Những liều thuốc đổ bệnh khiến di dân tý hon nhập lậu...
Bài này không liên quan đến cuốn “Catcher in the Rye” nổi tiếng của nhà văn Mỹ J.D. Salinger do Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng (Thích nữ Trí Hải) và Phùng Hạnh phiên dịch ra Việt ngữ tại Sài Gòn cách đây nửa thế kỷ. Bài này lấy lại tựa đề Việt ngữ của cuốn truyện vì nhớ tới Võ Phiến!
Cách ông lý giải âm mưu sâu xa của cộng sản qua việc “cấy trẻ” trước phong trào tập kết khi hai miền chia đôi vào 60 năm trước có thể giúp ta hiểu ra phần nào vụ khủng hoảng ngày nay tại Hoa Kỳ về di dân con nít!
Quả thật Hoa Kỳ đang bị một vụ khủng hoảng khi cả ngàn con trẻ từ Trung Mỹ bỗng được thả vào vùng Tây Nam trong lãnh thổ. Năm ngoái thì người ta giữ được 26 ngàn trẻ, năm nay, tính đến Tháng Sáu thì con số tăng gấp đôi, 52 ngàn. Chỉ hai năm sau khi tuyên bố đã ổn định chuyện di dân nhập lậu thì đầu Tháng Bảy, Tổng Thống Barack Obama lại nói tới khủng hoảng và xin Quốc Hội gần bốn tỷ đô la để giải quyết.
Năm nay lại có cuộc tranh cử giữa nhiệm kỳ Tổng thống, nên các chính khách ráo riết đổ lỗi cho nhau để xin phiếu cử tri nên càng gây nhiễu âm khó hiểu về một vấn đề bất ngờ.
Bất ngờ mà thật ra không đáng ngạc nhiên nếu chúng ta nhìn từ bên ngoài, tức là không nhảy vào cuộc tranh luận giữa hai đảng. Nhưng phải nhìn xa hơn một chút vào quá khứ. Ðấy là lúc ta thấy ra hiện tượng kinh tế học gọi là “hậu quả bất ngờ” mà người viết này gọi là “liều thuốc đổ bệnh.”
Hoa Kỳ là quốc gia trù phú tại Bắc Mỹ, tiếp cận với các nước kém phát triển ở Trung Mỹ. Sức hút về kinh tế và sức ép về dân số khiến nhiều người Trung Mỹ tìm cách vào Hoa Kỳ định cư. Ngoài xứ Mexico giáp ranh, người dân của các nước Trung Mỹ như Honduras, El Salvador và Guatemala củng cố đi qua xứ Mễ để vào nước Mỹ và vì giới hạn của ngả chính thức, họ tìm cách nhập lậu để phần nào chia sẻ giấc mơ tự do và thịnh vượng của dân Mỹ.
Khu vực Tây-Nam của Hoa Kỳ từng là lãnh thổ Mễ và người Mỹ gốc Mễ tập trung ở vùng biên vực này xây dựng được thế lực chính trị rất mạnh. Mạnh hơn các sắc dân thiểu số gốc Âu hay gốc Á sống tản mát trên toàn lãnh thổ. Vì vậy nhiều người Mỹ, phần đông là da trắng gốc Âu Châu, có thể e ngại về sự thống nhất của Hoa Kỳ. Ða số này bỏ phiếu bên Cộng Hòa và bị mang tiếng kỳ thị khi bên Dân Chủ lại o bế lá phiếu của dân Latino, gốc Trung Nam Mỹ, và đấy là bối cảnh của chuyện tranh chấp Mỹ-Mỹ về dân gốc Mễ.
Vì sức ép của di dân miền Nam, từ nhiều thập niên, Hoa Kỳ phải tìm ra chính sách đón nhận di dân và xử lý nạn di dân nhập lậu theo hai hướng vừa thực dụng cho quyền lợi kinh tế vừa đạo đức căn cứ trên các giá trị tinh thần của một quốc gia hình thành từ di dân.
Vấn đề đạo đức được đặt ra khi người ta phải giải quyết hoàn cảnh của con trẻ di dân nhập lậu. Ðấy là khi ta nghe nói đến loại “trẻ em không người dắt” (Un-accompanied children, hay UAC), những đứa trẻ bơ vơ vào Mỹ mà không có gia đình hay người lớn đi cùng. Chuyện ấy đã có từ mấy chục năm trước nhưng cách giải quyết thời ấy di hại cho thời nay.
Ðầu tiên là một án lệ năm 1997 xuất phát từ vụ án và số phận của một bé gái người Salvador vào năm 1985, với mục tiêu là “không nên bắt giữ” và “không được cưỡng bách trả về nguyên quán” và với hậu quả là “nhà chức trách phải sớm thả các em nhỏ” và “tìm nơi sinh sống ít ràng buộc nhất cho các em.” Nước Mỹ tử tế không chơi trò bắt trẻ đồng xanh.
Từ số phận của bé gái Jenny Lisette Flores, nguyên tắc có tình của luật lệ thời ấy còn được cả hai đảng trong Quốc Hội nới lỏng vào năm 2002 và Tổng Thống Geroge W. Bush ký thành luật vào 2008. Khi ấy, hiện tượng UAC trẻ em không người dắt chưa thành trào lưu.
Nhưng nước Mỹ tử tế cũng phải có luật lệ đàng hoàng.
Từ thời các Tổng Thống Bill Clinton rồi Bush, việc kiểm soát biên giới để ngăn di dân nhập lậu được tiến hành qua biện pháp tăng cường số lượng cảnh sát biên phòng và thời lượng đi tuần tra. Mục tiêu là giới hạn số nhập lậu đã lên tới mười mấy triệu. Nhưng hậu quả là làm các gia đình muốn nhập lậu phải nhờ... chuyên viên. Ðó là các tổ chức dẫn người vượt biên, tất nhiên là có liên hệ tới mạng lưới buôn lậu ma túy của Mễ.
Hậu quả kinh tế của “thị trường vượt biên” là giá biểu đã tăng. Tiền thuê một người dẫn từ 700 đô la vào năm 1993 đã lên tới bảy ngàn rưởi. Và còn tăng theo sự gian nan vì chế độ kiểm soát tại Mỹ và biện pháp trục xuất dân lậu mà Chính Quyền Obama đã tiến hành.
Dù cột báo có hạn chữ, ta vẫn nên nhớ lại từng việc trước khi khủng hoảng bùng nổ: 1) chính sách tử tế với trẻ không người dắt, 2) chính sách nghiêm ngặt với dân nhập lậu, và 3) giá biểu thị trường. Bây giờ, ta châm thêm yếu tố chính trị vào một năm tranh cử, là lời đồn đại về chế độ ân xá dân nhập lậu trong một kế hoạch cải tổ toàn diện. Lời đồn thổi không cơ sở vẫn tác động vào cách tính toán của “chuẩn di dân,” những người muốn vào Mỹ, theo sự chỉ dạy rạch ròi của mạng lưới dẫn người.
Này nhé, mất hơn bảy ngàn để lẩn vào Mỹ thì vẫn có thể bị trục xuất. Nếu mất cùng số tiền đó cho con trẻ thì có khi lại thoát nhờ chế độ ân xá và thành đầu mối đoàn tụ gia đình sau này. Vì thế, từ hiện tượng “trẻ em không người dắt” mới nảy sinh phong trào “trẻ em có người dẫn.”
Nước Mỹ không bắt trẻ đồng xanh, nhưng bọn tà ma vẫn có thể dẫn trẻ đầu xanh thả vào đất Mỹ.
Liều thuốc có tình với trẻ thơ và có lý với kẻ nhập lậu đã đổ bệnh: trẻ nhập lậu trở thành món hàng đắt khách cho bọn buôn người và làm lãnh đạo Mỹ bị nhức đầu! Họ đổ lỗi cho nhau mà quên rằng đã phóng tay làm luật từ thời trước để gây ra khủng hoảng thời nay.
Làm sao bây giờ? Nhìn từ bên ngoài thì người viết đề nghị một giải pháp rất Mỹ.
Ðổ lỗi cho xứ khác!
Vì các nước Trung Mỹ bị loạn, rồi vì chế độ kiểm soát di dân rất lỏng lẻo của Mễ, nên dân Trung Mỹ đã quá quan xứ Mễ để thảy con vào cho nước Mỹ phải nuôi! Muốn giải quyết thì Hoa Kỳ phải cải tổ chế độ di trú từ gốc, là giúp các nước láng giềng Trung Mỹ phát triển kinh tế, ổn định an ninh và giải trừ các tổ chức buôn lậu ma túy đang biến thành buôn người.
Và biết đâu chừng, các tổ chức cổ võ việc phá thai hay ngừa đẻ bên đảng Dân Chủ sẽ bắt được job mới, ở bên kia biên giới! Khuyên phụ nữ Trung Mỹ bớt đẻ cùng là một cách giảm áp suất tại biên giới, chứ bộ.
Chuyện chỉ xảy ra tại nước Mỹ
Nói về cách cư xử có lý có tình với trẻ em thì tại một trường tiểu học ở tiểu bang Arizonia, một cậu bé lên năm ở lớp mẫu giáo vừa bị trường kết tội là “có hành vi tình dục bất chính.” Cậu bé phải ký giấy nhận tội “sexual misconduct” vì đã tụt quần ra ở giữa sân chơi. Chẳng biết tại sao đứa trẻ lại làm màn thoát y như vậy, nhưng bà mẹ là Erica Martinez thì yêu cầu nhà trường xóa chuyện đó trong hồ sơ lý lịch vì “cháu nó quá nhỏ, làm sao đã biết chuyện phải quấy.”
Nếu được Luật Sư Bill Clinton làm cố vấn, gia đình có thể kiện lại nhà trường về định nghĩa của “hành vi tình dục!” Người làm chứng có thể là nàng Monica...
Nguyễn-Xuân Nghĩa
No comments:
Post a Comment