Tổng thống Obama nói Hoa Kỳ cần hỗ trợ cho các lực lượng ôn hòa có thể giúp mang lại ổn định cho Iraq
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vừa cho phép không quân tiến hành oanh tạc vào các mục tiêu phiến quân Hồi giáo ở miền bắc Iraq, nếu lực lượng này đe dọa lợi ích của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, ông cũng nói bộ binh Mỹ sẽ không quay trở lại Iraq.
Ông Obama cho biết Hoa Kỳ sẽ ngăn cản hành động diệt chủng nhằm vào các cộng đồng thiểu số.
Không quân Hoa Kỳ trước đó đã thả hàng cứu trợ xuống cho người dân Iraq đang đối mặt với mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo (IS).
IS đã chiếm thị trấn Qaraqosh, nơi có cộng đồng Thiên chúa giáo lớn nhất Iraq, khiến cư dân tại đây phải di tản.
Hàng cứu trợ của Hoa Kỳ đã được thả xuống cho cộng đồng người thiểu số Yazidi bên ngoài thị trấn Sinjar, một quan chức Hoa Kỳ cho biết.
Nhiều người Yazidi đã phải rời bỏ nhà cửa, một số đã phải lánh nạn ở những ngọn núi gần đó.
'Có mặt để giúp đỡ'
"Hoa Kỳ không thể và không nên can thiệp vào tất cả các cuộc khủng hoảng trên thế giới," Tổng thống Obama nói.
"Chúng ta có thể hành động một cách cẩn thận và có trách nhiệm để ngăn chặn hành động diệt chủng," ông nói thêm.
"Ngày hôm nay, Hoa Kỳ đã có mặt để giúp đỡ".
Ông cho biết Hoa Kỳ sẽ thực hiện các đợt không kích nhằm vào IS nếu lực lượng này tiến về phía thành phố Irbil.
Ông cũng nói Hoa Kỳ có thể và nên hỗ trợ các lực lượng ôn hòa có thể giúp mang lại ổn định cho Iraq.
Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã có cuộc họp khẩn để bàn về tình hình hiện nay.
Một phần tư người Cơ đốc giáo tại Iraq đã phải rời bỏ nhà cửa sau khi IS chiếm Qaraqosh
Liên Hiệp Quốc 'kinh hãi'
"Các thành viên của Hội đồng Bảo an kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ chính phủ và nhân dân Iraq, đồng thời làm tất cả mọi thứ có thể để làm dịu đi nỗi khổ của những người dân đang bị ảnh hưởng do xung đột hiện nay tại Iraq," đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Mark Lyall Grant nói sau cuộc họp tối ngày 7/8.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nói ông "vô cùng kinh hãi" trước khủng hoảng hiện nay.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng tình trạng của các nhóm người thiểu số tại Iraq đang có nguy cơ trở thành "thảm họa nhân đạo".
IS, nhóm Hồi giáo dòng Sunni từng được biết đến với cái tên Isis, đã giành được nhiều thắng lợi ở miền bắc Iraq kể từ khi mở chiến dịch quân sự hồi tháng Sáu. Lực lượng này cũng đang kiểm soát nhiều phần lãnh thổ tại Syria.
IS đã tuyên bố thành lập quốc gia Hồi giáo trên các vùng lãnh thổ đã chiếm được.
Trong các diễn biến khác
- Vụ đánh bom tự sát tại một cộng đồng Hồi giáo dòng Shia ở Baghdad đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng.
- IS nói đã chiếm được đập Mosul trên sông Tigris. Quân đội Kurdistan sau đó bác bỏ điều này và khẳng định họ vẫn đang làm chủ khu vực.
- Ít nhất sáu người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom tự sát gần một đền thờ dòng Shia tại thành phố Kirkuk ở phía bắc.
Cộng đồng Thiên chúa giáo tại Iraq đã bị thu nhỏ lại trong những năm gần đây
'Thảm họa'
Khoảng 100.000 người Thiên chúa giáo được cho là đã rời bỏ nhà cửa. Hầu hết trong số này được cho là đang tiến về phía Vùng tự trị Kurdistan.
Quân đội Kurdistan, còn được gọi là Peshmerga, đã chiến đấu chống lại các đợt tiến công của IS gần thị trấn Qaraqosh nhiều tuần nay. Tuy nhiên vào đêm 7/8, lực lượng này đã rút khỏi các vị trí đang trấn thủ.
"Quả là một thảm họa, một cảnh tượng bi thảm: Hàng chục nghìn người đang phải rời bỏ nhà cửa trong sự sợ hãi vào lúc này," ông Joseph Thomas, một giám mục ở thành phố Kirkuk nói.
Các nhân chứng tại Qaraqosh nói phiến quân IS đã gỡ bỏ thánh giá khỏi các nhà thờ và đốt các tài liệu tôn giáo.
Đức Giáo hoàng Francis đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực để giải quyết khủng hoảng.
Hồi tháng trước, hàng trăm gia đình Thiên chúa giáo đã phải di tản khỏi Mosul sau khi phiến quân Hồi giáo ra tối hậu thư yêu cầu họ phải cải đạo sang Hồi giáo, nộp thuế đặc biệt, hoặc bị hành hình.
Iraq là nhà của một trong những cộng đồng Thiên chúa giáo lâu đời nhất thế giới, tuy nhiên cộng đồng này đã bị thu nhỏ lại đáng kể do bạo lực giáo phái nổ ra sau cuộc xâm lược do Hoa Kỳ dẫn đầu hồi năm 2003.
Khoảng 50.000 người Yazidi bị cho là đã mắc kẹt trên các ngọn núi sau khi chạy khỏi thị trấn Sinjar hồi cuối tuần, mặc dù Liên Hiệp Quốc nói một phần trong số này đã được giải cứu.
Gần 200.000 thường dân đã phải rời bỏ nhà cửa tại Thị trấn Sinjar, Văn phòng Điều phối về Các vấn đề Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cho biết.
Những người bị kẹt trên núi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước và khoảng 40 trẻ em bị cho là đã tử vong.
No comments:
Post a Comment