Thursday, July 17, 2014

Kinh hãi chứng kiến giun lươn bò lúc nhúc dưới da nữ bệnh nhân 65 tuổi


(Xã hội) - Sau khi phát hiện những đường ngoằn ngoèo dưới da, nổi đỏ quanh ngón út tay phải, bà Phạm T. T., 65 tuổi (Trực Ninh, Nam Định) đã phải vào viện chẩn đoán, điều trị về căn bệnh “ lạ” của mình.


Ngày 15/7 vừa qua, Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng – Trung Ương (Từ Liêm, Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhân nghi bị mắc bệnh “giun lươn” với những biểu hiện như nổi đỏ, có ký sinh trùng bò lổm ngổm dưới lớp da bàn tay phải.
Trao đổi với báo chí, Thạc sĩ – Bác sĩ Trần Huy Thọ (Trưởng khoa khám bệnh chuyên ngành – Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng – Trung Ương ) cho biết: “Bệnh nhân này nhập viện lúc 15h40 phút (15/7) trong tình trạng xuất hiện những đường ngoằn nghoèo dưới mu bàn tay phải, xung quanh ngón tay út bị nổi mần đỏ. Với những biểu hiện này, chúng tôi tiến hành xét nghiệm huyết thanh ELISA, dịch phân của bệnh nhân để có phác đồ điều trị phù hợp”.
Bà T. cho biết: "Cách đó khoảng 4 – 5 ngày, tôi có ra đồng nhổ mấy khóm lạc ở ruộng nhưng do chủ quan không đeo gang tay". Ban đầu, thấy bàn tay mình có những biểu hiện lạ như thế, bà T. cũng chỉ nghĩ là vết nổi mụn bình thường rồi sẽ tự lặn ít ngày nữa nên chỉ ngâm nước muối. Chỉ đến khi lên Hà Nội thăm con trai và cháu thì các con bà nhìn thấy bàn tay mẹ mình nổi lên những vết đỏ, dưới lớp da có những đường di chuyển lùng bùng, liền lên mạng tìm hiểu là bệnh gì. Đến khi các con nói bị mắc bệnh giun lươn thì bà mới giật mình “tá hỏa” về loại bệnh mình mắc phải. Ngay sau đó, mấy người con thúc giục bà vào viện để kiểm tra sức khỏe.
giun lươn

Những đường ngoằn ngoèo dưới mu bàn tay, có ấu trùng di chuyển trên bàn tay bà T.

Bác sĩ Thọ cho biết thêm, viện cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân nam khác cũng mắc phải bệnh này là anh V. Đ. D. ( Đồng Thịnh, Yên Lập,Phú Thọ ) nhập viện trong tình trạng đau âm ỉ vùng trung rốn, đi ngoài phân lỏng, rối loạn tiêu hóa kéo dài. Trước đó, anh D. đã đi khám ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung Ương thì được các bác sĩ ở đây chẩn đoán là bị nhiễm bệnh giun lươn nên tìm đến Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Công trùng – Trung Ương để điều trị.
Hiện tại, cả hai bệnh nhân trên đang được điều trị tích cực, sức khỏe có chuyển biến tốt nên sẽ được xuất viện trong những ngày sắp tới.
Trao đổi xung quanh bệnh khiến nhiều người kinh hãi này, bác sĩ Thọ cho hay: "Giun lươn là loại giun tròn nguy hiểm bậc nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa ở người, chúng có thể tự nhân lên trong cơ thể do quá trình tự nhiễm. Khi bệnh nhân mắc bệnh này gây ra nhiều biến chứng sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Biểu hiện loại bệnh này là xuất hiện ở da những đường ngoằn ngoèo, ấu trùng di chuyển liên tục, phía đường tiêu hóa thì biểu hiện là đau bụng quanh vùng rốn, tiêu chảy, sụt cân nhanh chóng do không hấp thụ, chuyển hóa được thức ăn".
giun lươn

Thạc sĩ - Bác sĩ Trần Huy Thọ (Trưởng khoa khám bệnh chuyên ngành – Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng – Trung Ương)

Việc chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm giun lươn cần phải được tiến hành xét nghiệm mẫu dịch phân, mức độ dị ứng trong da, nội soi tá tràng, nội soi phế quản… nhằm tìm ấu trùng giun lươn để có phương pháp điều trị phù hợp.
“Mọi người nên nấu chín thức ăn, uống nước sôi.  Nên nhớ, khi đi làm đồng chúng ta thường xuyên phải tiếp xúc với đất hoặc các nguồn nhiễm bệnh khác như động vật chết thì cần phải đeo gang tay bảo hộ, làm xong phải vệ sinh sạch sẽ.
Mức độ nguy hiểm của từng loại giun nói riêng và ký sinh trùng nói chung còn phụ thuộc vào nơi cư trú của chúng trong cơ thể hoặc các biến chứng cụ thể. Để bảo vệ sức khỏe của mình người dân cần tự nâng cao ý thức, thay đổi thói quen tập quán xấu trong sinh hoạt hàng ngày. Khi phát hiện trong người có những triệu chứng, biểu hiện lạ cần phải đi ngay đến  chuyên ngành để chẩn đoán, điều trị, tránh để bệnh tật lây lan khắp cơ thể sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Cần thường xuyên kiểm tra định kỳ theo tháng để phòng bệnh nhằm điều trị tận gốc, chữa trị càng sớm càng tốt", Bác sĩ Thọ khuyến cáo.


Hà Lam Anh

No comments:

Post a Comment