Khi ông Tập Cận Bình, vị hoàng đế mới của đất nước rộng lớn này, đọc một bài diễn văn ngắn gọn giới thiệu các thành viên của Thường Vụ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc thì người ta có thể thấy mọi chi tiết của buổi trình diễn này đều được chuẩn bị trước ngay cả đến cái cà-vạt mà mỗi người đeo. Vương Kỳ San người mới được bổ nhiệm phụ trách chiến dịch chống tham nhũng đeo một cái cà vạt mầu xanh trong khi cà vạt của sáu người còn lại đều có những mầu đỏ khác nhau.
Nhìn thấy dáng điệu cứng ngắc cử động hầu như máy móc của bảy người mà sẽ cai trị Trung Quốc trong vòng ít nhất là năm năm tới, người ta không thể nào không suy nghĩ đến những mạng lưới quyền lợi khổng lồ cạnh tranh nhau để bảo đảm cho người của mình ngoi lên được đến tột đỉnh của đảng chính trị lớn nhất thế giới này
Và đó chính là đề tài của cuốn sách “Những Hoàng Ðế Mới” (The New Emperors) của Kerry Brown, giáo sư trường Ðại Học Sidney, Úc và là một cộng tác viên của Chatham House, một cơ quan nghiên cứu nổi tiếng tại Luân Ðôn. Như ông Brown chỉ ra trong cuốn The New Emperors Trung Quốc được cai trị bởi một giai cấp thống trị mà càng ngày càng có tính thừa kế. Ngay cả những người có quan hệ tốt nhất bên trong đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng không có được một ý niệm rõ ràng và chính xác về tiến trình lựa chọn những nhà lãnh đạo cao nhất như thế nào.
Ít nhất bốn trong số bảy thành viên của Thường Vụ Bộ Chính Trị được coi như là thuộc “thành phần quý tộc” - con cháu hay bà con của các cựu lãnh tụ đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Dựa trên những cuốn sách trước mà trong đó ông đưa ra một hình ảnh con người hơn của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Brown trong cuốn sách này đã rút tỉa được từ rất nhiều nguồn khác nhau để cho ta đến mức tối đa con người thực đằng sau những bộ đồ đậm mầu đó. Ðối với những ai chưa từng làm việc tách rời cái mặt nạ được vẽ ra một cách cẩn thận bởi guồng máy tuyên truyền của Trung Quốc về các lãnh tụ của họ thì không thể nào biết được việc này khó khăn đến thế nào. Không phải người ta chỉ giữ bí mật những công thức hoạt động bên trong đảng mà là cả một hệ thống hết giai tằng này đến giai tầng khác được giữ bí mật.
Ngay cả việc lãnh tụ có gia đình hay không và con cái như thế nào cũng được coi như là “bí mật quốc gia” và việc xuất hiện trước quần chúng của các bà vợ ông Tập Cận Bình và bà vợ Thủ Tướng Lý Khắc Cường cũng được làm ồn lên như là một hành động cởi mở của guồng máy tuyên truyền nhà nước Trung Quốc.
Ông Brown không cho chúng ta một tiết lộ nào mới nẩy lửa, nhưng ông cho chúng ta những tổng kết ngắn gọn và rất có ích về cuộc đời và cá tính của những nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay. Ngoài ra còn có những giải thích hữu dụng cũng như là bối cảnh đằng sau một số sự kiện vốn đã tạo ra nước Trung Quốc hiện đại và những người hiện đang cai trị nó.
Ông đã nhận định chính xác ảnh hưởng tai hại của cuộc Cách Mạng Văn Hóa 1966-76 như là một trong những yếu tố mạnh nhất đối với ông Tập và những người đồng niên với ông. Rất nhiều trong bọn họ bị đầy đọa, cuộc đời họ và gia đình họ bị ly tán.
Như ông Brown chỉ ra Trung Quốc là một quốc gia có một dân số lên đến 1.36 tỷ nhưng lại được cai trị bởi chỉ có 2,500 người một con số ít hơn là số dân trong một làng nhỏ tại Châu Âu. Không phải tất cả những cán bộ cao cấp đều thuộc “hoàng tộc,” dòng con lãnh tụ - và cuốn sách của ông Brown đã thành công trong việc giải thích một số những yếu tố khác giúp một người có thể lên đến tột đỉnh. Có lẽ yếu tố quan trọng nhất là sự bảo trợ của một lãnh tụ mà mình không có bà con gì cả.
Ông Brown rọi sáng một số chi tiết về con số năm thành viên còn lại mà cùng với các ông Tập và Lý làm thành Ban Thường Vụ. Những người này bao gồm cả ông Du Chính Thanh mà có vẻ được đưa lên nhờ các quan hệ của ông với gia đình cựu lãnh tụ tối cao Ðặng Tiểu Bình. Theo ông Brown thì “Ðảng Cộng Sản Trung Quốc được điều hành như một xí nghiệp gia đình” và ông Du đại diện cho quyền lợi của gia đình ông Ðặng “giống như một hội viên hội đồng quản trị đại diện cho cổ đông then chốt trong một xí nghiệp gia đình nhưng nay mở ra cho bên ngoài tham dự.”
Ðiều đó cộng với sự ủng hộ của cựu lãnh tụ Giang Trạch Dân là đủ để xóa bỏ vết nhơ trong cuộc đời sự nghiệp ông Du tạo ra bởi việc người anh ông đào thoát sang Hoa Kỳ năm 1985. Viên cựu quan chức tình báo cao cấp này đã tạo ra những thiệt hại khổng lồ cho hệ thống gián điệp của Trung Quốc tại Mỹ trước khi bị ám sát chết vào năm 1990.
Cuốn sách cũng cho chúng ta một cái nhìn ngắn vào cuộc sống như thế nào của một lãnh tụ Trung Quốc sau khi đạt đến tột đỉnh. Ðây là điều khó xác định nhất khi nói đến hệ thống Trung Quốc, nhưng nó lại là điều hấp dẫn nhất và cuốn sách sẽ hấp dẫn hơn nữa nếu nó cho được thêm những tài liệu về chuyện này.
Nói chung đối với những ai đã cố gắng theo dõi tình hình Trung Quốc thì cuốn sách này không cho chúng ta biết bao nhiêu những gì mới trong khi có những lúc tác giả chỉ nói phớt qua những sự kiện và bối cảnh mà những độc giả bình thường không biết. Tuy nhiên đây là một cuốn sách cực kỳ hữu dụng cho những ai muốn biết về thế giới của những hoàng đế mới mà những quyết định có thể có ảnh hưởng nếu không nói là đến toàn thế giới thì cũng với một vùng rộng lớn của Châu Á.
07-16-2014 4:32:19 PM
Lê Mạnh Hùng
Tác phẩm: “The New Emperors: Power and the Princelings in China” Kerry Brown .I.B Tauris publisher June 2014.
No comments:
Post a Comment