ĐĂNG BỞI  - 
Đó là tiếng kêu khóc thảm thiết của một phụ nữ có con 8 tháng tuổi đang cấp cứu trong khu điều trị tự nguyện A của bệnh viện Nhi Trung ương (TW). Chị đã đưa con vào đây hơn 10 ngày nhưng bệnh tình của bé vẫn chưa thuyên giảm.
Chia sẻ với chúng tôi, chị H.T.A (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, con chị đã vào đây hơn 10 ngày. Ban đầu cháu chỉ ho, khi đưa vào viện Nhi khám thì bác sĩ cho thuốc, dặn uống đủ 1 tuần và đưa con về nhà điều trị, nhưng mới uống được 5 ngày thì biểu hiện sốt, ho và mọc nốt ban đỏ, sức khỏe yếu hẳn. 
Hoảng hốt chị đưa con chị vào viện khám lại, sau khi chụp phổi thì được biết bệnh sởi của con chị đã biến chứng xuống phổi, các bác sĩ yêu cầu nhập viện luôn. Điều trị được mấy ngày thì sức khỏe con chị càng ngày càng giảm sút và sáng sớm hôm nay bác sĩ thông báo đưa con chị vào phòng cấp cứu.
Không giấu được sự lo lắng, chị H.T.A tâm sự: "Nhà tôi có đứa cháu là anh trai con bé này cách đây 1 tháng vừa tử vong cũng do bệnh sởi, tang cháu chưa xong, giờ đến nghe tin con mình bị cấp cứu vì bệnh chuyển biến nặng nên tôi rất lo lắng và sợ hãi. 
Tôi đã nghe theo sự tư vấn của bác sĩ đồng ý cho con tiêm mũi nâng cao đề kháng trị giá 6 triệu đồng/mũi. Nghe các bác sĩ nói phải tiêm đủ 6 mũi (36 triệu đồng) thì mới đủ, tôi cũng chạy vạy khắp nơi, chỉ cần cháu khỏi bệnh. Ai ngờ sáng nay nghe bác sĩ thông báo con tôi phải cấp cứu".
Sáng 16.4 bệnh viện Nhi TW vẫn tấp nập người đưa con đến khám và điều trị bệnh sởi
Đồng cảnh ngộ với chị H.T.A, anh Minh Lâm (Vĩnh Phúc) cho hay, con tròn 13 tháng và nhiễm bệnh sởi, anh đưa con nhập viện tính đến nay đã được gần 2 tháng. Các nốt sởi đã biến mất hết, nhưng con anh vẫn sốt cao, các bác sĩ cũng chưa chuẩn đoán được cụ thể nguyên nhân vì sao nên gia đình anh rất hoang mang, lo lắng. 
Anh Lâm cũng cho biết hàng ngày chứng kiến các em bé lần lượt tử vong, khiến gia đình anh không khỏi rùng mình. Có khi anh chứng kiến 2 ngày đã có 36 trẻ tử vong ngay trong bệnh viện này vì bệnh sởi. Vợ anh vì quá sợ hãi nên đã bị hoảng loạn, không thể lên chăm con được, anh phải thường trực ở viện thay vợ. 
Con anh Lâm đã tiêm phòng 1 mũi sởi hồi 9 tháng tuổi, đến 18 tháng sẽ tiêm nhắc lại nhưng hiện giờ con anh đã bị mắc bệnh sởi, gia đình đã cẩn thận đưa con đi khám rất sớm nhưng hiện tại con anh vẫn phải đối diện với sự sống hết sức mong manh.
Anh Lâm lo lắng nhìn con đang cấp cứu trong phòng
Không may mắn như anh Lâm và chị H.T.A, sáng sớm ngày hôm nay gia đình chị H. ở Tây Mỗ (Hà Nội), con chị đã tử vong vào sáng sớm hôm nay. Chia sẻ nhanh với chúng tôi, bà của cháu L. (con chị H.) đã bị nhiễm sởi được gần 1 tuần, khi cháu vào đây thì phải ở dạng cấp cứu, các bác sĩ cũng tích cực chạy chữa. Sáng nay, khi cháu vẫn còn thở bằng bình thở thì cháu bị ho, cơn ho kéo dài được vài giây thì cháu bị sặc và tử vong sau đó.
Nhìn gia đình đưa cháu về nhà với nỗi đau mang nặng, các gia đình ở lại cũng không khỏi ngậm ngùi và lo sợ cho con cháu mình đang nằm điều trị trong phòng bệnh.
Trao đổi với chúng tôi bác sĩ Phạm Nhật An, Phó giám đốc - Trưởng khoa truyền nhiễm, bệnh viện Nhi TW cho biết: "Năm nay dịch bệnh sởi diễn biến khó lường, nguyên nhân tử vong của trẻ bị mắc sởi chủ yếu là viêm phổi sau sởi liên quan đến giai đoạn chuyển mùa, các bệnh đường hô hấp phát triển mạnh trong giai đoạn này. Song có nhiều bệnh do virus và vi khuẩn gây viêm phổi ở trẻ nhỏ, đi kèm với sởi hoặc mắc biến chứng sau sởi rất khó phân lập và xác định được nguyên nhân".
Sự mệt mỏi lo lắng hiện rõ lên khuôn mặt của gia đình có con nhỏ đang bị nhiễm sởi
Sau hơn 3 tháng bùng phát, mới đây Bộ Y tế công bố có 108 trường hợp tử vong, riêng bệnh viện Nhi TW có 103 trường hợp. 
Trước diễn biến phức tạp và khó lường của bệnh sởi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế tính toán, cân nhắc, công bố dịch sởi nếu thực sự cần thiết.
Minh Đông