Đăng Bởi -
Lến cho biết không đầu thú mà bị mời rồi sau đó bị tạm giam
Suốt tuần nay người dân phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) xôn xao chuyện ông Phạm Văn Lé (41 tuổi) ở khóm biển dưới được Công an tỉnh Sóc Trăng tạm đình chỉ điều tra, thả về nhà sau 2 năm bị tạm giam. Em ông Lé là Phạm Văn Lến (39 tuổi) cũng được gia đình bảo lãnh.
Một năm rưỡi trước anh em ông Lé cùng vợ Thạch Thị Xem được đưa ra TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm sau nửa năm xảy ra cái chết của ông Lâm Tài Mấu. Trong đó ông Lé bị truy tố tội giết người, 2 người còn lại bị truy tố tội không tố giác tội phạm.
Theo cáo buộc của cơ quan công tố, khi ông Mấu nhậu say đã đến nhà ông Lé ở phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu để chửi bới. Từ mâu thuẫn này, ông Lé đã dùng cây gài cửa đánh chết nạn nhân. Cáo trạng cũng cho rằng sau đó ông Lến ra đầu thú, khai có chứng kiến anh mình đánh ông Mấu.
Tại phiên tòa đầu tiên này nhiều uẩn khúc của vụ án được đưa ra tranh cãi sôi nổi vì hồ sơ có hai biên bản thực nghiệm điều tra mâu thuẫn nhau.
Cụ thể, biên bản ngày 7.12.2012 được các luật sư nêu tại tòa cho rằng có 4 người đánh ông Mấu nhưng biên bản ngày 18.6.2013 lại kết luận chỉ một mình ông Lé đánh nạn nhân. Đặc biệt, thực nghiệm không tiến hành tại hiện trường xảy ra vụ án mà lại làm trong trại tạm giam của Công an tỉnh Sóc Trăng.
Đối với dấu vết hiện trường cũng có nhiều điểm chưa rõ ràng vì theo điều tra thì ông Mấu bị đánh vỡ sọ tại nhà ông Lé, gục xuống nằm im khoảng 8 phút. Sau đó, nạn nhân được ông Lé dùng xe máy chở đi bỏ ở nơi xa 1.421 m.
Thế nhưng, với một người nhậu say, bị đánh gục bằng cây gài cửa gây vỡ sọ lại đi được đoạn đường 1.421 m rồi mới chết là khó phù hợp. Vì vậy, các bị cáo kêu oan, cho rằng bị điều tra viên ép cung. Thậm chí, ông Lến khai tại tòa là không hề đầu thú mà bị công an mời lên rồi bắt giữ.
Riêng ông Lé, người này khai với HĐXX rằng quá trình điều tra đã bị điều tra viên chích điện xỉu. Sau đó, ông được đưa vào bệnh viện điều trị nhiều ngày và cơ quan điều tra cho rằng ông treo cổ tự tử. Với những tình tiết phức tạp này khiến phiên tòa phải quay lại phần xét hỏi sau những ngày nghị án và HĐXX đã phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Tại phiên xử gần nhất cách nay hơn một tháng các bị cáo tiếp tục khai bị điều tra viên ép cung. Trước đó, TAND tỉnh Sóc Trăng đã có giấy triệu tập 2 điều tra viên Triệu Tuấn Hưng và Nguyễn Hoàng Quân đến phiên xử để làm rõ nhưng hai cảnh sát này không có mặt.
Trước tòa ông Lé khai bị điều tra viên ép cung.
Trong bản giải trình gửi HĐXX, điều tra viên cho rằng đến khi luật sư được gặp các bị cáo thì Lé, Lến thay đổi lời khai. Như vậy, các bị cáo đã vu khống điều tra viên nhằm chối tội, gây ảnh hưởng đến cơ quan bảo vệ pháp luật. Giải trình cũng cho rằng việc phản cung là có sự xúi giục của luật sư bào chữa nên kiến nghị xử lý luật sư tội vu khống.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên thì luật sư bào chữa cho bị cáo Lến đã tiếp nhận hồ sơ vụ án từ một đồng nghiệp bị bệnh. Từ khi nhận trợ giúp pháp lý thay người khác đến ngày ra tòa ông này chưa từng gặp bị can.
"Cả ông Lến và ông Lé đều bị tạm giam nên nếu tiếp xúc với luật sư thì có cảnh sát canh giữ. Như vậy luật sư làm sao có thể xúi giục bị cáo điều gì”, một luật sư bày tỏ quan điểm.
Liên quan vụ án, điều tra viên - thiếu tá Nguyễn Hoàng Quân (37 tuổi) là cán bộ vừa bị Công an tỉnh Sóc Trăng giáng chức từ Đội trưởng xuống Đội phó đội hướng dẫn, điều tra án xâm phạm nhân thân thuộc Phòng Cảnh sát điều tra (PC45). Ông này cũng bị cách chức Đảng ủy viên, Bí thư chi bộ thuộc Đảng ủy PC45 vì liên quan đến vụ bắt oan 7 người gây xôn xao miền Tây suốt nửa năm qua.
Trong vụ điều tra ông Lến bị cho là giết người còn có sự tham gia chỉ đạo của thượng tá Nguyễn Việt Thanh và thượng tá Nguyễn Hoàng Phú. Hai sĩ quan công an này là nguyên Trưởng, Phó phòng PC45 Công an Sóc Trăng đã bị cách chức về mặt Đảng và giáng chức, điều chuyển công tác liên quan đến oan sai, khiến 7 người đang sống yên vui bổng ở tù hơn nửa năm.
Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam
Hàm Yên
No comments:
Post a Comment