Saturday, April 12, 2014

“Thời”… của hóa chất diệt khuẩn

12/04/2014 14:00 GMT+7
Rửa tay, rửa mặt, tắm: Dùng chất diệt khuẩn. Lau nhà, cọ toa-lét, xịt phòng...: Dùng chất diệt khuẩn. Nhiều người đang bị “tẩm ướp” bởi những sản phẩm có chứa hóa chất này, mà không hay đó là nguy cơ viêm da, rối loạn chuyển hóa, lờn thuốc kháng sinh, hiếm muộn, dậy thì sớm, ung thư.

Chiếm lĩnh mọi không gian

Chị Thanh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) hào hứng khoe vừa mua một sản phẩm xịt diệt khuẩn Green Cross. Chị nói: “Nhà tôi có hai con nhỏ. Sản phẩm này sẽ diệt nhanh vi khuẩn trên các bề mặt mà tụi nhỏ thường tiếp xúc hay ngậm phải như bề mặt bàn, ghế, tay nắm cửa, đồ chơi, drap, mền, gối, những vật dụng hàng ngày...”.

Trên thị trường, sản phẩm được cho là có chất diệt khuẩn rất đa dạng, phong phú. Tại một quầy tạp hóa ở chợ Xóm Chiếu (Q.4, TP.HCM), chị bán hàng đưa ra một gói xà phòng giặt Dạ Lan bốn mùa kèm theo lời giới thiệu “giặt loại này hay hơn những loại khác, có thêm chất diệt vi khuẩn nữa, loại mới ra đó”.

Đa dạng nhất là nước rửa chén với nhiều thương hiệu. Cả loại đóng chai không nhãn hiệu cũng được người bán tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) khẳng định: “Em yên tâm, không chỉ rửa sạch bong mà còn diệt vi khuẩn không kém mấy loại trong siêu thị đâu nha”.

Các sản phẩm xà phòng, nước rửa tay như Green Cross, Hand Wash, The Clean, Lifebuoy, Amway đều có chứa chất diệt khuẩn. Chất diệt khuẩn hiện còn hiện diện cả trong xà phòng giặt đồ (như Dạ Lan, Surf, Net…), nước xả vải (Downy…), kem tẩy rửa đa năng (Cif), kem đánh răng (như Dr.Cool, Colgate, Aquafresh…), nước/chai lăn khử mùi hôi cơ thể (như Adidas, Axe, Degree, Nivea)…

Chị Thu, giúp việc cho một gia đình ở Q.Thủ Đức, TP.HCM kể: “Cô chủ nhà tôi thường xem quảng cáo trên ti vi rồi viết ra cả loạt danh sách, yêu cầu tôi mua và bắt cả nhà dùng. Ngoài những sản phẩm thông dụng như nước tẩy bồn cầu, lau sàn, rửa chén, cô còn yêu cầu nào là nước rửa rau quả, rửa tay, súc miệng…”. Lệ thuộc vào sản phẩm diệt khuẩn là tâm lý chung của rất nhiều phụ nữ.

hóa chất, diệt khuẩn, guy cơ, kháng sinh, hiếm muộn, dậy thì sớm, ung thư
Từ cơ thể tới khu vệ sinh, phòng bếp, sàn nhà... đều có sản phẩm diệt khuẩn

Nhiều nguy hại

Thật ra, các hóa chất diệt khuẩn không chỉ làm tăng nặng tình trạng bệnh của những người bị viêm da dị ứng mà còn gây viêm da kích ứng cho nhiều người.
Theo TS-BS Lê Ngọc Diệp, Trưởng phòng khám Da liễu 2, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, số bệnh nhân viêm da ngày càng có chiều hướng tăng và nặng hơn, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Một trong những nguyên nhân gây bệnh chính là việc lạm dụng hóa chất tẩy rửa.

Một số loại hóa chất thường có trong các sản phẩm diệt khuẩn như: triclosan, triclocarban, phenol, benzalkonium chloride, polyethylene glycol 4000, calcium hypoclorite, didecyl dimethyl ammonium chloride, formaldehyde, methylisothiazolinone, sodium chloride…

Trong đó, theo nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, triclosan và triclocarban có thể đi vào cơ thể bằng rất nhiều đường: thẩm thấu qua da hoặc qua đường miệng (do vô tình nuốt kem đánh răng, nước súc miệng hoặc uống nước có nhiễm chất kháng khuẩn).

Không chỉ thế, việc sử dụng tràn lan triclosan trong các sản phẩm tiêu dùng còn làm tăng khả năng kháng kháng sinh của nhiều loại vi khuẩn. Thậm chí, hai chất này "góp phần" gây vô sinh, rối loạn nội tiết và nguy cơ ung thư.

TS Huỳnh Khánh Duy, Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM phân tích: Một số loại chất kháng khuẩn như polyethylene glycol 4000, khi sử dụng, dưới tác động của ánh sáng, không khí, có thể biến đổi thành chất ethylene glycol, gây tác hại đến nhiều bộ phận như: mắt, ruột, da; tác động xấu đến sinh sản, di truyền.

Đó là chưa kể, trong tất cả các sản phẩm diệt khuẩn đều có chất thơm và chất tạo màu. Đây là những chất có nguy cơ cao chứa nhiều tạp chất (được phân hủy khi tiếp xúc với ánh sáng) gây kích ứng da hoặc là gây ung thư.

Không chỉ thế, để tăng hiệu quả diệt khuẩn, nhiều sản phẩm đã sử dụng cùng lúc nhiều chất diệt khuẩn song lại không hề công bố hàm lượng. Trong đó, một số loại hóa chất như phenol, phenyl phenol, benzalkonium chloride… có khả năng thấm giữ lâu trong vật liệu, gây độc hại cho sức khỏe con người.

“Không nên lạm dụng sản phẩm tẩy rửa nói chung và diệt khuẩn nói riêng. Chỉ những nơi như nhà vệ sinh, bồn cầu thì mới cần thiết phải sử dụng sản phẩm diệt khuẩn. Xà phòng rửa tay, giặt đồ, nước rửa chén hay lau sàn cũng chỉ nên dùng loại thông thường”, TS Huỳnh Khánh Duy khuyến cáo.

(Theo Phụ nữ)

No comments:

Post a Comment