Thứ Bảy, 12/04/2014 10:44
(BDV.VN) - Nếu nói với những người dân nghèo, những bệnh nhân trong bệnh viện về ASIAD, tôi tin họ sẽ nghĩ đó là tên một loại mì gói cứu trợ!
Bán máu, bán thận, bán thân vì nghèo
Những ngày qua, nhiều người thật sự bàng hoàng, đau xót trước thông tin người dân miền Tây rủ nhau đi...bán thận.
Chỉ vì hơn một trăm triệu đồng để vượt qua khó khăn trước mắt, những người nông dân nghèo ở xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) và một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã âm thầm bán đi những quả thận của mình. Nghiêm trọng hơn, sau khi lên TP.HCM để phẫu thuật cắt thận, những người nông dân này trở về nhà với lời dặn dò của “cò thận" là...nhớ rủ thêm nhiều người trở lại để “hiến” thận.
Vết mổ của một nông dân sau khi đã bán thận với giá hơn 100 triệu đồng (ảnh Phạm Tâm) |
Anh Hồ Văn Tranh (43 tuổi, ngụ ấp 6, xã Thạnh Phú) là một trường hợp như thế. Anh tâm sự: “Gia đình tôi nghèo, không có ruộng đất canh tác. Sau vài vụ làm ăn thua lỗ, tôi lâm vào cảnh nợ nần. Làm hoài mà không đủ để trả nợ, trong khi số lãi ngày mỗi nhiều. Một lần lên TP.HCM để làm thợ hồ, tôi được người ta giới thiệu hiến thận cho một người đang bị bệnh. Người ta hứa nếu tôi cho thận sẽ cho tôi tiền trả nợ. Nghĩ đến số nợ mấy năm qua không có đường thoát, tôi tặc lưỡi đồng ý”. Anh Tranh cho biết thêm, trước đó người em rể của anh ngụ cùng huyện cũng bán thận với giá hơn 100 triệu. “Em rể tôi bảo cứ cho đi rồi người ta trả tiền cho mình. Cho một quả thận không ảnh hưởng gì tới sức khỏe cả. Thấy sau khi cho thận nó vẫn khỏe mạnh, tôi lại càng tin tưởng”, anh Tranh trình bày.
Anh Tranh, người bán quả thận của mình với giá 120 triệu đồng |
Rồi anh Danh Lang, cũng vì điều kiện nhà đông người, không đất canh tác, nợ nần chồng chất, anh cũng đã đồng ý bán đi một quả thận với giá 100 triệu đồng. Anh hi vọng với số tiền này, gia đình sẽ có vốn liếng làm ăn.
Rồi gia đình ông Lê Văn Thành cũng ở xã Thạnh Phú, có 2 con trai đều đã bán thận nhưng gia đình và chính quyền địa phương không biết mà đến khi những người đi bán thận chung về kể thì gia đình mới giật mình.
Vì cái nghèo đeo bám, lại thiếu hiểu biết nên họ đành bán đi một phần cơ thể mình để tiếp tục tồn tại. Trung bình bán một quả thận được 120 triệu đồng. Đối với người nghèo thì đó là số tiền rất lớn.
Bán đi một phần sự sống để duy trì sự sống, một thực tế đau lòng và rất đáng để suy nghĩ. Bởi người nông dân nghèo họ đâu biết rằng, khi mất đi một phần cơ thể đó, sức khỏe sẽ ngày càng giảm sút, họ sẽ có nguy cơ đối diện với nhiều bệnh tật, mà họ là những trụ cột trong gia đình, không có sức khỏe thì trở thành gánh nặng cho gia đình, rồi thì đã nghèo sẽ còn nghèo hơn.
Cũng chỉ vì cái nghèo, mà anh chàng H'Mông phải đi làm xa, có thể đã bị lừa gạt sang tận Trung Quốc, rồi lưu lạc đến tận Pakistan. Trụ cột của một gia đình 1 vợ 5 đứa con, anh lại lưu lạc, ở nhà, vợ anh phải bán bò, bán trâu để tìm chồng, để tiếp tục sống, để chờ đợi một tia hi vọng.
Còn nhớ, ở Trà Vinh, từng có tình trạng người dân rủ nhau đi bán máu để có tiền sống, để nuôi gia đình, đến nỗi hình thành một tên gọi là “làng bán máu”. Về cơ bản, máu lấy đi sẽ tái tạo máu mới, nhưng vì bán máu quá nhiều, lại không được ăn uống đầy đủ nên sức khỏe kiệt quệ, có nhiều người còn trẻ đã đau yếu, thậm chí chết non. Chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền người dân tập trung lao động để sinh sống, bỏ đi tập quán bán máu, nhưng nhiều năm vẫn không dẹp được tệ nạn này.
Có máu bán máu, có thận bán thận, rồi cả bán thân. Nhiều gia đình vì nghèo quá đã nhắm mắt gả bán con mình sang Đài Loan, Hàn Quốc; những cô gái vì báo hiếu cũng sẵn lòng xuất giá lấy một ông chồng già, què quặt. Không chỉ bất đồng ngôn ngữ mà họ còn không biết tương lai sẽ về đâu, để rồi, nhiều cô dâu Việt bị bạo hành đã phải bỏ trốn, tự tử ở xứ người. Xót thay là phong trào lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc hiện vẫn không hề bị “dập tắt”, bởi đó có thể là cách duy nhất, cuối cùng để thay đổi cuộc đời cho chính họ và cũng là cách để giúp đỡ gia đình.
Nếu cố nhận đăng cai thì nên có môn 'Vượt suối bằng túi nilông'
Dân vùng cao chui túi nilông qua suối, miền Tây bán thận thoát nghèo, miền Trung mất nhà vì bão lũ,....Nếu như nói với họ về ASIAD, tôi tin họ sẽ nghĩ đó là tên một loại mì gói cứu trợ!
Ở đất nước này vẫn còn rất nhiều nơi mà mỗi tháng, người dân chưa kiếm được 500 ngàn đồng. Bệnh viện thì quá tải, bệnh nhân nằm la liệt ngoài hành lang, có khi 3-4 bệnh nhân nằm chung 1 giường. Trẻ em vùng sâu vùng xa đi học bằng cách đu dây vượt suối, chui túi nilông, cơ sở giáo dục thì thiếu thốn đủ đường,....Tính trên dân số 90,535 triệu người, mỗi người Việt hiện tại lại đang gánh trên vai trung bình 887,51 USD (gần 20 triệu đồng), cũng có nghĩa là mỗi đứa trẻ con được sinh ra là tự nhiên rơi vào đầu 20 triệu đồng nợ công, 18 năm sau mới đủ tuổi đi làm kiếm tiền để trả nợ. 20 triệu đồng trong 18 năm thì lãi là bao nhiêu, tỉ giá biến đổi của đồng tiền biến đổi là bao nhiêu?.
Vượt suối bằng túi nilông. Ảnh: Tuổi trẻ |
80% kinh phí ASIAD sẽ được xã hội hóa, nhưng tin chắc đó sẽ là những chỉ tiêu vô hình đè xuống các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế eo sèo. Dù khiên cưỡng chấp nhận thì kinh phí họ đầu tư sẽ đến từ việc cắt giảm nhân sự. Hẳn sẽ có những người chị người mẹ quê tôi mất việc. Rồi biết đâu vì túng quẫn, họ lại bán máu, bán thận và bán thân?
Tôi thừa nhận ASIAD có thể là cơ hội về việc quảng bá Việt Nam ra với thế giới, nhưng thể thao mang lại cho ta đôi khi chỉ là những nụ cười thoáng chốc nhưng nó cũng có thể cướp mất cả cuộc đời một con người. Thể thao cũng như muôn mặt khác của đời sống tinh thần, chỉ có ý nghĩa khi được xây dựng trên sự đầy đủ, thậm chí là phải sung túc về vật chất. Mọi nước đứng ra đăng cai đều tính toán rất kĩ, cái họ thu lại có khi còn nhiều hơn cái bỏ ra. Nhưng đó là với những cường quốc về kinh tế.
Sân vận động chính phục vụ cho Asiad 2014 chưa sử dụng nhưng đến nay đã là tranh cãi không nhỏ của Hàn Quốc về việc gánh nợ dù Asiad còn hai năm nữa mới diễn ra. Ảnh: GETTY IMAGES |
Cách đây đúng 10 năm, khi đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic Mùa hè 2004, Hy Lạp đã kỳ vọng rất nhiều vào sự kiện này để tạo cú hích kinh tế thông qua các khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Tình hình còn bi đát hơn khi nền kinh tế Hy Lạp phải “oằn mình” trả nợ, dẫn đến nợ công liên tục tăng, buộc chính phủ nước này phải cầu viện cứu trợ từ bên ngoài.
Hàn Quốc cũng từng từ chối đăng cai vì những khó khăn trong nước. Chẳng rõ uy tín trong mắt bạn bè quốc tế với Hàn Quốc có bị suy giảm không, chỉ biết rằng kinh tế, đời sống người dân họ ngày càng phát triển và đi lên. Singapore, quốc gia láng giềng của Việt Nam cũng đã từng trả quyền đăng cai ASIAD.
Còn Việt Nam thì sao? Khi ban tổ chức xướng tên Việt Nam được quyền đăng cai thì đa phần các nước lo ngại, còn riêng nước ta thì "nhảy cẫng" lên vì sung sướng. Tôi nhớ nụ cười vui mừng khôn xiết của ngài Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh lúc Việt Nam được chọn là chủ nhà của ASIAD. Đó là một nụ cười rạng rỡ, mãn nguyện. Tôi thấy trong nó là một hạnh phúc rạng ngời của một dân tộc nở hoa cùng châu lục. Lúc đó có thể tôi cũng rất vui mừng. Và tôi tin, hầu hết người Việt cũng khấp khởi vui mừng; nhưng tôi cũng tin nếu ta vẫn đăng cai ASIAD, bạn bè thế giới sẽ nghĩ về một dân tộc hoang phí trong nghèo đói. Đó không khác gì là một tội ác!.
Khê Đồng
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
No comments:
Post a Comment