Việt Nam kêu gọi Mỹ hành động hơn nữa giúp giải quyết tranh chấp Biển Đông giữa các động thái gây hấn leo thang của Trung Quốc tại khu vực.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình trong cuộc họp báo ngày 5/6 nói Việt Nam hy vọng Hoa Kỳ sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn cũng như có thêm hành động thực tế hơn nữa góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và giúp giải quyết các tranh chấp chủ quyền trong vùng theo đúng luật lệ quốc tế.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh giữ gìn hòa bình và ổn định tại khu vực là lợi ích, nhiệm vụ không chỉ của các bên có liên quan trong tranh chấp và đồng thời hoan nghênh việc Mỹ và cộng đồng quốc tế thời gian gần đây đã lên tiếng vì một Biển Đông hòa bình.
Lời kêu gọi của Việt Nam được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ một lần nữa khẳng định sẽ thăng tiến quan hệ với Việt Nam về mọi mặt, kể cả quân sự, một khi Việt Nam cải thiện nhân quyền.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với VOA Việt ngữ, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski nói ‘hiện giờ nhân quyền là một phần hết sức quan trọng trong mối quan hệ Việt-Mỹ’ vì Hoa Kỳ ‘quan tâm đến tương lai, sự ổn định của Việt Nam, và sự an lành cho người dân Việt Nam.’
Ông Malinowski nói:
“Vấn đề an ninh ở đây nhắc nhớ rằng Việt Nam là một nước tương đối nhỏ trước một nước láng giềng rất lớn. Việt Nam cần luật quốc tế, cần trở thành thành viên trong cộng đồng mà nền tảng dựa trên sự tôn trọng những luật lệ chung được mọi người hiểu biết và tôn trọng. Và một phần trong sự giao kèo ấy bao gồm những luật lệ bảo vệ con người. Có những luật lệ quốc tế bảo vệ các nước trước sự xâm lược, trước sự xâm phạm chủ quyền biển đảo, và cũng có những luật lệ quốc tế bảo vệ con người. Cho nên, là thành viên của cộng đồng có nghĩa là chấp nhận toàn bộ gói luật lệ chung ấy. Đó là điều Mỹ đã nêu rõ với Việt Nam rằng vì sao từng bước tiến tới việc tuân thủ luật quốc tế về nhân quyền là một lợi ích cho Việt Nam. Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam chắc chắn có thể cải thiện và sẽ cải thiện, sẽ tăng cường sâu hơn nữa khi sự tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam được tăng cường.”
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh:
“Có rất nhiều lý do, đặc biệt là trong năm nay với các cuộc thương thảo về Hiệp định TPP, với chính sách tái cân bằng của Mỹ tại Châu Á, khiến vấn đề nhân quyền của Việt Nam sẽ nằm rất cao trong nghị trình làm việc của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng và kỳ vọng sẽ có tiến bộ từ Việt Nam.”
Mới đây, nhóm 7 nước công nghiệp thế giới bao gồm Mỹ vừa ra thông cáo chung bày tỏ quan ngại về căng thẳng Biển Đông và kêu gọi các bên tránh hành động đơn phương đe dọa hay uy hiếp để khẳng định chủ quyền.
Phát ngôn nhân Lê Hải Bình nói Việt Nam hoan nghênh thông cáo này và kỳ vọng các nước cùng các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục lên tiếng thúc đẩy một giải pháp ôn hòa cho vấn đề Biển Đông.
Phản bác thông cáo của nhóm G7, Trung Quốc quả quyết sẽ nhất định đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích nào chống lại chủ quyền của Bắc Kinh.
Có những luật lệ quốc tế bảo vệ các nước trước sự xâm lược, trước sự xâm phạm chủ quyền biển đảo, và cũng có những luật lệ quốc tế bảo vệ con người. Cho nên, là thành viên của cộng đồng có nghĩa là chấp nhận toàn bộ gói luật lệ chung ấy.
No comments:
Post a Comment