Saturday, April 12, 2014

Giới trẻ Việt càng học cao càng tha hóa vì...tiền


(GDVN) - Số liệu của Vụ Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) chỉ rõ, trong thời điểm hiện tại một số sinh viên đề cao lối sống thực dụng, ích kỉ, thích hưởng thụ, đua đòi, xa hoa..
Ngày 11/4, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo “Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên” có quy mô toàn quốc. Theo số liệu mà Vụ Công tác HSSV, thực trạng đạo đức lối sống của học sinh cấp tiểu học là khá nhất, có vẻ càng lên cao thì lối sống, đạo đức của học sinh càng kém và đáng báo động.
Cũng phần do bậc tiểu học có đặc điểm học sinh rất ngây thơ, trong trắng, dễ bảo, vâng lời người lớn, đặc biệt là vâng lời các thầy, cô giáo mà các em luôn coi là những thần tượng của mình. Mặt khác ở lứa tuổi này, môi trường hoạt động và giao tiếp của học sinh chủ yếu là môi trường gia đình và nhà trường; các em chưa bị va chạm, chịu tác động của những tiêu cực xã hội.
Lối sống của HSSV ngày càng xa hoa. Ảnh chỉ mang tính minh họa
Lên tới bậc cao hơn là THCS và THPT đã xuất hiện những học sinh có biểu hiện lệch về đạo đức lối sống, hay gây gổ đánh nhau, thiếu tôn trọng bạn bè, vô lễ với thầy cô giáo, chây lười trong học tập; nghỉ học, đi học muộn không có lý do; quay cóp, thiếu trung thực trong kiểm tra, thi cử.
Do tâm sinh lý lứa tuổi này thường thích thể hiện cái tôi và thích làm người lớn nên có những biểu hiện nói tục, chửi bậy, hút thuốc lá, vi phạm nội quy nhà trường, vi phạm tác phong nề nếp của học sinh; vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, sống lười biếng, ỉ lại, đua đòi, thiếu trách nhiệm với gia đình và những người thân trong gia đình.
Lãnh đạo Vụ Công tác HSSV cũng cho biết, nguyên nhân thì nhiều nhưng có thể do công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh qua các giờ học, các môn học khác chưa được giáo viên quan tâm đúng mức. Các trường THCS, THPT còn chưa chú trọng đúng mức đến một số nội dung cụ thể, cần thiết cho lứa tuổi của học sinh như: Giáo dục các giá trị: Tôn trọng, trung thực, khoan dung, nhân ái, hợp tác, chung thủy, tình bạn, tình yêu hay như các kỹ năng sống.
Nguyên nhân khác được đặt ra ở đây là do sự quá tải kiến thức dẫn đến quá tải thời gian học tập, khiến cho giáo viên và học sinh phải dành quá nhiều công sức vào “chạy tải” một dung lượng kiến thức vừa rộng, vừa sâu, vừa hàn lâm mà thiếu tính thiết thực.
Trong môi trường giáo dục, đôi khi, thầy cô không còn là “tấm gương sáng” cho học sinh noi theo. Nhiều thầy cô có thái độ nóng nảy, thiếu kiềm chế, thiếu phương pháp sư phạm trong xử lý tình huống dẫn tới những phản ứng, hành động tiêu cực, bột phát ở học sinh. 
Đối với tầng lớp HSSV bậc Đại học, Cao đẳng, lãnh đạo Vụ Công tác HSSV cho hay, một số HSSV đề cao lối sống thực dụng, ích kỉ, thích hưởng thụ, đua đòi, xa hoa lãng phí, xem nhẹ giá trị tinh thần, bị đồng tiền tha hóa ngày càng rõ. 
Các em ít quan tâm đến cộng đồng và người xung quanh và rất ít tham gia các hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội. Họ sống khép mình, coi trọng chủ nghĩa cá nhân, xa rời tập thể, thiếu trách nhiệm chung, thờ ơ, vô cảm, ít quan tâm đến các vấn đề xã hội, thiếu ý thức cộng đồng. 
Một số em tiếp thu không chọn lọc, đua đòi theo văn hóa phương Tây không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, sống buông thả, ham hưởng thụ, lười học tập, lao động, có hành vi bạo lực,…
Hiện tượng sống thử có ở một số rất ít HSSV nhưng có xu hướng gia tăng. Đa số HSSV quan niệm là không nên sống thử, nhưng ai sống thử thì các em cũng không có ý kiến gì.  
Tình trạng không trung thực trong thi cử vẫn còn khá nhiều trong các trường. Có đến 18,59% HSSV được hỏi cho rằng hiện tượng quay cóp khi làm bài kiểm tra trong lớp còn tương đối nhiều, chỉ có 32,38% cho là không có.

No comments:

Post a Comment