(Tin tức thời sự) - Có nhiều nguyên nhân trong việc CSGT bị chống đối, nhưng CSGT bị container đâm cho rằng người vi phạm vì bị áp lực....
Trao đổi với Đất Việt ngày 2/4, anh Nguyễn Đức Quyền, thuộc đội CSGT số 7 - người trực tiếp chứng kiến vụ xe container đâm bẹp xe CSGT tại đường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội vào ngày 22/3 cho biết nguyên nhân của việc CSGT bị chống đối.
Theo anh Quyền: "Thứ nhất một phần do ý thức của người dân, họ muốn trốn tránh hành vi vi phạm của mình. Thứ hai là do tâm trạng của những người tham gia giao thông trên đường. Họ khá căng thẳng nên họ không biết được hành vi vi phạm của mình.
Xe container đâm bẹp xe của CSGT |
Anh Quyền nói tiếp: "Trong khi CSGT chấp hành mọi văn hóa ứng xử thì một số trường hợp vi phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật để vi phạm, đôi khi vi phạm bình thường thì họ nói có thành không, không thành có, vậy nên yêu cầu CSGT phải có bằng chứng"
Lý giải việc người vi phạm có hành vi chống đối, anh Quyền cho biết: "Những người chống người thi hành công vụ là do họ quá áp lực về gia đình, áp lực bởi cơ quan, có khi kẹt xe đến mấy tiếng nên đầu óc căng thẳng, dễ gây nên những bức xúc".
Người dân ít bức xúc khi CSGT tham nhũng?
Trao đổi về việc CSGT bị xếp vào hạng tham nhũng, dễ gây nên bức xúc cho người tham gia giao thông, anh Quyền bày tỏ: "Một số đối tượng tham nhũng chỉ là phần nhỏ thôi, không phải là tất cả được. Theo cá nhân tôi, số lượng ít người tham gia giao thông bức xúc khi CSGT tham nhũng, một số người vi phạm thì chấp hành nộp phạt, một số trường hợp lại cố tình vi phạm".
Anh Quyền chia sẻ thêm: "CSGT phải tự giác, thực hiện nguyên tắc, đúng tác phong và xử lý trường hợp vi phạm để đối phó với một số người cố tình gây gổ để mình nôn nóng.
Và chỉ nên mềm mỏng với người già, phụ nữ có con nhỏ, chứ không nhún nhường những trường hợp cố tình vi phạm. Những trường hợp này lợi dụng các kẽ hở của pháp luật thì nên xử lý nghiêm khắc".
Nhiều hiểm nguy khi thực thi nhiệm vụ của CSGT |
Đặt giả sử nếu có tình huống người vi phạm cố tình chống đối, không chịu dừng xe, CSGT có dám chặn đầu xe không? anh Quyền nói: "Những trường hợp người vi phạm cố tình thì có rất nhiều biện pháp chứ không nhất quyết chặn xe để bị đâm. Có thể yêu cầu người ta xuống xe chứ không nhất thiết phải làm như vậy".
Để khắc phục tình trạng người vi phạm chống đối CSGT, anh Quyền cho biết: "Để đảm bảo an toàn thì chiến sĩ, CSGT đã được trang bị đầy đủ và hoàn thiện rồi. Việc đầu tiên của CSGT là phải có sức khỏe, thứ hai là phải tìm hiểu về pháp luật, hiểu sâu để giải thích cho người vi phạm được biết".
Được biết anh Quyền chính là chiến sĩ có mặt trực tiếp tại vụ việc xe container đâm bẹp xe CSGT tại đường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội vào ngày 22/3. Anh Quyền chia sẻ: "Sau vụ bị đâm, bên tôi đã làm theo đúng quy trình. Vẫn duy trì tốt văn hóa ứng xử đó là thường xuyên tuyên truyền....".
Được biết thời gian gần đây xảy ra liên tiếp các vụ CSGT bị người vi phạm chống đối, cũng có nhiều nguyên nhân cho rằng do CSGT quá cứng rắn, thái độ....tuy nhiên cũng có ý kiến lại cho rằng, những người vi phạm do họ quá căng thẳng, áp lực nên mới có những hành vi thiếu đi sự bĩnh tĩnh.
Những người tham gia giao thông còn áp lực, vậy những CSGT trực tiếp giải quyết những trường hợp như vậy họ có áp lực như vậy không? bởi thế mà trước đó tỉ lệ CSGT tới bệnh viện tâm thần khám ngày càng tăng mà nguyên nhân chính cũng là do căng thẳng, áp lực.
CSGT mắc bệnh tâm thần tăng do sức ép tâm lý, căng thẳng
Theo bác sĩ Lý Trần Tình Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, số lượng CSGT đến Bệnh viện Tâm thần Hà Nội khám tăng nhiều hơn trước mà nguyên nhân là do sức ép tâm lý, căng thẳng....
Theo bác sĩ Lý Trần Tình: "Nghề CSGT là nghề tiếp xúc thường xuyên với mọi người, giống ngành y tế. Không giống như cán bộ của cơ quan hành chính nhà nước, CSGT phải đảm bảo người dân thực hiện chấp hành giao thông trên đường. Không có bệnh nhân nào cười với bác sĩ, cũng không có người tham gia giao thông nào cười với CSGT.
Hơn nữa người Việt Nam hầu hết trông thấy CSGT thường "né", tham gia giao thông nhiều người vi phạm, do vậy mà rất dễ xảy ra xung đột giữa CSGT và người tham gia giao thông.
Người CSGT chịu nhiều áp lực về thời gian, môi trường mưa nắng, bụi bặm..., thậm chí có nhiều đối tượng cưỡng chế và có cái nhìn không tốt về CSGT
Ngoài ra công việc, thời gian làm việc khiến CSGT luôn căng mình. Tâm lý chung khi làm nhiệm vụ phải luôn đảm bảo an ninh thông suốt và không có sự cố gì. Ngày nào họ cũng đi làm, không phải là làm 8 tiếng như mọi người, dẫn đến sức ép tâm lý, khiến họ bị nhiều những bệnh lý liên quan đến Stress".
H.H
No comments:
Post a Comment