Thursday, April 3, 2014

Nhà đầu tư ngoại sốt ruột với cải cách ở Việt Nam


Cần một cuộc 'ân xá' để tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước
 / Chuyên gia ADB dè dặt về cổ phần hóa doanh nghiệp Việt Nam

HSBC lo ngại Chính phủ có thể chưa thực sự quyết liệt trong việc thực hiện các cải cách. ADB khuyến cáo cải cách chậm chạm sẽ đe dọa khả năng phục hồi kinh tế.
Phát biểu tại một hội thảo tổ chức cuối tháng 3, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục song chưa vững chắc, chất lượng tăng trưởng, năng suất và sức cạnh tranh còn thấp. Điều này đặt nền kinh tế đối diện với thách thức tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Để giải quyết tình hình này, Chính phủ đang đặt yêu cầu xuyên suốt là phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tập trung vào 3 mũi nhọn đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống tài chính.
tai-co-cau-7805-1396429284.jpg
Chuyên gia quan ngại về kết quả tái cơ cấu tại Việt Nam. Ảnh: Anh Quân
Chương trình cải cách chính thức được tiến hành từ năm 2013, với việc đề án tái cơ cấu nền kinh tế được Chính phủ thông qua, tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay các chuyên gia ngoại đều nhận định chưa có điểm sáng cho kết quả tái cơ cấu của Việt Nam.
Báo cáo mới cập nhật của ngân hàng HSBC cho biết: "không kỳ vọng sẽ có bất kỳ cải cách quan trọng nào trong năm tới", bởi Việt Nam chỉ mới cố gắng dần thoát khỏi những vấn đề nội tại hơn là đương đầu giải quyết với khó khăn. "Những biện pháp cải thiện từng phần được ưu ái hơn những chương trình đại tu quyết liệt để cải thiện quản trị doanh nghiệp và quản lý hệ thống tài chính", báo cáo nêu.
Ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng bày tỏ tiến độ cải cách chậm chạp đang hạn chế khả năng đưa nền kinh tế trở lại tốc độ tăng trưởng cao như những năm trước.
Theo đó, với hệ thống ngân hàng, quan ngại lớn nhất hiện nay là xử lý nợ xấu, song việc trì hoãn phân loại nợ theo chuẩn mới sang năm 2015 và các chuẩn mực mới không yêu cầu cao như dự định ban đầu, ADB cho rằng sẽ ảnh hưởng đến các yêu cầ điều chỉnh phân loại nợ từ trung tâm thông tin tín dụng và các ngân hàng có thể lợi dụng thời gian để tiếp tục né tránh công bố chính xác các khoản nợ xấu.
Với cải cách doanh nghiệp Nhà nước, việc đặt mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong giai đoạn 2014 - 2015, theo ông Mellor là khá tham vọng. Nguyên nhân do thị trường chứng khoán quá nhỏ để đảm bảo sự thành công của các chương trình cổ phần hóa, nhà đầu tư cũng chưa thực sự chắc chắn về sự hồi phục của thị trường.
Còn theo chuyên gia của HSBC, nhà điều hành hiện trong trạng thái "không vội vã" để thay đổi, nhưng càng đợi thì chi phí sẽ càng tăng cao. Khi đó, các doanh nghiệp trong nước ngày càng yếu đi sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước. Nhu cầu đi vay để mở rộng sản xuất kinh doanh thấp cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng, khiến đa số ngân hàng đầu tư nguồn vốn nhàn rỗi vào trái phiếu hơn là cho vay.
Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam đang tồn tại hai mặt đối lập và được HSBC phản ánh là nền kinh tế phát triển với hai tốc độ. "Xuất khẩu được kỳ vọng sẽ vượt trội với chi phí lao động, điện nước rẻ hơn so với các nước láng giềng. Ngược lại, các hoạt động trong nước sẽ vẫn giảm sút, trừ khi Chính phủ thực hiện các biện pháp cải cách để giải quyết vấn đề nợ xấu và cải thiện điều hành", báo cáo cho biết.
Tăng trưởng quý I/2014 đã giảm từ mức 6% trong quý IV năm ngoái xuống còn 5%. Dù lãi suất đã giảm, thanh khoản hệ thống dồi dào, song tăng trưởng tín dụng vẫn thấp do nợ xấu cao và các doanh nghiệp trong nước không có hứng thú mở rộng đầu tư. Doanh số bán lẻ cũng giảm mạnh trong tháng 3, ở mức 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi con số tháng trước là 12,7%.
Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quý I tăng 5,6%, song theo HSBC, mô hình kinh tế được dẫn dắt bởi hoạt động đầu tư nước ngoài sẽ không bền vững, đặc biệt là khi những cải cách đối với thị trường tài chính vẫn còn đứng yên.
Trong bối cảnh niềm tin tiêu dùng thấp, HSBC dự báo lạm phát năm 2014 sẽ giảm xuống 5,5%, từ mức 6,6% trong năm 2013. Tăng trưởng kinh tế sẽ khoảng 5,6%, thấp hơn mục tiêu Chính phủ đề ra là 5,8-6%.
Phương Linh

No comments:

Post a Comment