Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2014-04-03
2014-04-03
Hai dân oan Dương Nội bị công an Quận Hà Đông bắt vẫn chưa rõ số phận ra sao mặc dù bà con đã kéo nhau tới Công an Hà Đông để đòi biết sự thật căn cứ trên hai bức di chúc mà Trần Văn Miên và Trần Văn Sang để lại trước khi bị bắt. Mặc Lâm tìm hiểu thêm về câu chuyện di chúc này.
Những giấy ủy quyền chỉ có ở Việt Nam
Tối 26 tháng 3 vừa qua hai ông Trần Văn Miên sinh năm 1959 và Trần Văn Sang sinh năm 1975 bị công an bắt một cách bí mật và gia đình chỉ được biết sau khi đã tìm kiếm tới khuya cùng ngày. Chị Nhàn vợ ông Miên cho chúng tôi biết việc bắt giữ này:
-Không biết chồng tôi đi chơi ở đâu mãi đến tối không thấy về thì anh em họ hàng và các cháu bắt đầu đi tìm. Mấy tiếng đồng hồ đến 22 giờ đêm thì công an phường, tổ trưởng dân phố mới mang quyết định lệnh tạm giam ở trại giam số 1 thành phố Hà Nội.
Cách đây năm ngày công an úp mở cho biết là cả hai ông đều cắn lưỡi tự tử trong khi bị giam, tin tức này làm cho Dương Nội dậy sóng. Cả hai gia đình thật sự rất hoảng hốt khi nghe nguồn tin này, bà Nhàn nói:
Nếu tôi bị bắt, giam cầm, tra tấn đầu độc khi tới cơ quan công an quận Hà Đông làm việc khi đi sức khỏe tôi bình thường, trí óc minh mẫn không có ý định tự tử. Cơ thể không thương tích nếu không thấy tôi về sau khi tới công an Quận làm việc thì tôi nhờ ủy quyền cho tập thể 356 hộ dân đến đòi ngườitheo di chúc Ô.Trần Văn Sang
-Đấy có cái thông tin như thế nên gia đình rất sốt ruột. Gia đình rất bức xúc nên đã đến cơ quan công an hỏi thực hư thế nào. Trước khi bị như thế anh đã viết cái giấy ủy quyền cho bà con là anh hoàn toàn khỏe mạnh và không có ý định tự tử và nếu mà anh bị bắt thì nhờ 356 hộ bà con sẽ đi đòi người về.
Sau khi nghe tin, hàng trăm người dân Dương Nội đã kéo nhau lên công an Quận Hà Đông để đòi làm rõ vụ việc. Tuy nhiên chẳng những không ai đón tiếp hay trả lời, mà bà con còn bị côn đồ chạy xe ngang ném nước mắm và vật nhơ bẩn vào người.
Hồi đầu năm nay hai ông Miên và Sang bị công an Hà Đông triệu tập vì tham gia đòi đất và cả hai tuy được trả về nhà nhưng vẫn lo rằng công an sẽ tiếp tục bắt giữ mình. Cả hai ông Miên và Sang đều viết chúc thư để lại cho gia đình cho biết rằng mình khỏe mạnh và hoàn toàn tỉnh táo trước khi bị công an bắt, và do đó nếu bị đánh chết thì không phải tự tử và họ yêu cầu 356 hộ gia đình tại Dương Nội tranh đấu đòi lại công lý cho hai người nếu chẳng may hai ông bị công an giết.
Cháu ông Trần Văn Sang là Trần Văn Tuyển đọc bức di chúc này như sau:
-Giấy Ủy quyền khiếu nại tố cáo. Tôi tên là Trần Văn Sang sinh năm 1975 hộ khẩu thường trú tại Quyết Tiến, Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội. Tối thấy việc triệu tập là không có cơ sở, vô lý vì quá trình sống và lao động tôi không làm ảnh hưởng với bất cứ ai và xã hội tôi không thấy tập thể hay cơ quan nào lập biên bản xử phạt về việc gây rối.
Vậy nay tôi ủy quyền nhờ 356 hộ dân bị mất đất phường Dương Nội những việc sau: Nếu tôi bị bắt, giam cầm, tra tấn đầu độc khi tới cơ quan công an Quận Hà Đông làm việc khi đi sức khỏe tôi bình thường, trí óc minh mẫn không có ý định tự tử. Cơ thể không thương tích nếu không thấy tôi về sau khi tới công an Quận làm việc thì tôi nhờ ủy quyền cho tập thể 356 hộ dân đến đòi người. Làm rõ nguyên nhân tại công an Quận Hà Đông. Nếu tôi bị ép cung, đầu độc tra tấn mang thương tích hoặc chết sau khi tới công an Quận Hà Đông thì xin bà con mang xác tôi đến các cơ quan cúa chính phủ, quốc hội đòi lại công bằng cho tôi và những người dân cùng khổ như tôi trong cả nước.
Bị can chết tại các nhà tạm giữ, tạm giam ở các huyện thị xảy ra rất thường xuyên và gây bức xúc trong dư luận. Thế nhưng khi hỏi đến thì các cơ quan chức năng nói là các nghi can chết do tự tử, chết bất thường. Còn người dân thì sợ công an, không dám đi nhờ luật sư nói chuyệnluật sư Võ An Đôn
Việc công an tùy tiện bắt người và sau đó gửi trả lại thân nhân của họ cái xác chết bị tra tấn tan nát thân thể với lời giải thích là họ tự tử vì hối hận hay sợ hãi đang xảy ra hàng loạt tại nhiều tỉnh thành cả nước. Vụ án anh Ngô Thanh Kiều cho thấy sự tra tấn tại nơi điều tra là thường xuyên và trở thành bình thường đến nỗi luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân đã nói rõ là ông tranh đấu vì công an đã tước mất quyền sống của người dân, ông nói:
-Quyết tâm của tôi rất cao vì tình trạng nghi can, bị can chết tại các nhà tạm giữ, tạm giam ở các huyện thị xảy ra rất thường xuyên và gây bức xúc trong dư luận. Thế nhưng khi hỏi đến thì các cơ quan chức năng nói là các nghi can chết do tự tử, chết bất thường. Còn người dân thì sợ công an, không dám đi nhờ luật sư nói chuyện. Khi bức xúc quá đến ‘quậy’ các cơ quan đó thì bị kết án ‘chống người thi hành công vụ’. Do vậy người dân vừa chết oan, vừa bị bỏ tù oan Vì thế tôi quyết định nhận vụ này. Khi nhận, tôi biết có điều gì đó xảy ra bất ngờ, tôi vẫn chấp nhận vì có thể giúp cho người dân có được công lý, cũng như cứu được nhiều người sau này.
Một nghi can khi bị bắt phải có quyền được người thân trong gia đình viếng thăm sau khi cuộc điều tra kết thúc là quyền phổ quát của bất cứ nước nào trên thế giới. Tuy nhiên đối với Việt Nam thì quyền đó vẫn bị hiến pháp làm lu mờ vì không ghi rõ cụ thể khiến công an có thể diễn giải sự không cho phép của họ mà không bị chế tài bởi pháp luật.
LS Trần Thu Nam cho biết kinh nghiệm của ông qua rất nhiều vụ án, đặc biệt là các vụ có màu sắc chính trị, hay khiếu kiện tập thể ông nói:
-Theo quy định của Việt Nam thì nó đang tờ mờ ở chỗ đó, nó chưa được rõ ràng chỗ đó. Theo quy định cơ quan nào thụ lý thì cơ quan đó cho người nhà gặp nhưng nó không có một điều khoản nào bắt buộc phải cho gặp cả. Có nghĩa là công an nếu thấy rằng không có vấn đề tiết lộ bí mật gì thì họ đồng ý cho gặp. Nếu có quy định bắt buộc phải cho gặp thì mới được nhưng bây giờ luật Việt Nam nó chưa hoàn thiện nó vẫn thiếu sót cho nên họ mới có cớ gây khó khăn cho các thân nhân, gia đình những người bị tạm giam.
Vào ngày 1 tháng 4 vừa qua, hàng chục gia đình người dân Dương Nội tiếp tục cùng với hai gia đình ông Trần Văn Miên và Trần Văn Sang tới Bộ Công an đòi biết sự thật về tình trạng của thân nhân họ. Sau khi nhận đơn, công an hứa là sẽ điều tra và mọi người ra về với câu hỏi rất lớn trong đầu.
Cho tới hôm nay, hai ngày sau khi nghe lời hứa đó ông Trần Văn Tuấn anh ruột của ông Trần Văn Sang cho biết:
-Chúng tôi chỉ yêu cầu cho biết, xác minh em tôi ở chỗ nào và có bị làm sao hay không nhưng người ta bảo là làm đơn và người ta trả lời bàng văn bản nhưng hai ngày rồi vẫn không thấy. Ở quê tôi có nhiều vấn đề xảy ra lắm nhưng chúng tôi dân đen chả biết làm sao.
Trên thế giới có rất nhiều loại di chúc, đa số là để lại tài sản cho người khác khi mình mất đi, chỉ có tại Việt Nam, dân oan Dương Nội mới có hai tờ di chúc nhờ 356 hộ gia đình theo dõi nếu mình bị giết sau khi bị bắt. Hai tờ di chúc của ông Miên và ông Sang thật đáng suy gẫm.
No comments:
Post a Comment