Một cuốn sách mới được xuất bản đã bàn về thái độ yêu - ghét của thế giới đối với đồng USD.
“Lộn xộn, khó đoán trước, khá lớn”, đó là những tính từ được cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Geithner đưa ra để miêu tả về nhu cầu USD ở các nền kinh tế mới nổi trong những ngày đen tối tháng 10/2008.
Để đáp ứng nhu cầu này, Cục dự trữ liên bang (Fed) đã quyết định sẽ thực hiện hoán đổi tiền tệ với 4 NHTW khác (trong đó cả Hàn Quốc và Singapore). Theo đó, các NHTW này có thể đổi đồng tiền của họ sang USD với mức tỷ giá có ưu thế (kèm theo điều kiện sau đó tiền được đổi lại ở tỷ giá tương tự).
Tại sao Fed lại quyết định tiếp cận cả những thị trường xa xôi đến vậy? Fed lo lắng rằng những sức ép tài chính từ các nền kinh tế mới nổi cuối cùng cũng sẽ làm nước Mỹ bị tổn thương. Tuy nhiên, ngài Geithner cũng đề cập đến một động cơ khác. “Đặc quyền là đồng tiền dự trữ của thế giới đem đến cho chúng ta một số gánh nặng”, ông nói.
Mỹ càng mong manh, USD càng củng cố vị thế?
Đặc quyền của đồng USD cũng chính là chủ đề của cuốn sách mới mang tên “The Dollar Trap” (tạm dịch: Cái bẫy USD) được viết bởi giáo sư Eswar Prasad của ĐH Cornell. Người ta thường cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã khiến vị thế hàng đầu của đồng USD bị xói mòn. Tuy nhiên, ông đưa ra quan điểm hoàn toàn trái ngược. Sự mong manh của nước Mỹ lại trở thành nguồn tiếp thêm sức mạnh cho đồng bạc xanh.
Trong 4 tháng cuối năm 2008, Mỹ đã hút ròng nguồn vốn có giá trị khoảng 500 tỷ USD. Đồng USD vốn là “thiên đường” trong thời loạn, kể cả khi khủng hoảng bắt nguồn từ chính nước Mỹ. Cuộc khủng hoảng cũng “phá vỡ những quan điểm thông thường” về dự trữ ngoại hối, khiến các nền kinh tế mới nổi với dự trữ USD khổng lồ càng tích trữ nhiều USD hơn. Cuối cùng, sự suy thoái của kinh tế Mỹ buộc Fed phải nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ. Đáp lại, NHTW các nước mới nổi lại mua thêm USD để ngăn chặn đà lao dốc của đồng nội tệ.
Liệu những hợp đồng hoán đổi tiền tệ của Fed có thể trở thành con đường rẻ hơn thay thế cho dự trữ ngoại hối? Nếu các NHTW có thể mua USD từ Fed bất cứ khi nào có nhu cầu, họ sẽ không cần phải cố gắng dành dụm ngoại hối. Ngay lập tức, các NHTW Ấn Độ, Indonesia, Cộng hòa Dominica và Peru đều có nhu cầu.
Các hợp đồng hoán đổi cũng mang lại lợi lộc về kinh tế. Fed được giữ lãi suất phát sinh từ khoản vay của các NHTW cho các ngân hàng trong khi các NHTW khác lại là bên gánh chịu rủi ro tín dụng. Ví dụ, Fed đã thu được lợi suất 6,84% từ thỏa thuận hoán đổi với Hàn Quốc.
Thỏa thuận hoán đổi sẽ giúp các nền kinh tế mới nổi kéo dài "triều đại" của đồng USD. Tuy nhiên, triều đại này sẽ kéo dài trong bao lâu? Theo giáo sư Prasad, vị thế của đồng USD đã gần với điểm tối ưu nhưng vẫn rất ổn định và đang tự củng cố. Mặc dù những đặc quyền của USD khiến người ta ghét bỏ nó, đây vẫn là đồng tiền hội tụ đầy đủ nhất những phẩm chất cần thiết để đảm nhiệm vai trò này.
Không đồng tiền nào có thể thay thế USD
Mỹ không chỉ là nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn là một trong những nền kinh tế phức tạp nhất. Quy mô và độ phức tạp không phải lúc nào cũng đi cùng với nhau. Trong những năm 1990, bảng Anh là đồng tiền dự trữ toàn cầu và hệ thống tài chính của Anh cũng phát triển sâu rộng nhất. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ vẫn có quy mô lớn hơn. Theo nhiều dự đoán, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng đây không phải là nền kinh tế phát triển nhất.
Sự phức tạp của kinh tế Mỹ được phản ánh trong mức độ sâu rộng của thị trường tài chính. Mỹ đặc biệt xuất sắc trong việc thu về một phần lợi nhuận và doanh thu mà nền kinh tế tạo ra. Ở các hệ thống cổ xưa hơn, nhà nước hoặc các ông trùm sẽ nắm giữ phần lớn. Ở Mỹ, chúng được phân bổ vào nhiều loại tài sản tài chính.
Giáo sư Prasad lấy Trung Quốc và đồng nhân dân tệ làm ví dụ để nêu bật điều này. GDP của Trung Quốc hiện bằng hơn một nửa GDP của Mỹ. Tuy nhiên, quy mô thị trường nợ chỉ bằng 1/8, và khối lượng nhân dân tệ mà người nước ngoài có thể nắm giữ bị hạn chế. Nợ của chính phủ ở mức thấp có thể là lợi thế cho đồng nhân dân tệ, nhưng điều này cũng khiến hạn chế khối lượng công cụ nợ được phát hành.
Mỹ có một bảng cân đối kế toán quy mô lớn và rõ ràng là khỏe mạnh. Nợ nước ngoài lớn hơn tài sản ở nước ngoài. Trong khi tài sản nước ngoài có tính sinh lợi cao và rất mạo hiểm, nợ nước ngoài có tính thanh khoản cao, an toàn và Mỹ chỉ phải trả mức lợi suất rất thấp. Do đó, Mỹ thu được rất nhiều lợi nhuận từ tài sản ở nước ngoài trong khi bỏ ra quá ít chi phí cho các nghĩa vụ nợ nước ngoài.
Ngoài sự phát triển của nền kinh tế, Mỹ cũng có lợi thế về dân số. Dân số già khiến nền kinh tế có nhiều điểm yếu, tuy nhiên giáo sư Prasad cho rằng đây có thể là một lý do khác khiến cho đồng USD trở nên hấp dẫn. Những người già ở Mỹ nắm giữ một lượng lớn nợ chính phủ không được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Họ sẽ không cho phép chính phủ khiến giá trị của những khoản nợ này sụt giảm. Nói một cách khác, người già ở Mỹ đã giúp bảo vệ lợi ích của những chủ nợ quốc tế hào phóng.
Tính chất phức tạp của nền kinh tế Mỹ cũng đem đến một lợi ích khác: đồng USD không có xu hướng mạnh lên trong dài hạn. Điều này hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc. Khi Trung Quốc thu hẹp khoảng cách về GDP với Mỹ, tỷ giá (điều chỉnh theo lạm phát) sẽ tăng lên. Đồng nhân dân tệ đã tăng tổng cộng 35% so với đồng USD kể từ giữa năm 2005 đến nay.
Đồng tiền tự giảm giá
Tất nhiên, xu hướng giảm giá của đồng USD trong thời kỳ này là tin xấu đối với bất kỳ ai nắm giữ tài sản Mỹ. Tuy nhiên, đồng USD không chỉ đơn thuần là nơi cất trữ giá trị. USD đã trở thành đồng tiền cấp vốn được sử dụng rộng rãi. Các ngân hàng và công ty đa quốc gia vay mượn bằng USD, kể cả khi họ tích trữ tài sản dưới các đồng tiền khác.
Bởi vì không có ai muốn đi vay bằng một đồng tiền chỉ tăng giá, đồng nhân dân tệ rõ ràng không thể thay thế đồng USD trong vai trò này. Thêm vào đó, cũng chính bởi vị thế đồng tiền cấp vốn, USD sẽ mạnh lên trong khủng hoảng. Đây chính là lý do khiến các nền kinh tế mới nổi cảm thấy cần thiết phải dự trữ USD.
Đồng tiền của nước Mỹ sẽ không thể giữ vững giá trị so với các đồng tiền khác, nhưng vào thời điểm khó khăn, sức hấp dẫn của tài sản bằng USD luôn luôn được bảo toàn. USD là "vua" của các loại tiền tệ trên thế giới một phần cũng bởi nó đã tạo thành một "hàng rào" bao quanh toàn thế giới.
Thu Hương
Theo Trí Thức Trẻ/Economist
No comments:
Post a Comment