Thursday, April 17, 2014

Nghĩ về việc cấm xuất cảnh

17.04.2014
VRNs (17.4.2014) -Sài Gòn – Vài năm trước, khi nghe tin Cha Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế tỉnh Việt Nam bị cái gọi là cấm xuất cảnh, tôi cảm thấy xấu hổ và tức giận. Xấu hổ vì đất nước mình dù là đang phát triển – tức là nghèo đói – cũng đâu đến nỗi phải trình bày cho thế giới một bộ mặt nhem nhuốc, vừa ăn vừa khóc như thế!
Sau đó là tin Cha Nguyễn Văn Phượng rồi Cha Đinh Hữu Thoại DCCT cũng bị cấm xuất cảnh. Tưởng là vì ba vị linh mục can đảm nói lên tiếng nói của chân lý nên bị cấm, nào ngờ đến những người khác cũng lần lượt bị cấm, như nhà văn Nguyễn Hoàng Đức, cựu công an quản tù, sau đã theo Đạo, không được sang Rôma làm nhân chứng trong thủ tục phong chân phúc Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Gần đây nhất là cô Anna Huyền Trang, và anh Nguyễn Thanh Thủy cũng bị cấm.
Anna Huyền Trang, PV. VRNs bị an ninh phi trường Tân Sơn Nhất cấm xuất cảnh lúc 21:30, ngày 13.04.2014.
Anna Huyền Trang, PV. VRNs bị an ninh phi trường Tân Sơn Nhất cấm xuất cảnh lúc 21:30, ngày 13.04.2014.
Nghe tin một linh mục bị cấm xuất cảnh, ta thấy buồn, giận. Linh mục là thành phần thiện hảo của một đất nước mà còn như thế. Nghe hai người bị cấm làm ta bực tức hơn. Nhưng khi nhiều đồng bào của ta bị đất nước ta cấm không cho ra khỏi nước ta , thì ta không còn thấy buồn hay giận nữa, mà lại thấy buồn cười đến độ dửng dưng.
Khi một hành vi không bình thường trở thành thông lệ, thì những người bình thường sẽ nhìn thấy xa hơn phía sau những điều không bình thường ấy. Và khi có nhiều người nhìn xa hơn như thế, thì lại thêm những điều không bình thường trở thành thông lệ.
Người ta đang tự hỏi: cấm xuất cảnh như thế có tác dụng gì? Theo thiển ý, có thể có ba mục đích: thứ nhất, ngăn không cho những người ấy nói cho thế giới biết thực trạng trong nước. Thứ hai, cho họ “biết tay”, để họ “chừa” thói quen lên tiếng bênh đỡ cho người cô thân cô thế. Và thứ ba, cấm xuất cảnh là cách báo cho người ấy biết rằng tuy tòa không xử anh, nhưng anh vẫn đang là thành phần bị quản thúc.
Giả sử ba mục đích ấy là đúng, mà có thể đúng thật, thì rõ ràng việc cấm xuất cảnh không có tác dụng. Tại sao thế? Nếu cho rằng cấm những tiếng nói công lý đi ra nước ngoài là chặn tiếng vang lại thì quả là hiểu lầm đáng tiếc và đáng thương. Khi một vị Giám mục bị cấm dâng lễ cho một cộng đoàn người dân tộc thiểu số, ngài nói với nhà chức trách: “Các anh dại lắm”. Họ hỏi dại thế nào thì ngài trả lời: “Các anh để tôi dâng Lễ, tôi giảng thì chỉ có khoảng hai chục người nghe, còn các anh cấm tôi thì bây giờ cả thế giới nghe lời tôi giảng”.
Vâng, chính xác là như thế. Nguyên việc các vị bị cấm xuất cảnh đã là tiếng nói hùng hồn cho các nơi biết thực trạng đang diễn ra. Và chính người ra lệnh cấm xuất cảnh có bao giờ hiểu được rằng không phải cứ vang lên âm thanh mới là tiếng nói, nhưng rất nhiều khi chính sự im lặng và chịu đựng cũng là tiếng nói hùng hồn mà không bàn tay nào bịt lại được.
Điều thứ hai, nếu việc cấm xuất cảnh là để cho các nhân vật ấy “chừa”, không dám lên  tiếng nói cho người nghèo và người bị bỏ rơi, thì có lẽ là việc làm không có tác dụng, nếu không muốn nói là phản tác dụng. Khi một người thầy quở trách học trò, thì ít anh học trò nào đóng cửa không cho thầy ra khỏi lớp. Lý do thật đơn giản: nghề giáo là nghề đòi con người nói lên tiếng nói của lương tri. Anh đóng cửa không cho thầy giáo ra khỏi phòng thì anh sẽ nghe tiếng nói vang vọng mạnh mẽ hơn.
Còn nếu cấm xuất cảnh để ngầm báo rằng anh là tù nhân trong một nhà tù lớn như người ta thường nói, dù anh không bị tòa xử, thì e rằng chỉ làm các nhân vật ấy thấy hạnh phúc hơn mà thôi. Cũng dễ hiểu mà, phải không ạ? Có hạnh phúc nào dành cho người hoạt động công ích cho bằng khi họ được hòa chung số phận với những người nghèo đói, cùng cực và bị bỏ rơi nhất?
Và như vậy, việc cấm xuất cảnh hóa ra lại như là cho nhân vật ấy “xuất cảnh” vào một trạng thái khác của tâm hồn con người. Trạng thái này là khởi đầu cho những suy tư, hành động và nói năng theo một cách nào đó để tình trạng chung được cải thiện hơn.
Xét cho cùng, việc trục xuất một nhân vật hay việc cấm một nhân vật xuất cảnh, chưa bao giờ là cách hành xử khôn ngoan để đem lại ổn định cho xã hội.
Aleksandr Solzhenitsyn, nhà văn Nga đoạt giải Nobel năm 1970, đã bị tù 8 năm về việc viết văn chống lại chính sách diệt chủng của Liên Xô. Tháng 3 năm 1953, ông lai phải đi lưu đày ở Đông Bắc Kazakhstan. Năm 1970, ông được Giải Nobel về Văn Chương, nhưng ông không được đi nhận giải này, đến mãi năm 1974, sau khi ông bị “trục xuất” ra khỏi nước Nga, ông mới được lãnh giải này. Năm 1990, một năm trước khi chế độ Liên Bang Sô Viết sụp đổ, ông được Nhà Nước Liên Xô gọi để trả quyền công dân, tuy nhiên, mãi đến 1994, ông mới trở về.
Như vậy Liên Xô cũ nhận thấy trục xuất một công dân cuối cùng cũng chẳng đem lại ích lợi gì cho đất nước.
Còn cấm xuất cảnh? Như đã phân tích ở trên, các lý do chính để cấm xuất cảnh một công dân lại chính là những điều đem lại lợi ích cho công dân ấy và cho cộng đồng nơi họ sinh sống. Và cái nguy hiểm của việc cấm xuất cảnh, nhất là bằng thái độ hung hãn, dễ gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận, điều mà một xã hội muốn ổn định thì cần tránh.
Cấm điều xấu là bình thường, cấm điều bình thường là không tốt, cấm điều tốt là cách hay nhất để bảo vệ bóng tối.
                                                                                                Gioan Vinh, VRNs

No comments:

Post a Comment