Friday, June 6, 2014

Cầu Vĩnh Tuy nứt đúng quy trình: Lỗi tại ông trời...?

BĐV - Kết luận cầu Vĩnh Tuy nứt vẫn an toàn, dư luận lo ngại kịch bản "nứt cho phép", "nứt nội bộ" sẽ lặp lại.
Nứt đúng quy trình

Thông tin về cây cầu Vĩnh Tuy tiêu tốn 3.600 tỷ đồng nhưng vừa đưa vào sử dụng đã xuất hiện hàng loạt vết nứt dọc kéo dài, có vết nứt còn trong tình trạng rò rỉ nước và thân trụ cũng xuất hiện nhiều vết nứt ngang làm nhiều chuyên gia bất an.
Đích thân ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết, qua kiểm tra trực quan cho thấy, vết nứt dọc trụ H22, độ rộng vết nứt 2,3-2,6mm, chiều dài vết nứt từ điểm tiếp giáp đất lên trên trụ khoảng 10m.
cầu vĩnh tuy
Các chuyên gia cho rằng không thể dùng phương pháp dán keo để khắc phục vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy - Ảnh: Lê Quân
Dù đánh giá vết nứt trụ cầu có thể do co ngót bê tông, tuy nhiên vị lãnh đạo sở vẫn nhắc nhở cần phải theo dõi, đủ thấy vết nứt này không hẳn đã hoàn toàn là bình thường.
Điều này được chứng minh qua sự sốt sắng từ phản ứng của Bộ Xây dựng. Đích thân Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế vết nứt tại cầu Vĩnh Tuy.
Qua thị sát, ngài Bộ trưởng đã tức tốc chỉ đạo: "Phải có đơn vị kiểm định độc lập" và “Phải kết luận được có đảm bảo an toàn hay không và phải kết luận được tuổi thọ của công trình”.
Dư luận càng được phen hoang mang, đến cả người lãnh đạo đứng đầu ngành xây dựng khi quan sát vết nứt còn thấy lo lắng, bất an là vậy, thử hỏi người dân không hoang mang sao được.
Lại nữa, chính ông, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam còn phải lo lắng thốt lên: "Nguy hiểm vì phát hiện quá muộn".
Ông cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy chắc chắn không phải do thiết kế mà khả năng do lỗi phát sinh trong quá trình thi công nhiều hơn.
Thế nhưng, có vẻ đó chỉ là những lo lắng thừa. Đây nhé, Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã có kết luận chính thức tìm ra nguyên nhân gây nứt trụ cầu Vĩnh Tuy.
Theo kết luận này, nguyên nhân gây nứt trụ cầu là do "chênh lệch nhiệt độ" trong quá trình thi công chứ chả phải do chất lượng thi công hay do chạy tiến độ, rút ruột công trình.
Vậy mà, chưa gì dư luận đã ồn ào, nào là cầu Vĩnh Tuy ứng nghiệm lời cảnh báo công trình Đại lễ 1000 năm, nào là nguy hiểm... rồi đòi siêu âm, mổ sẻ nguyên nhân, thậm chí có người còn độc miệng cảnh báo bị ám ảnh lo giống cây cầu Chu Va 6.
Lẽ ra, dư luận nên bình tĩnh tin tưởng lời ông Phan Quốc Hiếu - Tổng Giám đốc Tổng công ty XD Thăng Long, đơn vị thi công gói thầu này.
Ông Hiếu đã nói rồi, trong quá trình triển khai thi công, nhà thầu đã tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các quy trình, quy phạm. Thế thì làm sao mà sai được. Chỉ có thể do lỗi khách quan, lỗi của thời tiết.
Thì rõ ràng rồi đấy, kết luận cũng khẳng định rồi, vết nứt vẫn "an toàn", "nứt đúng quy trình".
Nhiều vết nứt... xử lỗi nhiệt độ, thời tiết
Thực tế, từ giữa tháng 5/2013, cầu Vĩnh Tuy cũng đã xuất hiện nhiều vết sụt, nứt ở phía đầu nam hướng về đường Minh Khai và Trần Nhật Duật (Hà Nội).
Vết nứt, sụt lún nhanh chóng được xử lý bằng lớp nhựa mới, nhưng khéo che cũng chẳng lại được với ông trời. Chỉ một thời gian ngắn, mặt cầu lại tiếp tục những vết sụt lún chằng chịt kéo dài tại khu vực đường dẫn phía nam, khiến phương tiện qua lại khó khăn.
Dư luận lại ồn ào, lại lo ngại cầu Vĩnh Tuy là kịch bản lặp lại với hàng loạt vết nứt từ các cây cầu tiền tỉ vừa xây xong như cầu Thăng Long, cầu Rồng.
Báo chí rầm rầm đưa tin, cầu Thăng Long với tổng mức đầu tư lên tới 97 tỷ đồng cho việc sửa chữa nhưng cũng từng bị nứt chỉ sau 3 tháng thông xe lại.
Thậm chí có báo còn đếm cụ thể được hơn 10 vết nứt trên mặt cầu mới sửa chữa, nhiều vết trung bình dài hơn 1m, rộng 4-5cm. Đặc biệt có vết dài 2m, sâu hơn 5 - 7cm để lộ ra lớp bê tông thứ 2 trên mặt cầu.
Ở sát 2 bên lan can cầu có những vết xẻ mặt cầu để tạo rãnh thoát nước.
Cầu Thăng Long nhiều lần phải sửa chữa với tổng kinh phí lớn nhưng vẫn liên tiếp bị hư hỏng
Cầu Thăng Long nhiều lần phải sửa chữa với tổng kinh phí lớn nhưng vẫn liên tiếp bị hư hỏng
Rồi lại đến thông tin cầu Rồng (Đà Nẵng) mới đưa vào sử dụng ngày 29/3/2013 đã xuất hiện hàng loạt vết nứt trêm các kết cấu thân và mố cầu dọc theo phương thẳng đứng với chiều dài từ 0,3-0,5m.
Đặc biệt trên cầu xuất hiện những vết nứt dài, kéo từ đỉnh mố đến chân mố. Cho dù các vết nứt đã được công nhân trám lại nhưng vẫn không che được những vết nứt kéo dài.
Bên cạnh những vết nứt trên thân mố, tình trạng nước rỉ từ phía đỉnh mố xuống chân mố khiến người dân quan ngại khi đi qua đây.
Nhưng vẫn là bản tính "cầm đèn chạy trước ô tô" của người Việt, lại đòi tìm nguyên nhân, đòi truy trách nhiệm, thậm chí còn yêu cầu phải bồi thường, cách chức.
Gớm chửa, làm gì cũng phải có quy trình, không thể vội vàng xồn xồn thế được. Phải nghe ông Nguyễn Năng Thể (Phó Tổng Giám đốc PMU2) giải thích thì mới hiểu ra còn có thêm một khái niệm nữa "nứt cục bộ, nứt vẫn an toàn".
Lại đây nữa, ông Nguyễn Hà Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Cầu Rồng cũng khẳng định: "nứt cấu tạo, là vết nứt dọc chứ không phải vết nứt ngang, không ảnh hưởng đến công trình".
Ôi chao, sao ngôn ngữ Việt Nam phong phú thế, chỉ với vết nứt thôi mà các nhà quản lý đã dẫn ra cả năm bảy cái khái niệm. Thế là đúng rồi nhé, tất cả đều đúng quy trình, tất cả đều an toàn và không ai phải chịu trách nhiệm. Nguyên nhân là tại ông Trời.
Còn nhớ vụ sập cầu Chu Va 6, người ta cũng quy lỗi cho cái ắc neo, "do ắc neo tăng đơ gia công không đúng quy trình nên quá giòn, nên dẫn đến tai nạn". Thậm chí ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT còn lớn tiếng đòi xử lý trách nhiệm với cái ắc neo gây tội này.
Chỉ đến khi, Công an vào cuộc điều tra, ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam về tội Vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng lúc đó dư luận mới thở phào, cái ắc neo "được thoát tội".
Mà trước đó, nói về sự cẩn trọng trong việc quy tội cái ắc neo, thứ trưởng Trường còn cho rằng liên quan đến sinh mạng con người, nên phải cẩn trọng để tránh oan sai. Thế nhưng khi quy tội cho cái ắc neo, chắc vị thứ trưởng nghĩ ắc neo không có miệng, không biết kêu oan.
Phải chăng, quy tội vết nứt cầu Vĩnh Tuy cho ông trời, ngành giao thông, xây dựng cũng đã nghĩ như vậy?
Lam Lam

No comments:

Post a Comment