Thursday, July 17, 2014

Bé 8 tháng tuổi chết sau bữa ăn tại nơi giữ trẻ tự phát



Thứ Năm, ngày 17/07/2014 20:00 PM (GMT+7)
Vụ việc xảy ra tại hộ ông Nguyễn Văn Đức, là một điểm giữ trẻ tự phát. Việc giữ trẻ do bà Nguyễn Thị Thanh Dung, con ông Đức, trực tiếp đảm nhận.
Vào lúc 14 giờ ngày 16/7, bà Dung đút cháo xay cho bé Kim Hoàng Phát - con của ông Kim Hường và bà Nguyễn Thị Thu Thảo (tạm trú tại tổ 20 khu phố 4, cùng P.An Phú Đông, TPHCM) gửi bà Dung nuôi giữ.
Khi đang ăn, bé Phát đột nhiên khóc, có biểu hiện khó thở (theo gia đình, trước đó vài ngày bé đã bị bệnh viêm phế quản), bà Dung đã cùng gia đình nhanh chóng đưa bé đi trạm y tế sơ cứu. Sau đó, chuyển qua Bệnh viện Q.Gò Vấp, nhưng bé đã tử vong vào lúc 16 giờ 30 phút cùng ngày.
Theo công an P.An Phú Đông, bé Phát tử vong là do bệnh lý. Vụ việc được gia đình hai bên tự thỏa thuận không có khiếu nại gì.
Bà Dung cho biết chỉ giữ khoảng 5 bé là cháu bà con trong nhà. Trước kia, phường có xuống kiểm tra vận động đề nghị gia đình không được giữ trẻ dù là con cháu trong gia đình, bà đã tạm nghỉ một thời gian. Nhưng thời gian gần đây, bà tiếp tục nhận giữ trẻ lại với lý do con của mấy người cháu còn nhỏ không gửi ở trường được nên nhờ bà giữ dùm. Mỗi tháng vợ chồng ông Hường gửi cho bà Dung 500 - 600 nghìn đồng.
Bé 8 tháng tuổi chết sau bữa ăn tại nơi giữ trẻ tự phát - 1
Mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận từ 30 đến 40 trường hợp trẻ bị sặc dị vật vào đường thở. Có trường hợp biến chứng nặng như viêm phổi thậm chí tử vong (ảnh minh họa). Ảnh: Đ.Anh
Tuy nhiên, theo ban giám đốc Bệnh viện Q.Gò Vấp, bé Phát đã chết trước nhập viện và khẳng định nguyên nhân tử vong không do bệnh lý. Khi tiến hành hồi sức đặt nội khí quản, bác sĩ đã phát hiện thức ăn trong đường hô hấp của bé. Các bác sĩ nghĩ nhiều đến nguyên nhân gây tử vong là do sặc thức ăn. Để xác định chính xác nguyên nhân, phải tiến hành thủ tục pháp y. Tuy nhiên, gia đình đã không yêu cầu mổ pháp y và Công an Q.12 đã xác nhận cho gia đình mang xác cháu bé về mai táng.
Công an không báo cáo ủy ban
Khi tiếp xúc với báo chí, ông Mã Huy Tân - Phó Chủ tịch UBND P.An Phú Đông, Q.12 - tỏ ra hết sức ngạc nhiên vì không nhận được bất cứ báo cáo gì liên quan đến vụ việc từ phía công an.
Đến trưa 17/7, ông Tân mới cho chúng tôi biết, cảnh sát khu vực đã báo cho Công an Q.12 khi sự việc xảy. Theo đó, khi làm việc với cơ quan công an, cha mẹ bé Phát đã thỏa thuận không thưa kiện và bà Dung cũng đã hỗ trợ chăm lo ma chay cho bé. UBND phường sẽ tiếp tục làm rõ vụ việc. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra các nhóm trẻ gia đình, các điểm giữ trẻ tự phát để chấn chỉnh.
Trước đó, theo cơ sở mai táng chùa Như Lai (Q.Gò Vấp), việc mai táng bé Phát được gia đình thúc giục tiến hành rất chóng vánh. Sau khi mang xác bé từ bệnh viện về quàn tại chùa, gia đình đã yêu cầu nhà chùa tẩm liệm ngay trong đêm, tức khoảng 0h ngày 17/7. Nhà chùa không đồng ý mà khâm liệm vào lúc 7h sáng, sớm hơn giờ dự kiến 2 tiếng. Và thi thể bé Phát đã được đưa đi hỏa táng ngay sau đó.
Vụ việc đau lòng này lại thêm một lần nữa cảnh tỉnh các bậc phụ huynh trong việc chăm sóc con cái. Do công ăn việc làm, điều kiện khó khăn tại các thành phố lớn, cha mẹ bé Phát cũng như nhiều gia đình khác, vẫn phải chấp nhận gửi con nhỏ dưới 3 tuổi tại các nhóm trẻ gia đình, tự phát, bất chấp các vụ việc đáng tiếc đã liên tiếp xảy ra trong những năm gần đây.
Trả lời trong phiên thảo luận tại kỳ họp lần thứ 14 HĐND TP.HCM khóa VIII, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, ngoài 118 công trình trường mầm non đã được phê duyệt, chính quyền thành phố đã phê duyệt thêm 24 công trình mầm non cấp bách dành để đáp ứng nhu cầu của người dân có con em từ 6 - 18 tháng tuổi tại các quận huyện. Tuy nhiên, theo lời khuyên của ông Sơn, nếu có điều kiện, người dân nên tự giữ trẻ trong độ tuổi này ở nhà là tốt nhất.
Đ.Anh (Khampha.vn)

No comments:

Post a Comment