Saturday, April 12, 2014

Đối phó thế nào với mối đe dọa Putin ?

Thứ sáu 11 Tháng Tư 2014-

Vladimir Putin nhân kỳ Thượng đỉnh Nga - Liên hiệp châu Âu 02/2014 - REUTERS /Yves Herman
Vladimir Putin nhân kỳ Thượng đỉnh Nga - Liên hiệp châu Âu 02/2014 - REUTERS /Yves Herman

RFI-Mai Vân
 Châu Âu phải chăng đang ở trong tư thế "lưỡng diện thọ địch" ? Câu hỏi trên đã được báo chí Pháp ngày hôm nay, 11/04/2014 gợi lên, nhấn mạnh trên hai bình diện. Trước hết là kinh tế với nguy cơ giảm phát, và kế đến là an ninh, phản ánh qua cuộc đọ sức với Nga ở Ukraina. Trên vấn đề thứ hai này, báo Le Monde ở trang ý kiến đã nêu thành tựa câu hỏi : "Phải chăng Nga là một mối đe dọa đối với Châu Âu ?"

Qua diễn tiến ở Ukraina – các phần tử thân Nga chiếm đóng các cơ quan ở Donetsk và Louganks, Le Monde nêu một loạt câu hỏi : Phải chăng Putin có chủ trương bành trướng, muốn vẽ lại bản đồ của vùng ? Matxcơva sẽ đe dọa lâu dài các nước láng giềng, ngay cả những nước trong Liên Hiệp Châu Âu và trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO ?
Câu hỏi hiện đặt ra cho Châu Âu là phải tiến đến một cuộc đối đầu nghiêm trọng với Matxcơva, hay là những biện pháp trừng phạt và thương lượng sẽ đủ để làm dịu tình hình ? Le Monde trích dẫn quan điểm các chuyên gia tên tuổi ở Pháp. những quan điểm đôi khi có phần trái ngược nhau.
François Heisbourg, Viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp
Đối với ông François Heisbourg, Viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp (Fondation pour la recherche stratégique) thì giữa hai bên là một sự cạnh tranh mang tính chất đối kháng, Châu Âu luôn luôn muốn ngăn chận, kềm hãm Putin.
Đối với ông Heisbourg, Châu Âu phải huy động lực lượng, nhanh chóng đưa ra các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ để răn đe Nga là không nên tấn công vào các láng giềng trong những tuần lễ tới đây.
Theo chuyên gia Heisbourg, những trừng phạt áp dụng cho Iran có thể thực hiện được với Matxcơva, vì Nga cũng là một quốc gia dầu hỏa.
Domique David, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI
Còn ông Domique David, Viện Quan hệ Quốc tế Ifri, trước tiên cho là phải nghĩ đến việc chìa bàn tay thân thiện dối với người dân Nga. Chuyên gia này cũng nhận định như ông Heisbourg về sự đối đầu, nghi kỵ triền miên giữa Nga và Châu Âu.
Nguyên nhân cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraina, theo ông David, xuất phát một bên từ việc Matxcơva lo ngại đà Đông tiến của phương Tây, với Liên Hiệp Châu Âu là tiền đồn của NATO, và bên là phương Tây e ngại ‘để chế’ Nga, và nghĩ ra cách tự bảo vệ : Liên kết với Ukraina.
Cộng thêm vào sự nghi kỵ nói trên, còn có 3 yếu tố làm cho Ukraina lâm vào tình cảnh sôi bỏng : Trước tiên là tình hình miền đông Ukraina, chẳng ai kiểm soát được, từ Kiev cho đến Matxcơva; thứ hai là hành động tuyên truyền mang tính chất dân tộc chủ nghĩa của Nga; và thứ 3 là chính sách lộn xộn của Châu Âu, vấn để năng lượng và những biện pháp trừng phạt nhắm vào cá nhân. Đó là một loạt yếu tố làm lửa bén lên ở Ukraina.
Tuy nhiên nhìn tình hình hiện nay, ông Davíd thấy khói nhiều hơn là lửa. Chủ trương của chuyên gia này là hai bên, Nga và Liên Hiệp Châu Âu cùng đóng góp vào sự ổn định chính trị và kinh tế của Ukraina.
Nhưng đi xa hơn Ukraina, ông David cho là chính Nga mới quan trọng. Châu Âu nên chìa tay thân thiện, không phải với chính quyền mà là với người dân Nga. Họ cũng là nạn nhân của chế độ Nga.
Yannick Mireur, trường võ bị Saint Cyr
Đấy cũng là quan điểm của ông Yannick Mireur, giáo sư trường võ bị Saint Cyr. Theo ông, xã hội Nga không còn tin tưởng vào phương Tây. Châu Âu phải lưu ý đến việc người Nga cảm thấy niềm tự hào dân tộc của họ bị tổn thương.
Theo ông Mireur, phải đứng vào vị trí của đối phương để hiểu quan điểm của họ, không nên tự đặt mình vào những tình thế khó có lối thoát. Đối với ông phải xây dựng lại quan hệ với Nga, vì một nước Nga được cải cách, không mặc cảm, và hùng mạnh, có lợi cho Châu Âu.
Giảm phát đe dọa Châu Âu ?
Riêng báo Công giáo La Croix hôm nay lại chú trọng đến kinh tế, nêu thành tựa câu hỏi : "Có nên lo ngại giảm phát hay không ?"
Tờ báo dành cả hai trang trong cho hiện tượng, nhắc lại rằng giá cả ở Châu Âu tăng rất ít đang làm cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế lo ngại. sợ rằng kinh tế bị khựng lại.
La Croix khẳng định là mối e ngại này không phải viễn vông, vì thực tế là giá cả ở vùng đồng euro đã tăng rất ít : Vào tháng 3 vừa qua, chỉ tăng 0,5% tính theo nhịp độ thường niên, mức thấp nhất từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Tại những nước yếu, mực độ này còn ít hơn nữa.
Ngay tại Pháp, giá cả trong một số lãnh vực không những không tăng, mà lại còn giảm, giảm 0,2% trong lãnh vực thực phẩm, 0,8% đối với sản phẩm công nghiệp, và 0,3% đối với thuốc men...
Giới kinh tế hiện nay, theo La Croix rất quan ngại, tự hỏi rằng đây chỉ là hiện tượng giảm lạm phát nhất thời hay là Châu Âu thực sự bước vào giai đoạn giảm phát (déflation) - tức là hiện tượng tổng nhu cầu không đủ so với sản phẩm và dịch vụ cung ứng ? Nếu như thế thì sẽ vô cùng đáng ngại, vì khiến cho kinh tế bị đình đốn.
Dĩ nhiên là trong vấn đề giả cả không tăng nhiều, có khi giảm này, người tiêu dùng và giới kinh tế gia không phản ứng như nhau. Người dân mua sắm rất hài lòng, nhưng ngược lại đối với giới sản xuất thì tai hại vô cùng, với hậu quả xã hội là sẽ phải giảm bớt nhân công. Tóm lại đây là căn bênh vô cùng nguy hiểm đối với một nền kinh tế với những tác động dây chuyền.
Kinh nghiệm nhãn tiền : Nhật Bản
La Croix nhắc lại là Châu Âu có trước mắt mình trường hợp của Nhật Bản, đã phải trầy trật chống lại hiện tượng này trong suốt 15 năm. Tờ báo nêu một ví dụ : một tô cơm thịt bò ở của hàng ăn nhanh nổi tiếng Yoshinoya đã giảm từ 400 yen xuống 300 yen từ cuối thập kỷ 1990.
Đương kim Thủ tướng Nhật hiện nay dốc sức lao vào trận chiền với chính sách Abenomics của ông, bơm tiền vào kinh tế để thúc đẩy giá cả, hầu đạt ít ra tăng trưởng 2% từ đây đến 2015. Ông Abe đã gặt hái được một số thành quả : lạm phát vào tháng 2/2014 tăng lên 1,5%.
Báo kinh tế Les Echos hiển nhiên không bỏ qua hiên tượng trên. Tập trung vào tình hình Pháp, tờ báo nói đến việc "lạm phát có những dấu hiệu yếu kém đáng ngại", trong lúc mà vùng đồng euro lại là trọng tâm mối quan ngại cuộc họp nhóm G20 - tại Washington hôm nay.
Theo Les Echos, Quỹ Tiền tệ Quốc tế - FMI- đang thúc giục Ngân hàng Trung ương Châu Âu nhanh chóng có biện pháp để chống nạn giảm phát, càng sớm càng tốt. Theo tờ báo cộng đồng quốc tế càng thêm lo ngại vì hiện nay Châu Âu bị xem là mắt xích yếu của tăng trưởng kinh tế thế giới. FMI dự báo tăng trưởng Châu Âu chỉ được 1,2% trong năm nay.
Thế giới lâm nguy khi Trung Quốc thành số một về kinh tế ?
Trên bình diện kinh tế, Libération hôm nay đăng bài viết về Trung Quốc của thông tín viên Philippe Grangereau, phân tích về chính sách của Trung Quốc – dưới tựa đề : "Trung Quốc muốn khai thác lợi thế áp đảo của mình"; và nhận định rằng chủ nghĩa quốc gia, dân túy của cường quốc sắp đứng đầu thế giới đang gây lo ngại cho phương Tây.
Tác giả bài viết phân tích là cường quốc kinh tế thứ nhì của thế giới từ 2 năm qua, có thể sẽ đứng đầu thế giới vào năm 2030, có khi sớm hơn, cho dù thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc còn rất thấp so với những nước phát triển. Đây là những dự báo cơ quan NIC – National Intelligence Council - của Mỹ và Ngân hàng Thế giới.
Riêng trong tác phẩm China 2030, kinh tế gia Trung Quốc Hờ An Cương (Hu Angang) dự báo là GDP Trung Quốc - hiện chỉ là một nửa của Hoa Kỳ - sẽ lên gấp đôi Mỹ trong 16 năm tói đây.
Bài viết cho là như thế thế giới sẽ nằm dưới sự thống trị của một siêu cường quốc độc tài với chế độ độc đảng. Cho nên câu hỏi đặt ra là chế độ vẫn tỏ ra hung bạo, đàn áp công dân mình, có sẽ cư xử tốt hơn đối với phần còn lại của hành tinh hay không.
Tác giả bài báo nhắc phát biểu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du Châu Âu vừa qua, ra sức thuyết phục là Trung Quốc của ngày mai không phải là mối đe dọa đối với thế giới.
Tại Pháp, phát biểu tại Phủ tổng thống, ông Tập Cận Bình cho là "Napoléon đã nói : Trung Quốc là một con sư tử còn ngủ và sẽ làm thế giới rung động khi thức tỉnh". Theo ông Tập Cận Bình thì "lúc này đây, con sư tử Trung Quốc đã thức dậy, nhưng hòa hoãn, dễ mến và văn minh’. Phát biểu được cử tọa vỗ tay hoan nghênh.
Bài báo cho rằng không biết Napoléon có nói như chủ tịch Trung Quốc nêu lên hay không, nhưng điều đó không quan trọng, ông Tập Cận Bình muốn phản bác lại những chuyên gia vốn nhìn thấy Trung quốc đang đi vào một chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến.
Sau phát biểu trên một chuyên gia về Trung Quốc, Jean Pierre Cabestan, tự hỏi một cách hóm hỉnh : "Đã có ai thấy một con sư tử hòa hoãn, dễ mến và văn minh bao giờ chưa ? Sư tử là một con vật hoang dã, chuyên săn mồi, nó giống như Trung Quốc trong quan hệ với các nước khác". Bài báo nhắc lại yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Và Trung Quốc hành động như thế không phải vì quyền lợi kinh tế mà vì chủ trương dân tộc chủ nghĩa, mà giới phân tích cho đó là cơ sở hành động mới của đảng Cộng sản Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đưa ra tư tưởng dân túy này để che khuất những khó khăn kinh tế, thiếu sót chính trị của mình.
Libération đã trích dẫn một nhà báo Quảng Đông giải thích : "Ưu tiên của chính quyền Trung Quốc không phải duy trì tăng trưởng kinh tế. Đây chỉ là một phương tiện, chứ không phải là cứu cánh, tức là mục tiêu tối hậu. Ưu tiên thực sự, và bằng mọi giá, là duy trì quyền lực của Đảng.
Pháp và Algeri : chủ đề thời sự nổi bật trên các trang nhất
Chủ đề thời sự được nêu bật trong các hàng tít trang đầu báo Pháp hôm nay đi từ tình hình Pháp, với việc đề cử các nhân vật mới ở các bộ ngành đang gây phản ứng, như Le Figaro ghi nhận, hay cuộc xuống đường vào ngày mai nhằm phản đối chính sách khắc khổ, cho đến cuộc bầu cử tổng thống sắp đến ở Algérie, mà Le Monde chạy tựa : "Cuộc vận động tranh cử ma của ông Boutéflika". Vị tổng thống mãn nhiệm, 77 tuổi, ra tranh cử một nhiệm kỳ thứ 4, nhưng lại hầu như không xuất hiện trước công chúng từ mấy tuần lễ qua.

No comments:

Post a Comment