Thursday, April 17, 2014

Vụ 34.000 tỷ đổi mới giáo dục phổ thông: Chưa rõ ràng và không hợp lý



Thứ năm, 2014-04-17 16:29:04 - Nguồn: GiaDinh.net.vn
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, đề án đổi mới chương trình và SGK phổ thông sau năm 2015 có nhiều bất cập và được trình sang Quốc hội chưa đúng quy trình, thủ tục.
3 “phiên bản” vẫn thiếu rõ ràng
Đây không phải lần đầu, Bộ GD&ĐT đưa ra con số choáng váng để đầu tư đổi mới giáo dục. Khởi nguồn của dự thảo đề án ffổi mới chương trình và SGK phổ thông sau năm 2015 bắt đầu được Bộ GD&ĐT đưa ra công luận từ tháng 6/2011. Theo đó, phần tổ chức thực hiện, Bộ GD&ĐT đưa ra dự kiến kinh phí là 70.000 tỷ đồng.
Con số dự kiến kinh phí này đã gây sốc trong dư luận khiến ông Phạm Mạnh Hùng (hồi đó còn là Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT) đã phải gửi công văn tới các báo để giải thích tiền chi cho việc biên soạn chương trình, SGK chỉ khoảng hơn 960 tỷ đồng. Hầu hết số tiền là dành cho xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học.
 
Vụ 34.000 tỷ đổi mới giáo dục phổ thông: Chưa rõ ràng và không hợp lý 1
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, con số hơn 34.000 tỷ đồng không chỉ dành riêng cho việc đổi mới SGK
Đến tháng 11/2013, Bộ GD&ĐT lại tiếp tục đưa ra công luận phiên bản mới dự thảo đề án đổi mới chương trình và SGK phổ thông sau năm 2015. Văn bản trình UB Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) hôm 14/4 là văn bản được hoàn thiện lần thứ 3. Tuy nhiên, đề án vẫn không có nội dung dự toán kinh phí, dù cấu trúc dự án vẫn còn mục “Tổ chức thực hiện đề án”.
Trả lời PV Báo GiadinhNet, GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ) cho biết:  “Cách đây khoảng 1 tháng, Bộ GD&ĐT có gửi dự thảo đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông sang Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TNTNNĐ của Quốc hội để xin ý kiến chuyên gia. Hôm đó, tôi cùng một số đại biểu cho rằng, một đề án lớn thế này, phải có dự toán kinh phí thì Quốc hội mới có cơ sở xem xét, quyết định được. Đến nay, Bộ GD&ĐT đã kịp thời bổ sung phần kinh phí và đã báo cáo UBTV Quốc hội.
Tuy nhiên, GS Thuyết bày tỏ sự ngạc nhiên trước việc cả ba lần trình đề án này, Bộ GD&ĐT đều không đưa ra chi tiết các khoản chi. Trong ngần ấy năm, vì sao Bộ GD&ĐT không thuê chuyên gia tài chính để tính toán chi tiết và lên dự toán?
Không hợp lý
Việc Bộ GD&ĐT trình Đề án Đổi mới hôm 14/4 với UBTV Quốc hội, theo nhận xét của GS Thuyết, chưa đảm bảo quy trình, thủ tục. “Trước hết, kinh phí đề án chưa được Bộ Tài chính thẩm định mà Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ GD-ĐT trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thì đó là một sự khinh suất. Thứ hai, chưa có thẩm định của Bộ Tài chính có nghĩa là Chính phủ chưa có ý kiến tập thể mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ngồi bàn việc này thì không biết bàn trên cơ sở nào. Thứ ba, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TNTNNĐ được giao trách nhiệm tham mưu cho Quốc hội nhưng không có báo cáo thẩm tra đề án mà lại trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này, tức là thẩm tra văn bản của chính cơ quan mình, thì thật là ngược đời. Đúng là Quốc hội chỉ quyết chủ trương đầu tư chứ không quyết đề án cụ thể, nhưng nếu thoát ly nội dung đề án, bỏ qua việc chi tiêu một số tiền lên tới 1,5 tỷ USD như vậy thì Quốc hội dựa vào đâu để ra Nghị quyết?”
 
Riêng về con số 34.000 tỷ, GS Thuyết cho rằng đó là một số tiền rất lớn, nhưng nếu cần phải chi (vì giáo dục là quốc sách hàng đầu) thì cũng phải chi. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là chi vào những việc gì, có hợp lý hay không. Ví dụ, khoản 26.000 tỷ đồng chi cho trang thiết bị dạy học nên dựa vào nguồn lực xã hội. Bộ GD&ĐT chỉ cần đưa ra yêu cầu về trang thiết bị, các doanh nghiệp sẽ lo sản xuất, bán hàng theo giá cạnh tranh, còn tiền mua sắm một phần chi từ ngân sách nhà nước, một phần từ nguồn học phí.
Có điều, theo GS Thuyết, hiện nay chương trình và SGK chưa biên soạn thì chưa thể biết sẽ cần những thiết bị nào. Bởi vậy, con số dự chi 26.000 tỷ chưa có cơ sở chắc chắn.  
Ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, công tác biên soạn SGK sẽ thực hiện một mạch từ lớp 1 đến lớp 12 chứ không làm theo kiểu cắt khúc, cuốn chiếu như trước kia. Con số 34 nghìn tỷ đồng chỉ là khái toán cho 7 – 8 đầu việc, không chỉ mình chương trình, SGK mà còn là bồi dưỡng, đào tạo lại hàng triệu giáo viên đang đứng lớp của 35.000 trường học trên cả nước và nhiều hạng mục đầu tư khác trong cả chục năm tới.
 
 Lương Mỹ

No comments:

Post a Comment