TBNH-Các cơ quan quản lý Nhà nước nên bàn cách giữ thể diện quốc gia trước đã. Mà muốn giữ thể diện quốc gia thì trước hết ở mỗi cá nhân, mỗi cơ quan cần phải biết giữ thể diện trong từng việc làm của mình mỗi khi ra nước ngoài hoặc công việc có liên quan đến yếu tố nước ngoài.
Đang chuyện trò rôm rả về tour du lịch sang xứ sở Hoa Anh đào trong dịp hè sắp đến, anh bạn giáo viên của tôi bỗng cụt hứng khi ngắt lời mọi người. Gần đây báo chí trong nước cảnh tỉnh về những “thói hư tật xấu” của người Việt mình khi ra nước ngoài đã cảm thấy buồn cho thể diện quốc gia. Nhưng khi thấy báo chí nước ngoài đăng liên tục các vụ vi phạm có liên quan đến người Việt lại càng thấy xót xa.
Sơ đồ miêu tả đường đi của đồng tiền hối lộ - (Nguồn: báo Yomiuri Shimbun)
Nói rồi, anh bạn liền dẫn chứng. Chỉ riêng tại Nhật Bản, trong vòng chưa đầy một tháng đã có 3 vụ vi phạm liên quan đến người Việt được các báo lớn của nước này đưa tin. Đầu tiên, là ngày 21/3/2013, Yomiuri Shimbun, nhật báo lớn nhất nước Nhật đăng thông tin Chủ tịch Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đã hối lộ cho một vài lãnh đạo ngành Đường sắt Việt Nam hơn 700.000 USD.
Năm 2008, nhật báo Yomiuri cũng đã đăng tin cơ quan điều tra của Nhật phát hiện bốn cựu quan chức Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương đưa hối lộ 200.000 USD tiền mặt cho các quan chức tại Việt Nam để được thắng thầu trong dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước ở TP. Hồ Chí Minh. Tiếp theo, ngày 26/3/2014, Japan Daily Press đưa tin cảnh sát Tokyo đã tạm giữ một nữ tiếp viên Vietnam Airlines vì tình nghi buôn lậu đồ ăn cắp, đồng thời đã khám xét văn phòng của Hãng hàng không Vietnam Airlines tại Tokyo.
Và mới đây, trưa ngày 14/4/2014, Asahi Shimbun, nhật báo lớn thứ 2 của Nhật đưa tin cảnh sát nước này đã bắt 6 người Việt Nam đang cư trú ở thành phố Himeji, vì vi phạm Luật Kiểm soát cần sa. Tổng số cần sa bị thu giữ lên đến 1.300 cây, con số lớn nhất so với những đợt truy quét cần sa ở Nhật từ trước đến nay.
Vụ việc làm nhiều người nhớ lại cách đây không lâu, báo chí nước ngoài cũng đã thông tin về việc cảnh sát Anh phát hiện một nhóm người Việt có liên quan đến trồng cần sa tại nước này?
Anh bạn giáo viên sau khi dẫn chứng ra một loạt các vụ việc sai phạm của người Việt được báo chí nước ngoài loan tin với tần suất liên tục đã lắc đầu ngao ngán. Rồi bỗng dưng như để an ủi mọi người, anh kể lại câu chuyện về con cá rô gỗ. Xưa. Có cậu học trò nghèo đi thi.
Đến mỗi bữa ăn, cậu thủ sẵn trong người một con cá rô làm bằng gỗ cho vào chén ăn cơm. Người ngoài nhìn vào tưởng cậu đang ăn cơm với cá, nhưng kỳ thực chỉ có mỗi chén nước mắm chuyên trị. Xong bữa ăn, cậu lại rửa con cá rô gỗ cất vào người.
Câu chuyện ngắn gọn, nhưng đã nói lên việc coi trọng thể diện của người xưa. Nói đến đây, anh bạn giáo viên thở dài. Giá như thay vì loay hoay bàn cách “nâng cao thể diện quốc gia” với không biết bao lễ hội và ngốn không ít tiền đóng thuế của người dân, các cơ quan quản lý Nhà nước nên bàn cách giữ thể diện quốc gia trước đã.
Mà muốn giữ thể diện quốc gia thì trước hết ở mỗi cá nhân, mỗi cơ quan cần phải biết giữ thể diện trong từng việc làm của mình mỗi khi ra nước ngoài hoặc công việc có liên quan đến yếu tố nước ngoài. Bài học giữ thể diện của người xưa qua câu chuyện con cá rô gỗ như vẫn còn nguyên giá trị?
Nguyên Vinh
No comments:
Post a Comment