Thursday, April 17, 2014

Chiếm 50% ca tử vong do sởi, Hà Nội vẫn không công bố dịch


UBND TP cho biết, Hà Nội không công bố dịch sởi nhưng sẽ triển khai các biện pháp phòng chống như có dịch.

Theo thống kê, Hà Nội hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số ca mắc và tử vong do sởi (số ca mắc chiếm 30%, số tử vong chiếm 50% của cả nước).
Trong cuộc họp sáng 16/4 tại BV Nhi Trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã hỏi giám đốc Sở Y tế về việc địa phương này có công bố dịch hay không nhưng vị lãnh đạo đứng đầu Sở Y tế cho biết sẽ xin ý kiến của UBND thành phố.
Ngay trong ngày, UBND TP. Hà Nội có cuộc họp về công tác phòng chống bệnh sởi. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc nhắc lại lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Y tế về việc dù"không công bố dịch nhưng phải triển khai các biện pháp phòng chống dịch sởi như đang có dịch".
"Với Hà Nội, có công bố dịch hay không không quan trọng, quan trọng nhất là phải triển khai quyết liệt và có hiệu quả công tác phòng chống dịch, khống chế dịch" - Phó Chủ tịch nhấn mạnh.
Dù con số tử vong do sởi chiếm 50% nhưng TP. Hà Nội không công bố dịch.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2014 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.287 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, tại 452/584 xã phường của 30/30 quận, huyện.
Qua xét nghiệm có 1.052 ca dương tính, tổng số mắc từ tháng 12/2013 là 1.062 ca. Các quận, huyện mắc đông là Hai Bà Trưng 122 ca, Đống Đa 97, Hoàng Mai 95, Hà Đông 76, Ba Đình 58.
Những tuần gần đây số mắc chững lại nhưng vẫn đang duy trì ở mức cao. Có 88,5% số mắc bệnh chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, trong đó 24% là trẻ dưới 9 tháng tuổi.
Tình trạng quá tải bệnh nhi tại các khoa khi bệnh viện đa khoa công lập trên địa bàn Hà Nội tăng đột biến, từ 150 - 200%. Bệnh nhi chủ yếu mắc các bệnh như sởi, sốt virus, bội nhiễm viêm phổi.
Đánh giá về việc Hà Nội dẫn đầu cả nước về số ca mắc và tử vong do sởi, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc thẳng thắn thừa nhận ngoài nguyên nhân dịch diễn biến phức tạp, việc dẫn đầu số mắc và tử vong chứng tỏ các giải pháp phòng chống của Hà Nội hiệu quả chưa cao. Số ca sốt phát ban nghi sởi đã trên 1.000 trường hợp, tăng 150% so với cùng kỳ. Bệnh phát triển ở cả 30 quận, huyện, 56,3% số xã có bệnh nhân, diện rất rộng.
"Có đến 88,5% số ca mắc là do chưa tiêm chủng, nếu làm tốt công tác tiêm chủng thì số mắc đã ít hơn. Như vậy, tôi nghĩ cần phải có sự chuyển động trong công tác chỉ đạo", Phó Chỉ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.
Theo đó, tại cuộc họp lần này, UBND TP. Hà Nội thống nhất ngoài các biện pháp phòng chống dịch cũ sẽ tăng cường thêm các biện pháp mới. Ngành y tế có trách nhiệm chủ trì cùng các quận, huyện tổ chức tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ, đạt tỷ lệ 95% trở lên. Hiện tại, Hà Nội vẫn còn gần 2.000 trẻ cần phải tiêm vét vắc xin sởi.
Phó chủ tịch cũng nhấn mạnh, trách nhiệm phòng chống dịch là của chủ tịch UBND các cấp. Các quận, huyện phải phòng ngừa ngay từ cơ sở, phân công trách nhiệm cụ thể từng cấp từng ngành, nắm rõ từng cháu trong đối tượng phòng chống dịch; kiểm tra thường xuyên công tác tiêm phòng, diễn biến dịch bệnh, triển khai thường trực dịch 24/24h... Sở GD-ĐT có trách nhiệm phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch và phát hiện ca bệnh đến từng trường, từng thầy cô giáo.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung phòng, chống dịch sởi, chủ động ngăn chặn lây lan dịch, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc bệnh và chết do bệnh sởi.
Nhằm chủ động ngăn chặn lây lan dịch, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc bệnh và chết do bệnh sởi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh sởi tại các cơ sở y tế nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, ngăn chặn lây chéo trong bệnh viện, đặc biệt là các cơ sở y tế bị quá tải tuyến trung ương, khẩn trương dập tắt dịch sởi. Bổ sung ngay máy thở, trang thiết bị y tế, thuốc, để bảo đảm cấp cứu điều trị bệnh nhân, sinh phẩm cần thiết phòng lây chéo tại các bệnh viện và chế độ đối với người làm công tác phòng chống dịch sởi.

No comments:

Post a Comment