Saturday, April 12, 2014

Cơn khát rau sạch và chất lượng cuộc sống

12/04/2014 - 07:39

Bị bao vây trong hàng loạt những loại thực phẩm tẩm thuốc trừ sâu, hóa chất, chất tăng trưởng và mập mờ về nguồn gốc, xuất xứ khiến cơn “khát” thực phẩm, nhất là rau sạch luôn là niềm mong mỏi của người dân, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… Nhìn quanh thì đây chỉ là chuyện cọng rau, con cá… nhưng xét về lâu dài, đây sẽ là câu chuyện về chất lượng cuộc sống hiện tại mà nếu không giải quyết sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai.

Rau thế nào là “sạch”?
 
Một thời gian người tiêu dùng đã “dạt” từ chợ vào các siêu thị để mua rau dù giá có thể đắt hơn, rau có thể không tươi như ở chợ nhưng vì hy vọng có thể chọn mua được rau sạch cho mâm cơm gia đình nên các bà nội trợ vẫn “nhắm mắt” móc tiền ra trả. Tuy nhiên, thời gian qua liên tục những vụ việc rau trôi nổi không rõ nguồn gốc được “lên đời” thành rau sạch bán trong các siêu thị đã khiến niềm tin của người tiêu dùng có phần giảm sút rõ rệt.
 
Thời điểm hiện này, tại Hà Nội, TP.HCM đều mọc ra rất nhiều điểm bày bán rau sạch, chưa kể từ siêu thị cho tới các chuỗi cửa hàng nhỏ lẻ, chỗ nào cũng thấy quảng cáo bán “thực phẩm sạch”. Tuy nhiên, những loại rau này có thực sự “sạch” như người bán quảng cáo thì người tiêu dùng vẫn chẳng thể kiếm chứng được. Bởi những loại rau sạch và rau trôi nổi không thể phân biệt bằng mắt thường, bởi chỉ cần đóng gói dán tem thì lập tức rau bẩn cũng “lên đời” thành rau mang mác sạch VietGAP.
 
Tại Hà Nội, nhiều vùng trồng rau sạch được cho là theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng vẫn chẳng có gì đảm bảo có thể quản lý được hoàn toàn về chất lượng rau. Ví như tại hợp tác xã trồng rau sạch Vân Nội, nhiều người trồng vẫn lén phun thuốc sâu hóa học thay vì hữu cơ, dùng phân tươi chưa ủ… tuy nhiên, do công tác quản lý còn nhiều kẽ hở nên những loại rau này vẫn thoải mái xuất ra thị trường dưới mác rau sạch. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều vùng chuyên cung cấp rau sạch cho TP.HCM như Đà Lạt, An Giang…
 
Trong khi đó, những doanh nghiệp, cơ sở trồng rau sạch thực sự đảm bảo thì số lượng lại khá ít và giá thành cũng cao hơn hẳn so với nhiều mặt hàng cùng loại trên thị trường. Tình trạng vừa thiếu lại vừa yếu về nguồn cung rau sạch đã khiến cho mặt hàng này không thể đủ đáp ứng cả số lượng và chất lượng cho thị trường, người tiêu dùng đành tìm cách “sống chung với lũ”… Họ ăn bữa nay mà lo bữa mai, không phải theo nghĩa đen chỉ là miếng ăn mà có một sự “hoảng sợ” không hề nhẹ cho sức khỏe của mình và người thân trong tương lai.
 
Đủ cách kiếm thực phẩm sạch
 
Hàng chợ không đảm bảo, rau quảng cáo cũng chẳng tin được, người tiêu dùng cứ thế hoang mang  với cái sự “ăn cũng chết, mà không ăn cũng chết”.  Bởi vậy mà 1-2 năm trở lại đây trào lưu tự cung, tự cấp thực phẩm cũng rộ lên ở nhiều thành phố. Những bà nội trợ tranh thủ từng khoảnh đất nhỏ  như bồn hoa, dải phân cách, dùng hộp xốp trong nhà… để trồng rau. Những dụng cụ trồng rau tại nhà, trồng rau mầm, làm giá, tự trồng nấm… ngày càng có thêm nhiều khách tiêu thụ.  Thậm chí, đã có nhiều người nắm bắt được nhu cầu cần rau sạch của các hộ dân nên đã mở ra hàng loạt những dịch vụ ăn theo như: cho thuê đất trồng rau sạch, dịch vụ trồng rau tại gia… Tuy nhiên chừng đó sao đủ cho nhu cầu thực phẩm sạch của các hộ gia đình. Đặc biệt là những gia đình không có điều kiện về kinh tế.
 
Vì vậy, nhiều người vẫn phải nhắm mắt cho qua, chọn mua những loại rau tươi, sạch bằng niềm tin cảm tính. Chỉ tại các thành phố mới thấy người ta tranh nhau săn lùng mua những loại rau dại, rau rừng hay rau củ trông xấu mã… với giá đắt hơn hẳn hàng tươi ngon vì tin tưởng những mặt hàng này không bị phun thuốc, không độc hại.
 
Ngoài ra, nhiều người cũng đang tìm đến những điểm bán hàng quen biết để có thể mua được những thực phẩm sạch. Có cung ắt có cầu, hiện tại không khó để tìm thấy những sạp hàng hay những shop hàng online chuyên bán những loại rau củ, thực phẩm gốc quê, hàng nhà trồng… và được khá nhiều người quan tâm chọn mua. Tuy nhiên, hàng loạt những loại rau sạch, thực phẩm mang mác quê này cũng không ai đoán biết được có thực sự là hàng sạch, hàng quê thật hay không nhưng cũng giúp người mua giải tỏa phần nào về mặt… tâm lý, đồng thời cũng là một sự “đầu tư lòng tin” đối với người bán hàng.
 
Dù chuyện thực phẩm sạch, bẩn đã được cảnh báo vài năm nay, thế nhưng dường như bữa ăn của người dân thì dân tự lo nên sống giữa thời buổi internet hiện đại mà một cọng rau sạch cũng thiếu thì quả là khổ hơn thời chiến tranh. Thế mới biết, mỗi thời người dân lại có cái khổ riêng, cơn khát thực phẩm sạch đã trở nên trầm trọng và nếu nhìn xa hơn một chút, đây chính là sự phản ánh chuyện phân tầng xã hội, bởi xét về lâu về dài, ai ăn bẩn sẽ không sống lâu như các cụ nói mà sẽ sớm gặp bệnh viện vì nhiều loại hóa chất trong người tích tụ đến lúc phát tác. Vì thế, câu chuyện thực phẩm sạch – bẩn không chỉ đơn thuần là cọng rau, con cá, lạng thịt mà là chuyện giống nòi và chất lượng cuộc sống hiện tại và tương lai.
 

No comments:

Post a Comment