ngoài ». Tờ báo trở lại với số liệu về trao đổi thương mại Pháp được công bố hôm qua, theo đó thâm hụt mậu dịch đã giảm nhẹ xuống duới mức 30 tỉ : 29,2 tỉ euro , trong sáu tháng đầu năm 2014.
Theo Le Figaro số liệu này càng cho thấy là nền kinh tế Pháp đang trì trệ : Thâm hụt thương mại giảm là do nhập khẩu ít đi, chứ không phải là do xuất khẩu khỏe mạnh. Đáng lo ngại hơn nữa, theo tờ báo, là xuất khẩu của Pháp trong những ngành mũi nhọn như dược phẩm, lương thực thực phẩm, vẫn tiếp tục giảm.
Nhân dịp này Le Figaro cũng nêu những nguyên nhân khiến doanh nhân Pháp yếu thế trong việc chinh phục thị trường quốc tế.
Một trong những nguyên nhân quan trọng, như Bộ trưởng đặc trách ngoại thương Fleur Pellerin đã nêu lên, là tính không thích phiêu lưu : Những người thành công trên thị trường nội địa, tỏ ra rụt rè khi nghĩ đến việc đi ra ngoài.
Nhiều nguyên nhân giải thích sự rụt rè này, trong đó có nhận thức là không có sản phẩm có sức cạnh tranh. Thuế má không cho phép họ cạnh tranh với các nước có nhân công giá thấp.
Nhưng điểm quan trọng theo Le Figaro, là sự thiếu đầu tư, cải tiến từ những năm qua, khiến các nhà sản xuất chậm trễ trong việc nâng cấp sản phẩm, trong khi đây là phương thức duy nhất để có thế đứng trong thế giới cạnh tranh hung hãn hiện nay.
Le Figaro còn nêu một điểm khác mà tờ báo xem là cố tật của giới sản xuất, đặc biệt là của các công ty vừa và nhỏ PME ở Pháp. Theo tờ báo, muốn đem chuông đi đấm xứ người thì một công ty phải có một tầm cỡ nhất định nào đó, điều mà nhiều công ty vừa và nhỏ của Pháp không có hoặc không muốn có.
Vấn đề là do thuế má, tài chính, nhưng mặt khác một số công ty không muốn vượt qua một ngưỡng nhân viên nhất định – như ngưỡng 50. Vượt qua thì sẽ chịu nhiều ràng buộc từ thuế cho đến đóng góp xã hội ...
Le Figaro trích số liệu viện thống kê INSEE, cho biết là vào năm 2010, số công ty Pháp sử dụng 50 người là 600, trong khi có đến 1.600 doanh nghiệp sừ dụng 49 người ! Những yếu tố và tính toán kể trên khiến các công ty vừa của Pháp khó chuyển biến để có thể năng nổ ra ngoài.
Nhìn chung, các báo đều chú ý đến kết quả không mấy tốt đẹp của chính phủ Pháp của Tổng thống François Hollande, từ kinh tế, công ăn việc làm cho đến quan hệ với Châu Âu...
Libération trang nhất nói đến những lâu đài cát của ông Hollande, Le Figaro nhìn thấy ông Hollande đang tìm lối thoát hiểm, Le Monde thì chú ý đến việc Thủ tướng Đức Angela Merkel không hậu thuẫn cho Tổng thống Pháp về chính sách kinh tế. Để minh họa, tờ báo đăng ảnh ông Hollande ngồi một mình trên chiếc ghế, bên cạnh một chiếc ghế trống.

No comments:

Post a Comment