theo Infonet | 03/04/2014 08:26
Nguyên nhân dẫn đến vỡ đường ống nước từ sông Đà về Hà Nội qua các lần đều được đổ lỗi là do nền địa chất trên Đại lộ Thăng Long không ổn định.
Trước sự việc này, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Sỹ Trung, Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) khẳng định: Việc vỡ đường ống nước mà cứ “đổ” lỗi cho tuyến Đại lộ Thăng Long là không chính xác.
"Tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đều không áp dụng công nghệ vật liệu làm bằng sợi thủy tinh như tại dự án cấp nước mặt sông Đà. Vật liệu này chủ yếu sử dụng làm ống cống nước thải".
- Ông Nguyễn Sỹ Trung, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải.
“Khi làm đường, chúng tôi đã phải xử lý nền đất yếu rất tốn kém và mất thời gian, chờ đến khi nền ổn định mới xây dựng công trình nên bây giờ có thể khẳng định, tuyến đường rất ổn định. Tôi khẳng định đường ống không nằm trong nền đường cao tốc, mà đặt cách vai đường Láng - Hòa Lạc tới 12 mét, độ sâu từ 4-6 mét so với mặt đất tự nhiên. Mặt khác, độ rung từ mặt đường cao tốc do ô tô đi lại gây ảnh hưởng đến đường ống về mặt định lượng gần như bằng không”, ông Trung khẳng định.
Một trong số những lần khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sông Đà.
Vậy trước khi thực hiện dự án đường ống nước sông Đà, chủ đầu tư Vinaconex có khảo sát và được cảnh báo về nền đất yếu?
Ông Trung cho hay: Khi dự án đường Láng – Hòa Lạc và đường ống nước sông Đà cùng thực hiện, tôi đã nhiều lần cảnh báo chủ đầu tư cùng đơn vị thiết kế dự án nước sạch sông Đà về địa chất yếu, nhưng họ “phớt lờ”, không nghe mà cứ làm khi không xử lý nền đất yếu.
Theo ông Trung, tuyến đường này có chiều dài gần 30km, chạy qua nhiều vùng địa chất khác nhau. Đặc biệt, có 5,4km chạy qua nền đất yếu, nằm rải rác tại 29 điểm với độ sâu trung bình từ 5-30m, dài 20-200m.
“Có lẽ do “ngại” việc đội chi phí cùng việc mất thêm nhiều thời gian mà chủ đầu tư cứ làm cho kịp tiến độ mà không xử lý móng của tuyến ống nên mới có kết cục vỡ đường ống nhiều lần. Chính những điểm xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước đều trùng khớp với các điểm có nền đất yếu mà chúng tôi từng cảnh báo chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công dự án nước sạch sông Đà”, ông Trung nói rõ nguyên nhân.
Trên trang website của Tổng Công ty CP Vinaconex có giới thiệu: ống dẫn nước là ống cốt sợi thủy tinh do Vinaconex sản xuất. Liệu loại ống này có được dùng phổ biến trong để làm đường ống dẫn nước sinh hoạt?
Nói về vấn đề này, ông Trung cho hay ở các nước tiên tiến trên thế giới, đường ống dẫn nước sinh hoạt đều không áp dụng công nghệ vật liệu làm bằng sợi thủy tinh như tại dự án cấp nước mặt sông Đà. Tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản vật liệu ống sợi thủy tinh này chủ yếu sử dụng làm ống cống nước thải.
Theo kỹ sư Nguyễn Sỹ Trung, với nền đất yếu không được xử lý từ trước thì bây giờ việc khắc phục vỡ ống đường dẫn nước chỉ là việc làm thụ động. Và khó tránh khỏi việc đường ống dẫn nước này sẽ còn tiếp tục vỡ nhiều lần nữa.
Nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội thuộc dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông do Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex làm chủ đầu tư.
Công trình này là một trong hai công trình mà Vinaconex được trao tặng “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam” năm 2010.
Tuy nhiên, chỉ sau ít năm vận hành, đường ống dẫn nước này liên tục bị vỡ khiến hàng chục ngàn hộ dân tại Hà Nội và lân cận khốn đốn, đảo lộn sinh hoạt vì mất nước
No comments:
Post a Comment