Trần Vinh Dự
VOA-05.06.2014
Những ngày gần đây, câu chuyện Luật Biểu tình lại trở lại trang nhất của báo chí trong nước. Lý do là hồi cuối tháng 5 vừa rồi, Quốc hội Việt Nam đã thông qua một nghị quyết về chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2015. Theo đó, dự thảo Luật Biểu tình (do Bộ Công an chủ trì xây dựng) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9 và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 10 (cuối năm 2015).
Còn nhớ hồi 3 năm trước (năm 2011), việc soạn thảo và thông qua Luật Biểu tình từng được nêu ra tại Quốc hội. Chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày đó đã lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ việc soạn thảo dự luật này.
Thế nhưng sau 3 năm, hầu như không có ai nói đến chuyện này nữa. Đề xuất của chính phủ hồi năm 2011 bị lãng quên. Chỉ còn lại câu nói bất hủ của một đại biểu Quốc hội tên là Hoàng Hữu Phước (đại biểu của Sài Gòn) hồi đó rằng “cần phải loại bỏ Luật Lập hội và Luật Biểu tình khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, vì đa số công dân sẽ không ủng hộ dự luật này”.
Vnexpress trích lời ông Phước hồi năm 2011 cho rằng “cuộc biểu tình tháng 8 vừa qua tại London lan ra nhiều thành phố khác đã biến thành bạo loạn, cướp bóc, đốt nhà, làm ô danh đất nước. Rồi cuộc biểu tình chiếm phố Wall tại New York và nhiều thành phố lớn của Mỹ cũng gây ra tình trạng bẩn thỉu, ẩu đả, trộm cắp, và hiếp dâm”.
Không biết quan điểm của ông Phước có phải là quan điểm chính thống hay không, nhưng rõ ràng ý kiến về việc phải có Luật Biểu tình, trong đó có cả ý kiến của Thủ tướng Dũng, bị rơi vào quên lãng.
Vậy tại sao đến giờ ý kiến này lại xuất hiện, và lần này Quốc hội có vẻ quyết tâm hơn? Ít ra cũng không có những ý kiến như của Nghị Phước hồi năm 2011?
Cho tới nay, quyền được biểu tình của người Việt chỉ được quy định một cách mù mờ trong Hiến pháp. Điều 69 của Hiến pháp chỉ quy định công dân có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Hiện nay vẫn chưa có luật quy định thế nào là “theo quy định của pháp luật” mà chỉ có Nghị định 38 của Chính phủ (ban hành từ năm 2005) về các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng (không nói cụ thể về biểu tình).
Điều 3 của Nghị định này nói về các hành vi bị nghiêm cấm. Trong các hành vi bị nghiêm cấm này có việc tụ tập đông người nơi công cộng không xin phép và được chấp thuận của Uỷ ban Nhân dân cấp có thẩm quyền. Nghị định này chỉ nói là người hoặc tổ chức đứng ra tổ chức biểu tình phải nộp đơn xin phép đến UBND cấp có thẩm quyền, nhưng không nói rõ là cấp nào (phường/xã, hay quận/huyện, hay tỉnh/thành phố). Nghị định cũng chỉ nói UBND cấp có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét trong vòng 7 ngày từ ngày nhận đơn, nhưng không nói UBND cấp có thẩm quyền này bắt buộc phải đồng ý cho phép tổ chức biểu tình nếu đơn xin phép là hợp pháp hay không.
Vì sự mù mờ này, không có ai đi xin biểu tình ở Việt Nam theo Nghị định 38. Các tổ chức của nhà nước và hệ thống chính trị của Việt Nam thì nghiễm nhiên không chịu quy định bởi Nghị định này, vì thế dù họ có đứng ra tổ chức các cuộc biểu tình thì cũng không tính. Do đó, nói một cách sòng phẳng, Nghị định 38 không giúp gì cho người dân thực hiện quyền biểu tình, trái lại nó còn tạo ra một con ngáo ộp khiến họ khiếp sợ, vì từ khi có nghị định này, tất cả các hành vi tụ tập đông người nơi công cộng không xin phép đều bị nghiêm cấm.
Nhưng tại sao mùa hè năm 2011, và giờ là mùa hè năm 2014, câu chuyện phải có Luật Biểu tình lại liên tục được đưa ra? Có vẻ như những nhà làm luật của Việt Nam (không phải tất cả) đang dần dần nhìn thấy một số lợi ích nhất định của biểu tình (có kiểm soát). Ít nhất, có Luật Biểu tình, và sau đó, thi thoảng cho phép một số cuộc biểu tình nhỏ, sẽ góp phần tạo cảm giác Việt Nam là một đất nước văn minh hơn, và dân chủ hơn. Điều này tốt về mặt PR ra thế giới.
Nhưng quan trọng hơn, mùa hè năm 2011 là thời điểm Trung Quốc lấn tới với việc chủ động quấy phá và cắt cáp tầu thăm dò dầu khí Bình Minh của Việt Nam. Sự kiện này đã tạo ra bất bình trong dư luận và nhiều người muốn đi biểu tình phản đối Trung Quốc. Năm 2014 này lại xảy ra sự kiện Trung Quốc lấn tới thêm một bước dài nữa thông qua việc kéo giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để khoan thăm dò dầu khí. Sự kiện này một lần nữa lại tạo ra bất bình trong dư luận và nhiều người lại muốn đi biểu tình.
Trong những thời điểm như vậy, ngăn cản công chúng Việt Nam đi biểu tình là một việc làm không hay ho gì. Nó dễ dẫn tới chuyện người dân thay vì oán hận ngoại bang xâm lược thì lại quay sang oán hận chính quyền trong nước. Vì thế, cho họ biểu tình một cách có kiểm soát thì lại được tiếng là đứng về phía nhân dân. Quan trọng hơn, các cuộc biểu tình như vậy có sức hấp dẫn với truyền thông thế giới, và vì thế góp phần quan trọng vào việc đưa tin về sự phản kháng của người Việt đối với chính sách bành trướng của nước láng giềng.
Thế nhưng nếu một luật như Luật Biểu tình được viết ra chỉ để nhằm tạo điều kiện quản lý một số cuộc biểu tình như các cuộc biểu tình chống Trung Quốc thì có vẻ như nó không xứng đáng lắm với tư cách là một luật được kỳ vọng mang lại thêm chút quyền tự do cho người dân Việt Nam.
Để xứng đáng, nó phải vượt xa Nghị định 38 về mọi mặt. Nó phải thực sự trao quyền vào tay người dân, mặc dù việc trao quyền này chắc chắn có giới hạn, thí dụ việc biểu tình ủng hộ đa đảng chắc chắn luôn bị cấm. Việc trao quyền này phải dưới hình thức liệt kê rõ những cuộc biểu tình hướng vào mục tiêu gì, tại những thời điểm nào, thì chắc chắn phải được chấp thuận và cơ quan quản lý không có quyền từ chối. Trong những phạm vi cho phép này, việc của cơ quan quản lý là bảo đảm an ninh cho những người biểu tình và những người dân khác, chứ không phải xuất hiện với tư cách là lực lượng trấn áp, đe doạ, hay phục vụ công tác điều tra, lập hồ sơ những người tham gia.
Những chuyện này có trở thành hiện thực hay không thì chỉ có những người rất lạc quan may ra mới dám hi vọng. Lộ trình mà Quốc hội đặt ra cho việc xem xét và thông qua luật này là cuối năm 2015, trùng khớp với thời điểm nước sôi lửa bỏng về chính trị ở Việt Nam khi việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng CSVN khoá tiếp theo đi đến hồi nước rút. Vì thế, khả năng một lần nữa nó lại bị chìm vào quên lãng giống như lần trước không phải là không có.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment