Thursday, April 3, 2014

Thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa: Đơn giản lắm, đừng phức tạp!



(Quan điểm) - Kỹ sư đóng tàu Đỗ Thái Bình đã có những nhận định về việc cơ quan quản lý Việt Nam đang làm phức tạp hóa vấn đề thử nghiệm của con tàu.

Đơn giản lắm, đừng làm phức tạp!
Ngày 1/4/2014, Phòng Công nghệ, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thái Bình có những hướng dẫn về việc đăng kiểm và thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa. Theo lãnh đạo Nguyễn Vinh Đạo của phòng Công nghệ, hiện tại chưa có quy định chất lượng nào cho tàu ngầm ở Việt Nam, vì thế công việc kiểm định không biết bắt đầu từ đâu. Và chủ nhân của con tàu cần phải có một đơn đề nghị gửi tới UBND tỉnh Thái Bình để xin thử nghiệm, sau đó UBND chỉ định cơ quan nào thì cơ quan ấy sẽ phụ trách công việc này. Một cơ quan không đủ chức năng thì nhiều cơ quan sẽ phối hợp.
Ông Đạo cho biết thêm, nếu tàu Trường Sa chỉ thử nghiệm tại biển, không kiểm định, đăng kiểm thì chỉ cần sự đồng ý của bộ đội biên phòng là hoàn toàn có thể thử nghiệm dễ dàng.
Xung quanh những thông tin này, kỹ sư đóng tàu Đỗ Thái Bình, Hội Khoa học kỹ thuật Biển TP HCM, Thành viên Hội Đóng tàu Mỹ (SNAME) đã bày tỏ quan điểm của mình:
“Tôi nghe thấy bây giờ các cơ quan quản lý bắt đầu gặp khó khăn, theo tôi thực ra mà nói, đáng lẽ chẳng có gì khó khăn cả. Theo tôi, một cơ quan quản lý là sở khoa học Thái Bình có thể làm được tất cả, bây giờ đẩy lên ủy ban rồi lại đẩy sang bên quân đội làm câu chuyện trở nên to tát quá. Không cần thiết làm phức tạp như vậy.”
Tàu ngầm Trường Sa rời bể thử nghiệm tại công ty Quốc Hòa
Tàu ngầm Trường Sa rời bể thử nghiệm tại công ty Quốc Hòa
Kỹ sư Đỗ Thái Bình, người từng có kinh nghiệm thử nghiệm nhiều tàu nổi bày cách cho chủ nhân của tàu Trường Sa:
“Ông Hòa viết một quy trình thử nghiệm thật tỉ mỉ như tàu sẽ đến địa điểm thử nghiệm thế nào. Ông Hòa phải tự đi đo đạc, trắc nghiệm địa điểm thử nghiệm để kiểm tra được chắc chắn khi tàu lặn xuống không bị dính bùn, cát lún, dính rong rêu dưới đáy hoặc không có bãi đá, vật cản. Trong quy trình nói rõ thử nghiệm những hạng mục gì, thời gian bao lâu, di chuyển từ đâu đến đâu, lặn nổi thế nào… Đó là bước thứ nhất.
Thứ hai là cần có một tàu hoặc ca nô đi cạnh. Con tàu đi kèm sẽ nhận nhiệm vụ cảnh báo khu vực thử nghiệm cho các tàu thuyền xung quanh. Nếu cần thiết nữa thì quây dây phao xung quanh khu vực thử nghiệm. Nếu tàu lặn và di chuyển trong lòng nước, thì lúc đó hoàn toàn an toàn, bởi theo tôi biết dưới đáy sông đáy biển thì chỉ có mỗi ông Hòa. Còn lúc tàu muốn nổi lên chỉ cần thả một dây phao báo hiệu, tàu cảnh báo sẽ tới đó để cảnh báo tàu thuyền xung quanh.”
Xung quanh vấn đề hệ thống không khí tuần hoàn AIP, ông Bình vẫn nhận định đây là một hệ thống phức tạp và nguy hiểm. Theo ông, cứ thử trong buồng kín cho chắc chắn, còn nếu lặn xuống thử nghiệm AIP mà không lên được, hoặc có vấn đề sự cố gì, thì khi đó ông Hòa phải tự chịu trách nhiệm cho con tàu đó và sinh mạng của ông.
Ông Nguyễn Quốc Hòa xuống tàu ngầm bằng... máy cẩu
Ông Nguyễn Quốc Hòa xuống tàu ngầm bằng... máy cẩu
“Đấy là về công đoạn thử nghiệm. Còn để kiểm định con tàu này, công việc của Trường Sa vẫn còn dài, và cần phải có một hội động khoa học chuyên môn. Việc làm phức tạp hóa vấn đề chỉ mang lại những ý kiến xấu trong dư luận về việc các cơ quan quản lý của Việt Nam yếu kém.” – Ông Đỗ Thái Bình nhận định.
Kỹ sư Bình cho rằng: “Đây chỉ là trò chơi thôi, các quốc gia họ coi trọng khoa học, họ nghĩ giải quyết việc này đơn giản lắm, vì sao Việt Nam cứ phải làm phức tạp tình hình như vậy?”
Kỹ sư Đỗ Thái Bình cho biết thêm, riêng việc lặn nổi một cách thăng bằng, nhịp nhàng, di chuyển dễ dàng dưới nước đã là những bước tiến đáng hoan nghênh của ông Nguyễn Quốc Hòa.
Để tôi thử nghiệm với ông Hòa!
Cùng chung quan điểm với kỹ sư Đỗ Thái Bình, tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải, người đã từng về tận nơi sản xuất để tham quan chiếc tàu ngầm Trường Sa của ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết:
“Để thử nghiệm con tàu này rất đơn giản, hãy để ông Hòa làm những bước tiếp theo. Chúng ta đừng vội quan niệm nó là thứ để mang đi chiến đấu, hoặc bơi ra Hoàng Sa, Trường Sa gì cả, đây mới chỉ là phiên bản đầu tiên, hãy quan niệm nó là một cái tàu biết chìm xuống nước sẽ đơn giản hơn nhiều.”
Tàu di chuyển trên hồ của khu công nghiệp sông Trà (Thái Bình)
Tàu di chuyển trên hồ của khu công nghiệp sông Trà (Thái Bình)
Tiến sĩ Khải hài hước phân tích: “Nếu tàu nổi thì nó chẳng khác gì cái ghe, cái đò, cái ca-nô. Chúng ta kiểm định được những phương tiện đó, có quy chuẩn chất lượng cho những phương tiện đó thì sao không mang ra mà áp dụng với con tàu này? Còn nếu tàu lặn, ở dưới nước có ai nhỉ? Khi nào sản xuất hàng loạt, người ta đi tàu ngầm của ông Hòa như đi ô tô thì mới cần phải có luật giao thông tàu ngầm chứ.”
Còn nếu như lo sợ cho việc ông Hòa bị ảnh hưởng tới sinh mạng, Tiến sĩ Khải nhận định: “Qua quan sát từng lần thử nghiệm, từ thử AIP trong buồng kín, đến thử trong bể, và ra hồ tập lái… tôi thấy ông Hòa là người cẩn trọng. Ông không đi vội mà từng bước từng bước chắc chắn. Theo tôi không có vấn đề gì với con tàu này. Đặc biệt khi ra biển, càng sâu dưới mặt nước thì tác động của sóng càng nhỏ. Nếu được tôi cũng xin ngồi vào cùng lái với ông Hòa, mang cái mạng tôi ra mà đảm bảo.”
Minh Phong

No comments:

Post a Comment