Ông Huỳnh Văn Ba và Huỳnh Thanh Lâm - con ông Huỳnh Văn Hai - trong căn nhà lá.
Từ quyết định trái pháp luật của các cơ quan tố tụng, 5 hộ dân ở Tiền Giang đã bị Cơ quan Thi hành án (THA) cưỡng chế nhà. Án sai nhưng không ai xin lỗi, cũng chẳng sửa sai, khiến người dân khiếu nại kéo dài…
Phá nhà ngày giáp tết
Rằm tháng chạp năm Quý Dậu 1993 (nhằm ngày 27.12.1993), gia đình ông Huỳnh Văn Hai (trú ấp Tân Thạnh, xã Tân Hương, huyện Châu Thành) dậy sớm, chuẩn bị mâm cơm chay cúng rằm. Nhang chưa tàn, Đội THA huyện Châu Thành xuất hiện, yêu cầu gia đình ông Hai cùng 4 hộ dân sống liền kề phải dọn hết ra ngoài để họ đập nhà.
Ông Huỳnh Văn Hai lúc này đã 75 tuổi, đang bị sốt nằm trên giường được khiêng ra... bụi tre. Anh thương binh Võ Văn Cậy - con trai của hộ ông Võ Văn Mạnh - hai chân cụt tới bẹn cũng bị đưa ra khỏi nhà. Ông Phạm Văn Thanh - thời điểm này là Viện phó Viện KSND huyện Châu Thành - người ký văn bản gửi Viện KSND tỉnh Tiền Giang - phân tích những điểm trái pháp luật của việc cưỡng chế cũng được phân công có mặt tại hiện trường. Ông Thanh kể: “Tôi được phân công tham gia đoàn cưỡng chế... Phá xong 5 căn nhà, đoàn cưỡng chế về một nhà hàng sát UBND huyện ăn trưa. Trong cuộc “liên hoan” này, tôi uống ít bia cho phải phép rồi lén bỏ về”.
Toà bênh người phát canh thu tô
Theo hồ sơ, năm 1961, ông Nguyễn Văn Thắng cho ông Hai thuê 1.960m2 đất theo hình thức phát canh thu tô (từ “phát canh thu tô” chúng tôi dùng nguyên văn theo các văn bản trong hồ sơ vụ án), mỗi năm thu 8 giạ lúa. Sau giải phóng, ông Thắng có nhiều đất đai nên không kê khai phần đất này, ông Hai canh tác và nộp thuế cho Nhà nước.
Năm 1988, ông Thắng nộp đơn đòi đất, nhưng địa phương bác đơn vì trái Luật Đất đai nên ông Thắng nộp đơn ra tòa. Bằng quyết định số 53/HGT ngày 1.10.1990, TAND huyện Châu Thành “công nhận việc các hộ dân trả lại đất cho ông Thắng”. Tuy nhiên, quyết định này bị ông Hai và 4 hộ còn lại khiếu nại vì cho rằng bị ép. Dù chính quyền cấp xã và cấp huyện kiến nghị, nhưng tòa vẫn giữ nguyên quyết định. Ngày 27.12.1993, chấp hành viên THA dân sự huyện Châu Thành Lê Văn Quốc ra quyết định cưỡng chế.
Không thể sửa sai
Các con ông Hai kêu oan, năm 1995, TAND Tối cao ra quyết định kháng nghị hủy Quyết định 53/HGT, khẳng định quyết định này trái pháp luật. Ngay sau đó, kháng nghị này được cụ thể hóa bằng bản án tái thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng đất đang sử dụng. Ông Huỳnh Văn Ba - con trai ông Hai - nói: “Hồi đó, đại gia đình chúng tôi có căn nhà 10 gian được coi là khang trang nhất xóm, chỉ vì gặp cảnh oan khiên mà thành ra tan nhà nát cửa ”.
Những nạn nhân của 5 căn nhà bị đập phá trái luật vẫn tiếp tục đòi công lý. Cho đến nay, họ vẫn ở trong những căn nhà nát.
Chấp hành viên Lê Văn Quốc giờ là Chi Cục trưởng Chi cục THA huyện Châu Thành. Khi chúng tôi đem câu chuyện này đến hỏi thì ông nói: “Án nhiều quá, tôi không nhớ”. Trao đổi với phóng viên, ông Mai Hoàng Khải - Chánh án TAND huyện Châu Thành - nói: “Việc cưỡng chế phá nhà dân là sai. Nhưng thời điểm này chưa có Luật Bồi thường nhà nước, cho nên không biết ai sẽ đền”.
No comments:
Post a Comment