Thursday, April 3, 2014

Tổ chức thi hộ vào trường công an, thu tiền tỷ



CONGAN-GIAODUC

Trong hai kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012 và 2013, các bị can đã thực hiện thi hộ trót lọt 19 trường hợp vào các trường đại học, học viện thuộc lực lượng công an nhân dân, thu gần 3 tỷ đồng.
Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa kết thúc điều tra vụ án “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Trường đại học Kỹ thuật – hậu cần Công an nhân dân, đề nghị Viện KSND tối cao truy tố bảy bị can về tội danh trên.
Các bị can bị đề nghị truy tố gồm: Nguyễn Văn Phượng (39 tuổi, nguyên nhân viên Công ty vận tải hành khách Hà Nam, trụ sở tại Quảng Ninh), Nguyễn Tôn Doãn (59 tuổi, trú tại khu tập thể T36, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nguyên cán bộ công an đã nghỉ hưu), Nguyễn Văn Bình (50 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật quân sự), Đậu Đức Hải (50 tuổi, trú tại huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), Nguyễn Thị Hương (53 tuổi, trú tại đường Kim Đồng, Hà Nội), Nguyễn Thị Hòa (47 tuổi, trú tại TP Vinh, Nghệ An), Lê Quang Báu (60 tuổi, trú tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nguyên cán bộ Công an tỉnh Nghệ An đã nghỉ hưu).
Cơ quan an ninh điều tra cũng truy nã hai bị can Nguyễn Như Khải (33 tuổi, trú tại xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hảo, Hưng Yên) và Trần Văn Chung (31 tuổi, trú tại xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam).

Tuyển sinh viên giỏi vào đường dây thi hộ

Qua công tác kiểm tra hồ sơ các thí sinh trúng tuyển trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012, 2013, Trường đại học Kỹ thuật – hậu cần Công an nhân dân phát hiện một số trường hợp có dấu hiệu nhờ thi hộ.
Sau đó, nhà trường đã trưng cầu giám định chữ viết và xác định chữ viết trên bài thi của các trường hợp này đều không phải là chữ viết của người đã đăng ký dự thi tuyển sinh và trúng tuyển, đang học tại trường.
Do đó, nhà trường đã chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đề nghị điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định vào đầu năm 2012, Nguyễn Văn Phượng biết nhiều gia đình có nhu cầu muốn cho con vào học tại các trường của lực lượng vũ trang.
Do có kinh nghiệm từng thi vào Học viện Kỹ thuật quân sự và Đại học Kinh tế quốc dân, Phượng thấy có thể sử dụng người khác để thi hộ bằng cách tìm người có khuôn mặt gần giống với thí sinh nên đã lôi kéo một số người tạo thành đường dây thi hộ vào các trường đại học.
Cụ thể, Phượng đã trực tiếp móc nối, lôi kéo Nguyễn Như Khải, Trần Văn Chung và một số cá nhân tìm kiếm, tuyển chọn được 13 sinh viên có kiến thức tốt ở một số trường trên địa bàn Hà Nội tham gia đường dây thi hộ.
Trước các kỳ thi đại học, nhóm của Phượng tổ chức nơi ăn ở tập trung và cung cấp thêm tài liệu, bổ sung kiến thức cho những người tham gia thi hộ.
Theo thỏa thuận, mỗi cá nhân thi hộ sẽ được trả thù lao 60-100 triệu đồng/trường hợp. Sau khi thỏa thuận xong với người thi hộ, nhóm của Phượng tiến hành móc nối, tìm kiếm các gia đình có nhu cầu nhờ thi hộ và nhận hồ sơ, giấy tờ, tiền và những tài liệu có liên quan đến việc thi hộ.

550 triệu đồng cho một ca thi hộ

Để thực hiện việc thi hộ, ngay từ khâu đăng ký, Nguyễn Văn Phượng cùng đồng bọn đã yêu cầu gia đình các thí sinh nhờ thi hộ gửi ảnh thí sinh để đối chiếu, lựa chọn, tìm người thi hộ có khuôn mặt giống thí sinh.
Sau khi chọn được người, Phượng cùng đồng bọn dùng kỹ thuật Photoshop sửa ảnh, tạo ra ảnh mới vừa giống thí sinh thật, vừa giống người thi hộ rồi gửi lại cho các gia đình để dán vào hồ sơ đăng ký dự thi theo mẫu chung, hướng dẫn gia đình thí sinh làm thủ tục sơ tuyển, thẩm tra lý lịch theo đúng quy định.
Khi có giấy báo thi, nhóm này yêu cầu người nhà thí sinh gửi toàn bộ giấy tờ thật để người thi hộ sử dụng khi đi thi. Đồng thời nhóm này cũng yêu cầu các thí sinh thật không được có mặt tại địa phương nơi cư trú trong thời gian diễn ra kỳ thi.
Kết thúc kỳ thi, Phượng và đồng bọn yêu cầu người thi hộ tập hợp lại các thông tin về thời gian thi các môn, mã đề, sơ đồ phòng thi, địa điểm thi, số phòng thi, vị trí ngồi, đặc điểm giám thị coi thi, đặc điểm và kết quả làm bài thi, thậm chí cả chữ viết của người thi hộ… rồi gửi cho gia đình thí sinh để nắm rõ, tập viết chữ và chủ động đối phó khi nhập học nếu trúng tuyển.
Về chi phí thi hộ, Phượng thu 200-250 triệu đồng/trường hợp và thống nhất với các trung gian chỉ yêu cầu gia đình thí sinh đặt cọc trước 10-50 triệu đồng.
Sau khi thí sinh nhờ thi hộ trúng tuyển, Phượng sẽ thu đủ 250 triệu đồng và chi cho các đối tượng tìm kiếm sinh viên thi hộ và người thi hộ tổng cộng 150 triệu đồng, Phượng chiếm hưởng 100 triệu đồng/trường hợp.
Tuy nhiên, các đối tượng trung gian tìm kiếm người có nhu cầu nhờ thi hộ thường thu thêm, có trường hợp lên đến 550 triệu đồng.
Theo Tuổi Trẻ


No comments:

Post a Comment