Thursday, July 17, 2014

Trung Quốc rút giàn khoan, Biển Đông sẽ vẫn còn sóng gió

 HÀ NỘI (NV) .- Trung quốc rút giàn khoan HD981 không phải mọi chuyện coi như xong, nhiều chuyên gia phân tích thời sự tin rằng khu vực Biển Đông sẽ còn nhiều sóng gió trong tương lai.


 Tàu hải giám Trung Quốc ngăn cản tàu Cảnh sát biển của Việt Nam muốn tiến gần đến giàn khoan HD981 ngày 15/5/2014. (Hình: AFP/Getty Images)

Hôm Thứ Ba 15/7/2014, Tân Hoa Xã loan báo Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương HD981 từ vị trí phía nam quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mang về Hải Nam mà họ cho là “đã suông sẻ hoàn tất” hoạt động thăm dò trước kế hoạch và đã tìm thấy dấu hiệu dầu khí.

Sau 75 ngày hoạt động gây phẫn nộ cao độ cho người dân Việt Nam, không kể một số vụ biểu tình bị nhà cầm quyền cản trở ở Hà Nội và Sài Gòn, các cuộc biểu tình bạo động ở Bình Dương, Đồng Nai và Hã Tĩnh đã làm cho ít nhất 4 người Trung quốc thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và thiệt hại tài sản lên hàng triệu đô la cho hàng trăm công ty ngoại quốc, phần lớn là của Trung Quốc và Đài Loan.

Trên biển, lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư nhỏ bé của Việt Nam đã đối diện ngày đêm với lực lượng hùng hậu hơn 100 tàu đủ loại của Trung Quốc suốt từ đầu Tháng 5 đến ngày giàn khoan rút đi hôm 15/7/2014. Hơn một chục tàu kiểm ngư, cảnh sát biển của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm, húc hư hại khá nặng, một tàu đánh cá bị đâm chìm.

Biến cố giàn khoan HD981 đã tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị phân hóa giữa hai nước cộng sản anh em, xưa nay chế độ Hà Nội vẫn dựa vào cái bóng khổng lồ của Trung quốc để tồn tại. Hà Nội từng bắn tiếng dọa sẽ đưa Bắc Kinh ra kiện ở tòa án quốc tế cũng như chuẩn bị đối phó cho mọi tình huống, kể cả tình huống xấu nhất, ám chỉ chiến tranh.

Giàn khoan HD981 của Công ty Dầu Khí Hải Dương (CNOOC) được đưa tới phía nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền lãnh thổ không thể tranh cãi với các bằng chứng lịch sử và pháp lý. Nó cũng hoàn toàn nằm trong phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên ký cam kết tuân hành.

Dư luận cả từ Việt Nam lần tại Trung quốc đều tỏ ra ngạc nhiên và bất ngờ trước việc giàn khoan được rút đi sớm một tháng, tức trước hạn kỳ 15 Tháng Tám đã được Bắc Kinh loan báo trước đây. Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh thanh minh rằng việc rút giàn khoan vì hai lý do chính, nhiệm vụ đã hoàn tất và cũng vì ảnh hưởng của trận bão đang tới.

Việc Trung Quốc rút giàn khoan chỉ một ngày sau khi có cuộc điện đàm giữa ông tổng thống Mỹ Barack Obama và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời một tuần lễ sau cuộc họp song phương Mỹ-Hoa về đối tác chiến lược và kinh tế diễn ra ở Bắc Kinh dẫn đến nhiều bình luận. Vì vậy, một số trang mạng ở Trung Quốc coi giàn khoan bị rút đi là do áp lực của Mỹ.

Trước tin Trung quốc rút giàn khoan, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN Lê Hải Bình nói tại cuộc họp báo hôm Thứ Tư rằng "Nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương 981 quay trở lại hoặc đưa bất cứ giàn khoan nào khác vào hoạt động ở khu vực lô dầu khí 143 của Việt Nam cũng như bất kỳ khu vực nào khác thuộc vùng biển của Việt Nam được quy định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982".

Tại Hoa Thịnh Đốn, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Jen Psaki nói với báo giới là Hoa Kỳ hoan nghênh cái tin Trung quốc rút giàn khoan nhưng bà tránh không bình luận lý do tại sao Bắc Kinh lại làm như thế trước hạn kỳ. Dù sao, bà cũng nói thêm rằng khi đến Bắc Kinh hồi tuần trước, Ngoại trưởng John Kerry đã lập lại những quan ngại của Mỹ đối với vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là hành đông khiêu khích gây căng thẳng của Trung quốc khi đưa giàn khoan tới vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

“Câu hỏi lớn vẫn là liệu năm tới Trung Quốc lại sẽ đưa giàn khoan HD981 quay trở lại (khu vực tranh chấp với Việt Nam) hay không”, ông M. Taylor Fravel, một chuyên viên về vấn đề tuyên bố chủ quyền biển của Trung Quốc tại viện đại học MIT nhận xét.

Trên tạp chí phân tích thời sự chính trị The Diplomat, bà Shannon Tiezzi, cho rằng Bắc Kinh nhận thấy nếu tiếp tục giữ giàn khoan ở vùng biển Việt Nam, họ mất nhiều hơn là được. Về mặt chiến thuật, họ đã chứng tỏ sự hiện diện của giàn khoan đạt được mục đích. Trung quốc đã chứng tỏ họ có khả năng cho giàn khoan hoạt động ở gần quần đảo Hoàng Sa với sự bảo vệ của các lực lượng từ quân sự đến bán quân sự dù gặp sự chống đối của Việt Nam.

Trung quốc cũng đã chứng tỏ cho thấy họ vẫn ngang nhiên hoạt động ở vùng biển tranh chấp cho dù có những lời đả kích từ nhiều phía, gồm cả Việt Nam và Hoa Kỳ. Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên ngoại giao Trung quốc Hồng Lỗi nói Công ty Dầu khí Hải dương CNOOC sẽ phâ ntích các dữ kiện thu lượm được để đưa ra những bước kế tiếp. Điều này hàm ý rất có thể dàn khoan HD981 trở lại đâu đó ở vùng biển tranh chấp với Việt Nam.

Khi rút giàn khoan về, theo bà Tiezzi, đây là dịp để Bắc Kinh sửa chữa lại những thiệt hại trong mối quan hệ với Hà Nội, tuy nhiên sẽ không hy vọng thấy Trung Quốc nhường nhịn Việt Nam về vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ mà nhiều viên chức chóp bu Bắc Kinh từng tuyên bố sẽ không nhượng bộ  một ly nhỏ.

Tại Việt Nam, nhiều người tỏ ý không tin là Bắc Kinh chỉ giản dị rút giàn khoan về rồi thôi. Trên tờ Giáo Dục VN hôm Thứ Năm, tướng Nguyễn Quốc Thước kêu gọi thận trọng, sợ rằng hành động của Trung quốc chỉ là “Kế lùi 1 tiến 2”.

“Chúng ta không bao giờ được phép chủ quan trước hành động của Trung Quốc. Mỗi bước đi, hành động của họ đều ẩn chứa dã tâm rất lớn, vì vậy hành động lần này chẳng qua là cách ru ngủ ta mà thôi, rồi họ tiến tới đàm phán và đòi hỏi đáp ứng nhiều thứ có lợi cho họ. Nếu chúng ta tin tưởng họ thì chắc chắn sẽ còn phải đối mặt với nhiều việc còn nguy hiểm hơn cả giàn khoan 981”, Tướng Thước dự đoán như vậy trên tờ GDVN.

Ông nhắc lại chuyện tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh của Việt Nam, sau đó khi đàm phán, phía Trung Quốc đồng ý quan điểm không gây ra tranh chấp, làm phức tạp thêm tình hình, nhưng trên thực tế quốc gia láng giềng đã nuốt lời.

“Tư tưởng bành trướng của Trung Quốc không bao giờ thay đổi, họ sẽ tìm mọi cách để hoàn thành đường 9 đoạn, dù biết rõ sẽ vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm chủ quyền của các nước. Việc cắt cáp tàu Bình Minh là một sự việc nhỏ hơn giàn khoan 981 rất nhiều, cho nên bước tiếp theo Trung Quốc rất có thể gây ra còn nguy hiểm hơn nữa. Vì vậy, chúng ta luôn phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất có thể, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc hàng nghìn đời nay đã cho thấy rất rõ mưu đồ bá quyền của Trung Quốc”, Tướng Thước nói.

Báo diện từ Tầm Nhìn dẫn lời tướng Công an hồi hưu Lê Văn Cương, từng là đại biểu Quốc hội CSVN, cũng khuyến cáo rằng “Đừng nghĩ Trung Quốc rút giàn khoan HD981 là bỏ chạy”. Theo ông rất có thể Bắc Kinh quay lại với giàn khoan khác nhỏ hơn hiệu quả hơn, “thậm chí kéo 2-3 giàn khoan cùng một lúc và có thể ký hợp đồng với nước ngoài cùng khai thác dầu khí.”

Vào ngày Trung Quốc rút giàn khoan, ông Pinak Ranjan Chakravarty, một cựu Bộ trưởng Ấn Độ nhận định trên tờ Daily Telegraph rằng Bắc Kinh tính toán rất kỹ lưỡng muốn độc chiếm Biển Đông, đồng thời thăm dò ý chí của Việt Nam và cả khối ASEAN cũng như cả cộng đồng quốc tế. Với thái độ hung hăng bá quyền bành trướng của Trung Quốc, vì vậy, tìm kiếm một cơ cấu ổn định cho Á châu là “con đường dài gian khổ trước mặt”. (TN)
07-17- 2014 5:43:05 PM
Theo NgườiViệt

No comments:

Post a Comment