Friday, March 14, 2014

Sợ dân, CSVN củng cố lực lượng để đàn áp

Friday, March 14, 2014 3:32:34 PM 
HÀ NỘI (NV) .- Ban Bí thư của Đảng CSVN vừa ban hành qui định, yêu cầu thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động như các đơn vị quân đội.
 
                      Một buổi diễn tập của Cảnh sát cơ động hồi tháng 10 năm 2003. (Hình: zing.vn)

Cảnh sát cơ động là lực lượng có nhiệm vụ “chống khủng bố, trấn áp bạo loạn có vũ trang, gây rối an ninh trật tự”. Trên thực tế, đây là lực lượng đã, đang và sẽ còn được sử dụng để đàn áp các vụ phản kháng, biểu tình, đòi nhân quyền, dân chủ không theo chủ trương của kẻ độc tài.

Thiết lập hệ thống chính ủy, chính trị viên trong lực lượng cảnh sát cơ động là một chủ trương được Bộ Chính trị Đảng CSVN thông qua hồi giữa năm 2013 và được Ban Bí thư của Đảng CSVN hiện thực hóa thành “qui định”.
Hôm 12 tháng 3-2014, trong lễ công bố qui định này, ông Lê Hồng Anh, cựu Bộ trưởng Công an, nay là Thường trực Ban Bí thư của Đảng CSVN, nhấn mạnh, việc thiết lập hệ thống chính ủy, chính trị viên trong lực lượng cảnh sát cơ động nhằm “tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với ngành công an”.

Theo đó, Bộ Tư lệnh và Ban Chỉ huy các Trung đoàn Cảnh sát cơ động sẽ có chính ủy và phó chính ủy. Ban Chỉ huy các Tiểu đoàn và Đại đội Cảnh sát cơ động sẽ có Chính trị viên và Phó Chính trị viên. Cũng theo qui định, những sĩ quan giữ vai trò Chính ủy, Phó Chính ủy, Chính trị viên, Phó Chính trị viên mới thật sự là những người chỉ huy các đơn vị cảnh sát cơ động.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động của Hà Nội hiện chỉ huy khoảng 13,000 người. Nếu tính thêm lực lượng cảnh sát cơ động tại các địa phương (khoảng 12,000) thì lực lượng này có quân số tương đương một sư đoàn.
Kể từ khi các vụ phản kháng, biểu tình nổ ra khắp nơi trên toàn Việt Nam, chế độ Hà Nội đã tổ chức hàng loạt cuộc diễn tập, mục đích là quảng bá sức mạnh của lực lượng cảnh sát cơ động. Trong các cuộc diễn tập, biểu tình chống cưỡng chế - thu hồi đất luôn được xây dựng thành một trong những “tình huống” để cảnh sát cơ động thực tập đàn áp.
Trang bị cho cảnh sát cơ động càng ngày càng hiện đại, tỷ lệ thuận với số lượng và qui mô của các cuộc phản kháng. Ngoài trang bị cá nhân, hơn hẳn quân nhân, năm ngoái, lực lượng này có thêm cả B.40, đại liên, xe bọc thép. Tháng 12 năm ngoái, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam thông qua “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động”, cho phép lực lượng này trang bị phi cơ, tàu thủy. Bộ Công an đã sử dụng các vụ nổi loạn để đòi tự do tôn giáo ở Tây Nguyên (2001, 2004), Mường Nhé (tỉnh Điện Biên, 2011) để thuyết minh về việc cần hiện đại hóa trang bị cho CSCĐ để dễ “điều động lực lượng, vũ khí, công cụ hỗ trợ”.

Cũng theo giải trình của Bộ Công an, qua Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội chế độ cho phép lực lượng này “nổ súng trấn áp bạo loạn, tụ tập đông người phá rối an ninh”.
Với việc thực hiện qui định mới – thiết lập hệ thống sĩ quan chính trị để chỉ huy lực lượng cảnh sát vũ trang chuyên trấn áp nhằm “tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với ngành công an”, một viên thiếu tướng, nguyên là Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ đã được bổ nhiệm làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và một viên trung tá, Phó Tư lệnh của lực lượng này đã được chỉ định làm Phó Chính ủy.
Trước đây, hệ thống sĩ quan chính trị đảm nhận vai trò chỉ huy chỉ tồn tại trong quân đội. Nay, hệ thống này được thiết lập trong lực lượng công an chuyên trấn áp cho thấy, giới lãnh đạo Đảng CSVN bất an trước các vụ phản kháng càng ngày càng dễ bùng nổ.

Có lẽ cũng nên nhắc lại, theo báo chí Việt Nam, hồi tháng 3 năm ngoái, các chuyên gia từ Bắc Hàn – quốc gia được xem là khắc nghiệt nhất trên thế giới – đã đến Sài Gòn để “tập huấn” cho 100 “cảnh sát đặc nhiệm” thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Ý tưởng chuẩn bị lực lượng để đàn áp các cuộc phản kháng của giới lãnh đạo Đảng CSVN không chỉ ngừng ở lực lượng cảnh sát cơ động.
Hồi tháng 6 năm ngoái, tờ Quân đội Nhân dân cho biết, Học viện Quốc phòng vừa tổ chức khai giảng “Lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh” thứ 49. Đối tượng tham dự lớp này là những “cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang” để giúp những đối tượng này “xử lý các tình huống về an ninh chính trị ở các địa phương đồng bộ và có hiệu quả hơn”.

Lúc đó, tờ Quân đội Nhân dân tường thuật, mục tiêu của “Lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh” là gắn “quốc phòng” với “an ninh” để “đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới”, nhằm “thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa”.
Tại lễ khai giảng, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng, những “Lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh” đã hỗ trợ đáng kể cho việc “xây dựng thế trận quốc phòng – an ninh”, qua đó “góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.
Trong thực tế, quân đội đã tham gia “xử lý các tình huống về an ninh chính trị ở các địa phương”. Chẳng hạn, hồi tháng 7 năm 2012, quân đội đã điều động hàng chục xe thiết giáp diễu hành ngang Tòa Giám mục Giáo phận Vinh, khi hàng ngàn giáo dân Giáo phận Vinh đổ về nhà thờ Xã Đoài ở Nghệ An, để cầu nguyện cho những giáo dân thuộc Giáo họ Con Cuông bị Công an Việt Nam đàn áp.

Thông tin về việc tổ chức các “Lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh” giúp người ta hiểu hơn tại sao trong bối cảnh như hiện nay, quân đội CSVN lại cử các sĩ quan cao cấp sang Trung Quốc tu nghiệp. Vào tháng 6 năm ngoái, tờ Quân đội Nhân dân đưa một tin khác, cho biết, Việt Nam đã cử 22 sĩ quan quân đội cao cấp là “cán bộ chủ trì công tác Đảng, công tác chính trị tại các đơn vị cấp chiến lược, chiến dịch toàn quân, được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và là nguồn quy hoạch cho nhiệm kỳ tới” đến “tập huấn tại Trung Quốc”.

Trước khi nhóm này lên đường, viên tướng là Cục trưởng Cục Cán bộ của Tổng cục Chính trị thuộc Quân đội Việt Nam, dặn dò: “Các cán bộ được cử đi học đợt này cần phải nghiên cứu sâu lý luận, tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn của bạn để về nước vận dụng một cách sáng tạo, khoa học vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình”.


Cho đến nay, Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa vẫn chưa gột sạch tiếng nhơ khi tuân lệnh lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, đàn áp những người biểu tình đòi tự do, dân chủ một cách ôn hòa ở quảng trường Thiên An Môn, hồi tháng 6 năm 1989. Cuộc thảm sát do Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa thực hiện vào thời điểm đó đã khiến từ 4,000 đến 8,000 người thiệt mạng và từ 7,000 đến 10,000 người bị thương. (G.Đ)

No comments:

Post a Comment