“Phải chế định vốn nhà nước là vốn động chứ không tĩnh. Tôi làm cái này nhưng khi thị trường làm được, tôi lấy tiền làm chuyện khác để kinh tế phát triển chứ không phải ném vào đâu thì chết đó”, đại biểu Lịch nhấn mạnh việc sử dụng linh hoạt vốn nhà nước.
Chiều 5/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Đây là một luật mới nằm trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIII và được trình ra Quốc hội xin ý kiến lần đầu tại kỳ họp này.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nam, dự án luật nên có một mục chế định riêng về mô hình tổ chức doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn như một kế thừa sự nghiệp của Luật doanh nghiệp năm 1995, đặc biệt với lĩnh vực nhà nước độc quyền kinh doanh cung ứng hàng hóa, dịch vụ công cộng, doanh nghiệp quốc phòng an ninh. Đối với lĩnh vực khác nhà nước tham gia vốn đầu tư trên góc độ là cổ đông không phải là nhà nước, nhằm để bình đẳng và sự cạnh tranh.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) lại đề nghị cần nêu quan điểm rõ, nhà nước kinh doanh cái gì mà thị trường không làm, nhà nước bỏ khuyết thị trường, không cạnh tranh, không làm thay thị trường. Ví dụ như, “nhà nước đầu tư mở đường nhưng khi thị trường làm được thì nhà nước rút vốn làm cái khác. Tôi muốn nói đây phải chế định một vấn đề là vốn nhà nước là vốn động chứ không tĩnh, nay tôi làm cái này nhưng khi thị trường làm được, tôi lấy tiền tôi làm chuyện khác để kinh tế phát triển chứ không phải ném vào đâu thì chết đó. Cái này là chỗ phải chế định, tôi cho rằng thiếu trong dự án luật”, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Để vốn Nhà nước “rót” vào đúng chỗ, đại biểu Lịch yêu cầu làm rõ khái niệm “doanh nghiệp nhà nước”. Theo cắt nghĩa của ông Lịch, doanh nghiệp sở hữu nhà nước tiếng Anh gọi là SOI, hay doanh nghiệp mang tính chất nhà nước.
“Nếu doanh nghiệp là sở hữu nhà nước thì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sở hữu là đúng, nhưng nếu nhà nước sở hữu 51%, còn 49% là cổ đông khác, sở hữu hỗn hợp thì sao gọi là nhà nước. Còn nếu doanh nghiệp mang tính nhà nước, nhà nước là tính từ thì một doanh nghiệp có nhà nước tham gia chuyển hóa từ tính chất doanh nghiệp sang tính chất nhà nước cũng không ổn. Đây là vấn đề cần làm rõ, nếu không định danh đúng thì không thể xử lý được bài toán hiện nay đang tồn tại”, đại biểu Lịch nhận xét.
Liên quan đến mô hình doanh nghiệp 100% vốn điều lệ nhà nước tổ chức, đại biểu Trần Du Lịch hình dung: “Thông lệ thế giới khi tổ chức một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, họ xem nó như một công ty cổ phần có một cổ đông là nhà nước. Do đó, cái gì mà thẩm quyền của hội đồng cổ đông là của Chính phủ, của nhà nước chứ không phải của ông quản trị và đặt ban kiểm soát cho nhà nước bổ nhiệm để kiểm soát hội đồng quản trị đó. Chương IV Luật doanh nghiệp chế định theo hướng đó rất tốt mà phần này chưa đưa vào. Tôi đề nghị làm rõ vấn đề này và hướng tới giống như một số nước, một số tập đoàn lớn trong tương lai điều lệ của nó là những đạo luật và hàng năm báo cáo trước Quốc hội”.
Lấy ví dụ về các tập đoàn như: PetroVietnam, Than - khoáng sản, Điện lực, đại biểu Lịch nói: “Trong tương lai dài phải xem xét và điều lệ như một đạo luật. Phải mở ra, trong tương lai chúng ta sẽ có nhiều tập đoàn điều lệ là đạo luật và trình Quốc hội để Quốc hội quyết định lấy cổ tức đầu tư cho nó thế nào”.
Đồng tình với đại biểu Lịch về việc đưa vốn nhà nước vào đúng ngành nghề, lĩnh vực, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), dự án luật cần giới hạn việc thành lập doanh nghiệp nhà nước đối với những loại hình mà các thành phần kinh tế khác không làm hoặc ít làm, hoặc ở các khu vực địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn mà chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới đảm nhiệm được.
“Đối với quy định doanh nghiệp thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước, tôi đề nghị cũng quy định luôn danh mục cụ thể. Vì đây là những lĩnh vực đã được xác định tương đối rõ ràng theo các chủ trương hiện nay để tránh tình trạng độc quyền tràn lan và hạn chế đến mức tối đa những lĩnh vực độc quyền của nhà nước”, đại biểu Thành lưu ý.
Còn đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) bổ sung nguyên tắc tôn trọng quy luật thị trường và các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp. “Nguyên tắc này để bảo đảm việc đầu tư vốn của nhà nước vào doanh nghiệp vẫn tôn trọng quy luật thị trường, tránh hiện tượng nhà nước can thiệp một cách cứng nhắc vào hoạt động của doanh nghiệp”, đại biểu Đồng cho hay.
Thứ Sáu, ngày 6/6/2014 - 10:52
Theo Nguyễn Hiền (Dân Trí)
No comments:
Post a Comment