Thursday, April 17, 2014

Sao lại chết vì một căn bệnh xưa như trái đất?

Sao lại chết vì một căn bệnh xưa như trái đất?
Sài đẹn rồi sởi, thủy đậu, xưa nay là bệnh không nguy hiểm của trẻ con, hầu như đứa nào cũng mắc và mỗi khi bị rồi thì yên tâm suốt đời không bị nữa. Nuôi con qua được cái cầu ấy, người mẹ mới thở phào. 

Ngay cả thời chiến tranh, có mấy trẻ chết về bệnh sởi?
Không từng biết nguồn gốc cũng như lý thuyết về bệnh sởi, cũng chẳng hiểu nó là do con vi rút gì nhưng cha ông ta đã biết đối phó đúng cách, tình cờ nhận thức trùng hợp với các thầy thuốc hiện đại, như bác sĩ Stephen Cochi, thuộc ban tiêm chủng toàn cầu của Cơ quan Kiểm Soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) từng giải thích:
Một khi trẻ bị nhiễm sởi thì không có một liều thuốc thần kỳ để điều trị. Nó không giống như các bệnh viêm nhiễm do vi khuẩn khi chúng ta có thể cho trẻ uống thuốc kháng sinh và trẻ có thể khỏi nhanh. Với bệnh sởi thì chỉ có chăm sóc hỗ trợ và chúng ta cho trẻ vitamin A vì thiếu vitamin A có thể làm cho bệnh sởi nặng thêm”.

Và các bác sĩ khác quen cơ địa người Việt cũng cho lời khuyên tương tự: “Phần lớn những bệnh sởi thì mình chỉ chăm sóc vệ sinh, tránh nó bị biến chứng, hết chu kỳ thì nó tự khỏi. Chỉ trừ khi nó bị biến chứng do viêm não, hay viêm phổi do bội nhiễm, tiêu chảy gây suy dinh dưỡng ở trẻ thì có thể gây tử vong. Trường hợp đó bắt buộc phải đưa vào bệnh viện còn chữa nhà không được. Còn các trường hợp khác thì mình có thể chăm sóc ở nhà vì nếu mang hết vào bệnh viện thì cũng không có lợi”.
Cha ông đã làm y như thế khi tắm cho trẻ bằng nước hạt mùi (hạt ngò rí), đốt vỏ bưởi chống gió và cách ly trẻ với người ngoài, kể cả bà con đến thăm. Trước đây, ngay cả thời chiến tranh hay nền y tế còn nghèo nàn, lạc hậu, ít khi nghe thấy trẻ con nông thôn chết vì bệnh sởi.
Bộ trưởng YT làm theo nguyên tắc nhưng trẻ em chết thì chẳng theo nguyên tắc nào
Hàng trăm trẻ con ở phía bắc tử vong do bệnh sởi, chủ yếu là ở Viện nhi trung ương đã gây ra một cơn sốt y tế, xoay quanh việc công bố hay không “dịch sởi”. Tình hình hiện nay là: Who khuyên nên công bố, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khuyên “cân nhắc”. 
Còn Bộ Y tế thì cho rằng “chưa” vì là loại dịch B nên thẩm quyền thuộc các tỉnh. Nhưng cơn bão hiện nay với hàng trăm hài nhi vong thân đã làm chúng ta suy nghĩ đến nhiều chuyện lan man buồn nhiều hơn vui trong và ngoài bệnh sởi.

Theo bà Bộ trưởng y tế, “tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm sởi mũi 1 đạt 97% và mũi 2 thấp hơn, đạt 87%. Đây là tỷ lệ trong giai đoạn này, còn giai đoạn trước đó thì tỷ lệ có thấp hơn”. Nếu chỉ tính 10% số trẻ em bị bỏ sót không tiêm vácxin hoặc không tiêm mũi thứ hai lúc 12 tháng thì cũng đã có tới trên dưới vài triệu trẻ dưới 15 bị bỏ ngỏ cho virut sởi.
Vì sao mấy triệu trẻ không được tiêm phòng sởi? Vì dân trí, vì bố mẹ thiếu lòng tin vào y tế dự phòng qua mấy vụ tiêm nhầm vácxin gây tử vong, vì báo chí “quá đà” tô đậm vụ này làm các bà mẹ sợ. Và suy cho cùng nguyên nhân cho những nguyên nhân ấy vẫn là công tác y tế dự phòng của ngành y yếu kém nếu không nói là bị coi nhẹ.
Có vẻ như Bộ y tế ngại (hay sợ?) dịch sởi? Nghĩ thế không oan đâu vì bệnh sởi xảy ra từ cuối tháng 12 năm 2013 mà mãi đến đến ngày 15 tháng 4 năm 2014 chính phủ mới có con số chính thức để công bố (trên 108 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi, đặc biệt là trẻ em). Con số này quả thật gây bàng hoàng và dư luận có được không phải từ Bộ y tế mà là sau khi ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi thị sát một bệnh viện ở Hà Nội. Mà ông nẩy ra ý định đi thị sát là nhờ Facebook (có lẽ trang riêng của ông).
Chúng ta biết rằng, nếu bạn chỉ có 1000 friends trên facebook thôi và mỗi bạn của bạn cũng có từng ấy friends nữa thì có nghĩa là một thông tin nào đó bạn đưa ra được coi là HOT rất có khả năng ngay lập tức sẽ có một triệu người biết tới (với điều kiện mạng này không bị chắn tường lửa)! Ông Phó Thủ tướng ít nhất cũng đã hé lộ một chút mới mẻ, cập nhật trong phương pháp làm việc của lãnh đạo đất nước, mong rằng không chỉ trong chuyện dịch sởi và cũng không chỉ một mình ông. Ai bảo “chăn” facebook là khổ?
Một thắc mắc: tại sao WHO là cơ quan nắm vững nguyên tắc công bố bệnh dịch nhưng họ lại xử lý khác với Bộ y tế ta? Có quyền nghĩ rằng, với họ, chỉ riêng khu vực Hà Nội mà có tới 108 trẻ em tử vong vì một căn bệnh xưa như trái đất, chỉ cần “chăm sóc tốt” có thể lành là điều không bình thường. Và họ khuyến nghị công bố dịch mà bỏ qua nguyên tắc.
Nhưng bà Bộ trưởng y tế của ta thì lại căn cứ vào “nguyên tắc”, bà sợ sai nguyên tắc quy định và làm đúng quy trình là phận sự của bà, nhưng trẻ em thì có thể tiếp tục chết không cần đúng quy trình và chẳng cần theo nguyên tắc nào cả! Công bố dịch tuy không thể lật ngược tình hình nhưng làm cho xã hội bớt chủ quan, chú ý nhiều đến bệnh sởi và tập trung chạy chữa tập trung, hiệu quả hơn.
Có người nhắc: y tế vỡ trận rồi, sao vẫn có vẻ bình chân như vại?

Oan cho Hà Nội ít nhiều vì số trẻ em tử vong ở Viện nhi TW không hoàn toàn là dân Hà Nội. Chính Phó Thủ tướng và bà Bộ trưởng cũng cảnh báo không được dồn bệnh nhân về thủ đô vì sẽ gây ra nạn lây nhiễm chéo, trẻ không chết vì sởi mà vì bị lây lẫn nhau bệnh khác.
Chính tại những dịp này mà nạn “dưới giường ba mẹ, trên giường ba trẻ” ở bệnh viện TW bộc lộ đến nhói lòng. Cũng chính dịp này, người dân trong nước, nhất là các tỉnh miền Bắc nếm mùi môi trường Hà Nội với “con sông Tô lịch đen đen chảy qua lòng thành phố” và nạn chen chúc nghẹt thở ở các bệnh viện TW. Dồn cả lên tuyến trên không phải là dân muốn thế. Mà dân còn không tin tuyến dưới.
Trước đây bệnh sởi chỉ cần chăm sóc tốt là lành, hạt mùi có lẽ chỉ là liều thuốc tâm lý. Nay đến bệnh viện to mà vẫn có trẻ tử vong ?!
Nguyễn Quang Thân
Ảnh: Tư liệu

No comments:

Post a Comment