Thursday, April 3, 2014

Thủy điện trên Mê Kông gây lo ngại


Thứ Năm, 03/04/2014 22:51

Trái với quan ngại của các nước tiểu vùng sông Mê Kông về tác động tiêu cực từ những đập thủy điện thượng nguồn đối với hạ nguồn, Trung Quốc vẫn khẳng định việc xây dựng các đập này là cần thiết (!)

Ngày 3-4, hội thảo quốc tế về hợp tác năng lượng, thực phẩm và an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở các lưu vực sông xuyên biên giới - tổ chức tại TP HCM - bước sang ngày làm việc thứ hai và cũng là ngày làm việc cuối.
Việc sử dụng có trách nhiệm nguồn nước sông Mê Kông là mối quan tâm chung của các quốc gia trong tiểu vùng. 
Trong ảnh: Một đoạn sông Mê Kông, khu vực gần Tam giác vàng Ảnh: DƯƠNG QUANG
Việc sử dụng có trách nhiệm nguồn nước sông Mê Kông là mối quan tâm chung của các quốc gia trong tiểu vùng. Trong ảnh: Một đoạn sông Mê Kông, khu vực gần Tam giác vàng Ảnh: DƯƠNG QUANG
Vấn đề “nóng” đang diễn ra vùng hạ nguồn Mê Kông gây nhiều tranh cãi là việc các nước sẽ xây dựng một số đập thủy điện. Bà Nguyễn Thị Thu Linh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, cho biết 12 dự án đập thủy điện dự kiến xây dựng trên dòng chính sông hạ nguồn Mê Kông. Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu tác động dòng chính sông Mê Kông, trong đó đánh giá toàn bộ tác động các bậc thang thủy điện dự kiến được xây dựng lên hệ thống kinh tế - tự nhiên - xã hội vùng ĐBSCL (Việt Nam) và Biển Hồ (Campuchia). Kết quả nghiên cứu sẽ được sử dụng để thiết lập nền tảng khoa học cho Việt Nam, Lào và Campuchia để tính toán đến những công trình dự kiến trên dòng chính bao gồm cả rà soát lại kế hoạch, số lượng bậc thang, thiết kế, vận hành của mỗi dự án và cả hệ thống bậc thang thủy điện hạ nguồn nhằm khắc phục những tác động bất lợi. Kết quả này cũng đem lại nền tảng cho sự hợp tác phát triển bền vững nguồn nước và các nguồn tài nguyên khác giữa các nước thành viên Ủy hội sông Mê Kông quốc tế gồm Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào. Nghiên cứu cũng sẽ chỉ ra việc quản lý quá trình sản xuất để giảm những tác động tiêu cực trong khu vực. Tuy chưa có kết quả cuối cùng nhưng bà Linh khẳng định: Quá trình xây dựng và vận hành của một hay tất cả các đập đều tiềm ẩn tác động sâu sắc đến môi trường - xã hội của cả 4 nước, đặc biệt là nước cuối nguồn.
Trái với quan ngại về tác động tiêu cực từ các đập thủy điện thượng nguồn đối với hạ nguồn, Trung Quốc vẫn khẳng định việc xây dựng các đập này là cần thiết. Ông Gao Bo, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế - Khoa học - Kỹ thuật, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, cho biết có 6 đập thủy điện xây dựng trên trung nguồn và hạ nguồn sông Lan Thương (sông Mê Kông chảy qua địa phận Trung Quốc). Tác động các đập này đến các nước hạ nguồn rất nhỏ vì chúng chỉ chiếm 13,5% tổng lượng nước toàn lưu vực. Các bậc thủy điện này không tiêu thụ nước, ngược lại nhờ vào sự vận hành các đập, dòng chảy trên sông Lan Thương có thể tăng đến 70% trong mùa khô so với dòng chảy tự nhiên và giảm 30% trong mùa mưa. Cũng theo ông Gao Bo, nhờ sự vận hành của các đập thủy điện, dòng chảy trong mùa khô tại trạm Chiang Saen - Vientiane có thể tăng từ 30%-50% và mực nước tăng từ 0,6-0,9 m; trong khi đó, dòng chảy vào mùa mưa tại đây giảm từ 10%-20%, mực nước lũ giảm từ 0,4-1,3 m. Do vậy, việc phát triển thủy điện trên sông Lan Thương là điều quan trọng nhằm bảo vệ nước, năng lượng và an ninh lương thực cho toàn lưu vực cũng như phương án cốt yếu chống biến đổi khí hậu và là hướng tiếp cận quan trọng để bảo vệ cũng như cải thiện sinh kế.
Kết quả và khuyến nghị chính trong 2 ngày hội nghị sẽ được chuyển tới Hội đồng các bộ trưởng của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, sau đó sẽ báo cáo lên các nhà lãnh đạo cấp cao tại Hội nghị Cấp cao của ủy hội ngày 5-4.
MINH KHANH

No comments:

Post a Comment