(GDVN) - Ngủ gật, đọc báo, chơi trò chơi trên điện thoại di động… khi họp tuy không phải là phổ biến nhưng cũng không còn là hành động cá biệt.
Tờ Infonet ngày 12/7/2014 có bài của tác giả Nguyễn Cường: “Đại biểu HĐND TP.HCM vừa chơi game vừa giơ tay biểu quyết!”. Quả thực nếu không phải là bài viết trên Infonet.vn - Báo điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông thì nhiều người sẽ không tin rằng đó là sự thật.
Một số nước, người ta gọi những người được bầu vào thượng viện là thượng nghị sĩ, còn trúng cử vào hạ viện là hạ nghị sĩ, các hạ nghị sĩ được dân bầu trực tiếp nên người ta cũng thường gọi họ là dân biểu. Để đỡ tốn thời gian bạn đọc, trong bài viết này xin phép không dùng cụm từ “đại biểu HĐND thành phố” mà thay bằng “dân biểu”.
Những ai cho rằng dân biểu ở thành phố đông dân và thuộc hàng năng động nhất đất nước như TP. HCM hẳn phải là những con người vừa có tâm, vừa có tầm chắc sẽ lắc đầu ngao ngán khi nhìn những ảnh chụp trong bài báo của Infonet.
Chiều ngày 10/7 tại kỳ họp thứ 14, HĐND khóa VIII TP.HCM một vị đại biểu vẫn vô tư ngồi chơi game đánh bài trên điện thoại cảm ứng, một tay giơ biểu quyết. (Ảnh: Infonet) |
Trong nghệ thuật múa rối, con rối khi bị giật dây thì cử động còn vị dân biểu nọ khi bị giật mình thì giơ tay (biểu quyết), chung quy cũng chẳng khác con rối là mấy.
Tại sao vị dân biểu nọ không cần quan tâm đến nghị quyết mà HĐND thành phố thông qua, cứ giơ tay biểu quyết bừa trong khi mắt vẫn dán vào trò chơi điện tử? Có nhiều cách suy đoán, thứ nhất: ông ta cho rằng nghị quyết không có gì quan trọng, tất cả đã có Thành ủy lo lắng quán xuyến rồi, nghị quyết của HĐND có thông qua cũng chỉ là hình thức. Thứ hai: do quá bận “công tác chuyên môn”, ít có thời gian thư giãn nên cuộc họp HĐND là dịp hiếm có để tranh thủ “giải lao”, tranh thủ tạo cảm giác sảng khoái. Thứ ba, thể hiện thái độ phản đối nội dung nghị quyết bằng cách không thèm để ý?...
Báo chí đã tốn nhiều giấy mực về loại “công chức cắp ô”, đến giờ phát hiện thêm loại “dân biểu cắp Iphone”, cộng với loại “quan chức cắp phong bì” thế là xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 21 hình thành nên ba loại người, tạo thế chân vạc nâng đỡ thượng tầng kiến trúc. Bộ ba loại người này liên kết với nhau sẽ là một khối vững mạnh, khó mà lay chuyển bởi nó bao gồm cả lập pháp, hành pháp và tư pháp, người dân lao động liệu có thể trông chờ vào đó mà hưởng phúc?
Những người như vị dân biểu nọ không còn là con sâu làm rầu “nồi canh nghị trường” mà đã trưởng thành thêm một bậc, biến thành “con nhộng” rồi. Biết đâu gặp ngày đẹp trời cái con “nhộng biểu” ấy lại chẳng biến thành bướm, lúc đó thì thiên hạ tha hồ mà chiêm ngưỡng, tán dương, thậm chí có khi còn phải cúi đầu kính cẩn…
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố sau khi biết chuyện phát biểu: “Tôi hoan nghênh báo chí đã phản ánh việc này. Đó là một thực tế và cũng là một nội dung HĐND cần chấn chỉnh trong hoạt động của mình”.
Người viết cứ phân vân, không biết vị dân biểu nọ có phải là cán bộ lãnh đạo một đơn vị nào đó thuộc TP. HCM không, có phải là đảng viên không? Nếu phải thì ông Lê Thanh Hải - Bí thư Thành ủy và bà Nguyễn Thị Quyết Tâm định “chấn chỉnh” kiểu gì?
Báo điện tử Tiền phong ngày 29/6/2014 dẫn lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Họp cứ vuốt ve nhau, nguy hiểm lắm”. Qua ngôn từ mà bà Chủ tịch HĐND TP. HCM đã sử dụng, không khó để dự đoán rồi thì cũng chỉ “vuốt ve nhau” mà thôi.
Người dân luôn đặt niềm tin vào những đại diện mà mình lựa chọn từ HĐND địa phương đến Quốc hội. Nghị quyết của HĐND đưa ra có thể ví như luật trong phạm vi địa phương mà chính quyền phải thực hiện, cũng giống như luật mà Quốc hội ban hành Chính phủ phải thực hiện.
Dành tới 40 phút trong kỳ họp để chơi điện tử, vừa chơi vừa giơ tay biểu quyết, hành động phản cảm của vị dân biểu nọ không thể là của một con người được đào tạo cẩn thận, nói cách khác đó không thể là hành động của người có học. Theo truyền thống, những cán bộ cỡ trung cấp trở lên đều được học tập và có bằng lý luận chính trị, không hiểu vị dân biểu này có thuộc diện đó hay không, nếu phải thì cái bằng “lý luận chính trị” của ông ta có giá trị gì không?
Vấn đề là tại sao cái người không được “đào tạo cẩn thận” ấy lại trở thành đại biểu HĐND TP. HCM? Bằng cách nào, nhờ đâu mà ông ta đắc cử?
Biết chắc chắn có phóng viên quay phim, chụp hình trong hội trường nhưng vẫn mặc kệ, vẫn chơi trò chơi, vậy nếu ở những nơi kín đáo không có camera giám sát vị dân biểu nọ sẽ còn “chơi” những cái gì nữa? Trở thành dân biểu nhưng rõ ràng ông ta chưa được “huấn luyện” về những hành vi cư xử chốn nghị trường, hành động của ông ta không chỉ đánh cắp niềm tin cử tri gửi gắm mà cũng phần nào cho thấy chất lượng của cuộc họp HĐND thành phố.
Có ý kiến thanh minh rằng, dự thảo đã được UBND chuyển cho đại biểu trước nửa tháng, các đại biểu đã thảo luận ở tổ, đưa ra hội trường thông qua chỉ là thủ tục! Quả thật đó chính là cái “thủ tục” đã làm tốn bao tiền thuế của dân. Nếu thảo luận đã nhất trí, chỉ cần ký tên vào biên bản rồi công bố số người đồng ý, số người phản đối, hà cớ gì còn phải giơ tay biểu quyết lần nữa, còn phải tiêu tốn thời gian và tiền bạc của dân?
Có một suy nghĩ không chính xác là công tác cán bộ chỉ bó hẹp trong phạm vi công chức, viên chức nhà nước, đại biểu Quốc hội và HĐND là do dân bầu, không thuộc phạm vi công tác cán bộ. Thực chất các đại biểu mà Mặt trận Tổ quốc các cấp hiệp thương giới thiệu trong các cuộc bầu cử cũng đều được “chọn lọc” cẩn thận. Điều này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức, tư cách nhân sự trong bộ máy công quyền.
Ngủ gật, đọc báo, chơi trò chơi trên điện thoại di động… khi họp tuy không phải là phổ biến nhưng cũng không còn là hành động cá biệt. Ở một số nước, dân biểu tranh luận đến mức đánh nhau vỡ đầu, chảy máu trong phòng họp, hành động đó mặc dù là thiếu văn hóa song ở chiều ngược lại nó cho thấy nghị trường không phải là nơi ngủ gật, không phải là nơi giải trí.
Nếu còn “vuốt ve nhau” thì những phiên họp của tất cả các tổ chức, không riêng HĐND sẽ còn những hình ảnh phản cảm được trưng bày. Đó chính là sự xuống cấp văn hóa ngay ở chính các tổ chức và những con người được xem là có học.
Chẳng lẽ TP. HCM với dân số gần 8 triệu người lại không tìm được người có tài và có đức thay thế vị dân biểu nọ? Hay vì đại biểu HĐND cũng có quyền “bất khả xâm phạm” như đại biểu Quốc hội nên còn phải chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên?
No comments:
Post a Comment