Thursday, April 17, 2014

Nếu vì mê đọc mà ăn cắp sách thì nên... tặng thêm sách

  - Nếu vì mê đọc mà ăn cắp sách thì nên... tặng thêm sách"Kẻ trộm sách" là tác phẩm của nhà văn Úc Markus Zusak đã làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất của New York Times... (Ảnh: Internet)
Nếu vì lý do mê học, mê đọc nhưng không có tiền nên em lấy cắp 2 cuốn sách thì những người có trách nhiệm nên tặng luôn cho em, thậm chí cho thêm và khuyến khích em học.
Bác sĩ Lâm Hữu Tài, chuyên khoa tâm thần, Trung tâm tế dự phòng quận 1, TP.HCM nói như vậy sau khi xem hình ảnh nữ sinh đeo chiếc khăn quàng đỏ bị các nhân viên của một siêu thị ở tỉnh Gia Lai bắt trói 2 tay ngược về phía sau, dùng băng keo dán vào lan can, sau đó bắt đeo trước ngực tấm bảng: “Tôi là người ăn trộm”, rồi chụp hình tung lên mạng. 
Nên tặng món hàng đó cho em
Theo bác sĩ Tài, những nhân viên của siêu thị này hành xử theo kiểu xem em như một kẻ trộm cắp phải xử lý hình sự. Việc bắt trói em vào thành lan can, bắt đeo bảng “tôi là người ăn trộm” trước ngực như thế, khi em không phải là người phạm tội lớn mà xem em là một người phạm tội lớn. 
Ngay cả công an, khi bắt kẻ phạm tội, đôi lúc còn chưa bắt đeo bảng như thế, còn chừa cho họ con đường để hoàn lương.
Đây là vấn đề cần phải xem lại, khi có một tình huống xảy ra mà người lớn phải xử sự như thế nào đối với một đứa trẻ. 
Bác sĩ Tài cho rằng, nếu như em lấy món hàng gì đó có giá trị thì chuyện sẽ khác, đằng này vì lý do em mê học nhưng không có tiền nên đã lấy cắp 2 cuốn sách.
“Trong tình huống này, những người có trách nhiệm ở đây nên tặng luôn cho em, thậm chí cho thêm và khuyến khích em học. Qua đó, nhắc nhở nhẹ nhàng, dạy cho em hiểu rằng, nếu muốn điều gì mà không có tiền để mua thì cứ trình bày hoàn cảnh để mọi người ở đây xem xét giải quyết cho em.
Tôi nghĩ với vai trò giám đốc của một siêu thị, chắc chắn rằng họ cũng đã từng nhiều lần bỏ ra một số tiền lớn hơn nhiều so với 2 cuốn sách để đi làm từ thiện, tặng quà cho học sinh nghèo thì không có lý do gì người giám đốc siêu thị này lại tiếc 2 quyển sách mà không tặng luôn cho em”, bác sĩ Tài chia sẻ. 
Tương lai em về đâu
Theo bác sĩ Tài, cách hành xử của người lớn như vậy là quá nhẫn tâm. Điều này không phải 1 cá nhân mà có đến 3, 4 người cùng đồng quan điểm ứng xử như thế đối với một em bé mang chiếc khăn quàng đỏ trên cổ là hết sức phản cảm. Cách hành xử của người lớn như thế là quá ác độc, cần phải được lên án.
Việc làm này khiến em cảm thấy mình bị sỉ nhục, cảm thấy xấu hổ, tội lỗi. Bên cạnh đó, lại còn tung lên mạng, nhiều bạn bè khác của em biết được, không chỉ riêng ở địa phương của Gia Lai mà cả nước, thậm chí ở nước ngoài cũng biết được. 
Tuy em có sai là đã lấy cắp 2 cuốn sách, nhưng người lớn đối xử như thế, sẽ gây ảnh hưởng lớn về mặt tâm thần của em sau này.  
Nhiều khả năng, sau này em  sẽ rơi vào tâm lý tự ti, mặc cảm, không dám gần gủi bạn bè, thầy cô trong lớp. Và khi đó, em sẽ sống biệt lập ra khỏi tập thể mà ngày trước em đã sống một cách hồn nhiên.
“Sự hành xử  thô bạo của người lớn, khiến em sẽ sống khép kín, đôi khi có những suy nghĩ tiêu cực vì cảm thấy xấu hổ. Đó là chưa kể, tuổi trẻ của em còn có những hành động dại dột, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Đối với những đứa trẻ như  thế tâm hồn còn thơ dại, rất dễ bị san chấn. Điều đó có thể ám ảnh em suốt cả cuộc đời, khiến em mất tập trung trong chuyện học hành, vì lúc nào em cũng nghĩ, mọi người xung quanh nhìn mình với một ánh mắt dè bĩu”, bác sĩ Tài phân tích.  
Điều nguy hiểm hơn, theo bác sĩ Tài, nếu sau này chẳng may có bạn bè hay một ai đó châm chọc, trêu ghẹo thì có thể lập lại trong tâm hồn em những ký ức xấu, khiến em có thể dẫn đến tự sát, hoặc nhẹ hơn là bỏ học. Và khi đó, tương lai của em sẽ đi về đâu, chỉ vì 2 cuốn sách.
Giáo dục nhẹ nhàng mà khoa học
Từ sự việc trên, bác sĩ Tài cũng đề cập đến những trường hợp tương tự khác, nếu xảy ra sau này. Theo bác sĩ Tài, ngay cả những đứa bé có tiền, nhưng ham mê, thích một món hàng gì đó muốn lấy cắp mà các em nghĩ rằng, có thể qua mặt được mọi người. 
Nếu chúng ta có bắt được thì nên dạy cho các em, phân tích cho các em thấy hành vi đó là không đúng, không được xã hội chấp nhận. Phân tích cho các em thấy tác hại, nếu  sau này lớn lên mà vẫn tiếp tục hành vi này thì sẽ vi phạm pháp luật. Và có thể, chúng ta cũng nên tặng cho các em món hàng đó, để cho các em có một ấn tượng đẹp, sau này các em rút kinh nghiệm, không dám làm điều đó.   
Khi đó, các em sẽ hiểu rằng, nếu thiếu cái gì thì xin cha, mẹ hay xin thẳng những nơi bán món hàng đó. Phải dạy cho các em hiểu được chân lý sống "nghèo cho  sạch, rách cho thơm”, để xứng đáng là một học trò ngon. 
“Đối với tất cả các trẻ khi làm điều gì sai, chúng ta nên lựa lời, phân tích và kết hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để giáo dục, chứ không nên bêu riếu các em như thế. Phải có phương pháp nhẹ nhàng,nhưng khoa học, không nên xem trẻ như người ăn cắp ăn trộm trưởng thành”, bác sĩ Tài nhắn nhủ. 
Hồ Quang 

No comments:

Post a Comment