(Kênh 13) – Đã có 112 ca tử vong do sởi, đó là thông tin chính thức từ báo cáo hỏa tốc của Bộ Y tế gửi Thủ tướng Chính Phủ ngày 17/4.
Báo cáo hỏa tốc về tình hình bệnh sởi gửi Thủ tướng Chính Phủ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ngày 17/4 cho biết, đã có 112 trường hợp tử vong và nặng xin về.
Trong đó có 105 ca tại Bệnh viện Nhi Trung ương, 4 ca tại Bệnh viện Bạch Mai, 1 ca tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và 2 ca ở tỉnh Yên Bái. Ngoài ra, tại 3 bệnh viện này còn 34 bệnh nhân sởi nặng, phải thở máy.
Số ca tử vong đều ghi nhận tại các tỉnh phía Bắc, trong đó Hà Nội chiếm khoảng 50% số trẻ tử vong do sởi. Hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp trẻ tử vong do sởi tại khu vực phía Nam.
Nguyên nhân chính là do lây nhiễm chéo?
Theo báo cáo trên, từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 8.521 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó ghi nhận 3.136 trường hợp dương tính với sởi.
Sởi xuất hiện trên diện rộng tại 61 tỉnh thành. Hiện chỉ còn 2 tỉnh chưa ghi nhận bệnh sởi là Cao Bằng và Bắc Kạn. Các địa phương có số trẻ mắc sởi cao là Hà Nội (1.062 ca), TP.HCM (theo báo cáo của bộ mới chỉ có 453 ca, thực tế đã gần 900 ca), Bình Dương (91 ca), Bắc Ninh (78 ca).
Phần lớn số trẻ mắc ở nhóm dưới 10 tuổi, chiếm 76,5%. Các ca mắc sởi hầu hết không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm vắc xin sởi (87%). Trong khi đó, kết quả chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi trên toàn quốc tính đến hết ngày 17/4 mới chỉ đạt 49,4%.
Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur và chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới khẳng định hiện nay các chủng vi rút gây bệnh sởi tại Việt Nam chưa có sự biến đổi về gen cũng như độc lực của vi rút.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chính khiến trẻ mắc bệnh nặng và tử vong cao là do các bà mẹ đã đưa trẻ đến khám chữa bệnh vượt tuyến tại các bệnh viện tuyến trung ương gây quá tải và sự nhiễm khuẩn chéo làm trẻ có thể vừa mắc bệnh sởi vừa mắc các bệnh đường hô hấp khác.
Bộ nhận định dịch sởi năm nay có số mắc thấp hơn so với vụ dịch năm 2009 – 2010. Tuy nhiên, số trường hợp nặng và tử vong sẽ tiếp tục gia tăng.
Giải thích cho nhận định này, Bộ cho rằng ngoài nguyên nhân như đã nêu vì quá tải bệnh nhân nên việc kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện gặp khó khăn. Điều kiện thời tiết giao mùa thuận lợi cho bệnh viêm phổi phát triển.
Đề xuất thanh toán BHYT đối với các ca sởi vượt trần
Đưa ra các biện pháp đáp ứng khẩn cấp cần thực hiện trong thời gian tới, Bộ Y tế chỉ đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh làm việc cụ thể với các bệnh viện tại Hà Nội để rà soát quy trình khám bệnh tránh lây nhiễm chéo đối với bệnh nhi đến khám và điều trị.
Tiếp tục đề xuất Chính phủ xuất kho 12 máy thở trong cơ số dự trữ quốc gia phân bổ cho Bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện của Hà Nội, để có phương tiện điều trị bệnh sởi.
Đặc biệt, Bộ Y tế đề xuất Bảo hiểm xã hội Việt Nam thanh toán BHYT đối với các ca bệnh sởi vượt trần thanh toán.
Cục Y tế dự phòng tiếp tục phối hợp các địa phương tiến hành tiêm vắc xin sởi cho tất cả trẻ trên 9 tháng tuổi trên toàn quốc.
Bộ cũng sẽ tập hợp nhu cầu kinh phí của các đơn vị thuộc bộ và các địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cấp bổ sung phục vụ công tác phòng chống sởi.
Về công bố dịch sởi, yêu cầu giám đốc Sở Y tế Hà Nội tham mưu lãnh đạo UBND TP.Hà Nội về việc quyết định công bố dịch hay không? Điều này căn cứ vào tiêu chí, điều kiện công bố dịch của địa phương và đề xuất lãnh đạo UBND thành phố bảo đảm công tác hậu cần, thuốc men, trang thiết bị cho hoạt động phòng chống bệnh sởi tại các bệnh viện Hà Nội.
No comments:
Post a Comment