Thursday, April 3, 2014

Cán bộ dốt, dân phải trả giá !!!



(Kienthuc.net.vn) - Ông Phạm Văn Hóa, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói: "Chẳng may vớ phải lãnh đạo dốt nát, liều lĩnh, coi thường tính mạng dân thì dân phải trả bằng chính tính mạng của mình”. 

Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hóa, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban Kiểm tra Trung ương về các vấn đề diện mạo đô thị Hà Nội, trình độ cán bộ...
Chẳng may vớ phải lãnh đạo dốt thì…
Bí thư Thành ủy TP Hà Nội mới đây khẳng định, phải lấy diện mạo đô thị làm tiêu chí đánh giá cán bộ. Thực tế cho thấy có không ít sai phạm trong quản lý đô thị có nguyên nhân chính do cán bộ buông lỏng quản lý, thậm chí làm ngơ, thỏa thuận ngầm với những sai phạm đó. Có lẽ đây là yếu tố mới trong công tác đánh giá cán bộ?
Điều này rất đáng hoan nghênh, nhưng các tiêu chí phải rõ ràng. Thế nào là một đô thị tốt đẹp, người cán bộ gắn với từng mặt nào của đô thị ấy. Một cán bộ đâu thể đảm nhận được hết tất cả các mặt của đô thị đó. Người làm an ninh thì chỉ đảm bảo về trật tự đô thị chứ không thể kiểm soát được xây dựng, vệ sinh an toàn thực phẩm... Khi đánh giá cán bộ qua diện mạo đô thị thì phải có các tiêu chí đó để áp vào, chứ nếu không thì chỉ là hô hào một cách hình thức chung chung. Cán bộ chưa thấy rõ định hướng phấn đấu, quần chúng thì chưa có tiêu chí để nhìn nhận đánh giá cán bộ. Còn tất nhiên một đô thị nát tươm ra, cái gì cũng kém mà cán bộ không chịu trách nhiệm thì dân cũng không phục.
Vậy làm thế nào để biết một cán bộ đã làm việc hiệu quả?
Tôi nghĩ phần xây và chống đều rất quan trọng. Không thể cứ xuất hiện vấn đề thì mới lại bắt đầu đi kiểm tra rà soát. Chọn cán bộ có năng lực thực sự để giải quyết các vấn đề thực tế không dễ. Hiện đô thị của ta quá lổn nhổn, kiến trúc xiên xẹo méo mó, không có quy hoạch rõ ràng, ai thích thế nào xây như thế. Bởi thế chúng ta phải trả giá quá lớn, bằng tiền thì ai cũng thấy, nhưng cái mất đi là cái bản sắc văn hóa. Những con đường đắt nhất hành tinh mọc lên không phải bởi tiền đầu tư cho con đường đó mà phải trả tiền để đền bù cho dân vì quy hoạch nát. Các thế hệ cứ nối tiếp nhau thế mà trả giá thôi. Đô thị càng to lớn, càng quan trọng, thì việc trả giá sẽ càng đắt.
Ông có đồng quan điểm với một số người cho rằng tồn tại này là do trình độ của cán bộ?
Tôi cùng chung quan điểm. Công tác cán bộ là hệ thống bao gồm rất nhiều vấn đề, làm sao để chọn được cán bộ tốt cho bộ máy. Phải có hệ thống các quan điểm lý luận để chọn lựa cán bộ, qua phong trào, qua thực tế mà tìm cán bộ. Nhưng cơ chế thị trường đã len vào công tác cán bộ. Nó làm người ta cảm thấy anh cán bộ đó không xứng đáng với vị trí đó... Chọn cán bộ chỉ dựa trên bằng cấp nhưng bằng giả lại tràn lan.
Ông vừa nói đến sự trả giá, ai sẽ là người phải trả giá nếu cán bộ sai, trình độ kém?
Chúng tôi vẫn hay nói đùa với nhau: “Lũ chúng tôi lũ binh nhì, binh nhất/Có bao giờ được chọn chỉ huy đâu”. Chẳng may vớ phải lãnh đạo dốt nát, liều lĩnh, coi thường tính mạng dân thì dân phải trả bằng chính tính mạng của mình. Những sai sót, tiêu cực, dốt nát của cán bộ, người dân sẽ phải trả giá, trả giá lâu dài. 
Những vụ án tham ô tham nhũng lớn đều là từ công tác cán bộ cả. Có cán bộ được bổ nhiệm mà trình độ học vấn chỉ lớp 4, lớp 5, rồi có cả cán bộ tự phong. Tại sao những người đó lại được bổ nhiệm những vị trí quan trọng như vậy? Thậm chí ngay cả khi Năm Cam nói rằng hắn mới chỉ học đến lớp 5, cháu không lãnh đạo quản lý được công ty xăng dầu đâu, lãnh đạo còn bảo cứ làm đi, rồi dần dần sẽ làm được. Đấy, bổ nhiệm bất chấp như thế thì thiệt hại cho nhà nước biết bao nhiêu.
Ông Phạm Văn Hóa, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban Kiểm tra Trung ương. 
Đừng để “văn hóa lổn nhổn” tồn tại!
Ông đánh giá thế nào về diện mạo đô thị Hà Nội hiện nay?
Kiến trúc thể hiện cả một nền văn hóa, thông qua đó người ta đọc ngay được đó là nền văn hóa gì. Thế nhưng, nhà ở Hà Nội hiện nay thể hiện nền văn hóa gì, tôi thấy rất khó nói. Kiến trúc quy hoạch không đâu vào đâu cả. Đáng lẽ nhà trong nội đô phải có quy hoạch, phải được duyệt những thiết kế riêng. Giờ ta cũng có duyệt đấy, nhưng chỉ duyệt cho nó qua, duyệt bằng phong bì thôi!
Nói thế thì rõ là người ta quản lý xây dựng đô thị chưa tốt?
Từ diện mạo đó có thể hình dung ra được cái tầm quản lý của người cán bộ. Có lẽ không tự nhiên mà người ta đưa vào tiêu chuẩn diện mạo đô thị trong đánh giá cán bộ. Trước mắt tôi nghĩ nên tập trung bằng được để xây dựng được những khu đô thị kiểu mẫu. Chứ đừng để cái “văn hóa lổn nhổn” nó cứ tồn tại dai dẳng mãi thế này.
Theo ông, Hà Nội phải làm thế nào để khắc phục được thực trạng này?
Tôi nghĩ là phải có một nhạc trưởng. Vị nhạc trưởng ấy được giao cho các nhạc công, có chiếc đũa để điều khiển. Xây dựng một đội ngũ cán bộ thực sự tâm huyết. Qua phong trào xây dựng đô thị để mà chọn cán bộ, cán bộ nào phong trào ấy. Hiện đang thiếu một nhạc trưởng theo đúng nghĩa. 
Chỉ chân cột đèn là sáng
Ông nhìn nhận thế nào về các khâu trong công tác cán bộ hiện nay?
Tôi nghĩ nếu vẫn giữ cách làm hiện nay thì chỉ chân cột đèn là sáng, nơi tối vẫn cứ tối. Nói hình ảnh dễ thấy là trong một căn phòng, gầm bàn vẫn cứ là nơi tối nhất. Là bởi chỉ chọn cán bộ bằng hình thức, bằng những quy định cứng nhắc, chưa kể đến những tiêu cực, tham nhũng. Cán bộ làm việc mà trình độ không cao, không có tầm nhìn xa trông rộng thì khó mà phát triển được. Đô thị là tổng thể của các vấn đề, nên vai trò của cán bộ, của người nhạc trưởng phải được thể hiện rõ ràng.
Nói thế liệu có sợ làm những người đang đảm nhiệm vị trí này cảm thấy buồn?
Tôi không phủ nhận những thành quả đã đạt được, nhưng rõ ràng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại quá nhiều tiêu cực, tính trách nhiệm của cán bộ thấp, hành chính hóa, quan liêu hóa nặng nề. Đâu đó người dân cứ hay xì xào cái chỗ này chỗ kia ngang nhiên trông xa, bán hàng, mà ông trật tự cứ làm ngơ đi. Vì họ đã lót tay các ông ấy rồi. Chỉ mấy bà bán hàng rong là khổ, bị tóm là hàng hóa bị đổ tòe loe ra đường. Mình nhìn cảnh đó lúc nào cũng thấy rất là day dứt.
Phải làm thế nào để ngay cả trong gầm bàn vẫn cứ sáng?
Mấu chốt vẫn là con người, là những người thi hành công vụ. Nói thì có vẻ là lý thuyết, nhưng cán bộ trước hết phải là người có tài, sau đó là cái tầm, cái tâm. Cán bộ coi nơi mình làm việc, nơi mình lãnh đạo, địa phương mình quản lý, như là cái nhà của mình, thì kiểu gì họ cũng sẽ có cách để làm cho cái diện mạo ấy tươi đẹp, rực rỡ.
Xin cảm ơn ông!
- “Nếu vẫn giữ cách chọn và sử dụng cán bộ như thế này thì chỉ sáng ở chân cột đèn thôi, còn các nơi khác vẫn cứ tối đen. Đánh giá cán bộ qua diện mạo đô thị là đúng, nhưng cán bộ có tự hỏi vì sao đô thị lại lổn nhổn như vậy không? Nguyên nhân của sự chắp vá, nhàu nhĩ chính là tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, sau đó mới là năng lực”.
- “Lâu nay ta đánh giá cán bộ một cách chung chung, không có các tiêu chí rõ ràng. Người làm tốt, có trách nhiệm và người làm chưa tốt là giống nhau, có khác biệt cũng không rõ ràng. Những sai phạm trong quá trình quy hoạch, xây dựng, giám sát và lập lại trật tự kỷ cương đô thị đang ngày càng gia tăng. Cán bộ nghiêm minh, bộ mặt văn minh đô thị cũng sẽ khác”.
Tô Hội (Thực hiện)

No comments:

Post a Comment