Friday, March 14, 2014

Lợi dụng dịch cúm ép giá trứng gia cầm


Lợi dụng dịch cúm ép giá trứng gia cầm

Đầu tháng 3, giá trứng gà công nghiệp bán ra tại các trang trại chỉ từ 600 - 900 đồng/trứng, giảm 400 đồng so với đầu tháng 2. Trong khi đó, giá trứng bán lẻ trên thị trường vẫn lên tới 2.100 - 2.300 đồng/trứng.

Dịch cúm khiến sức mua giảm?
Theo một số bà con chăn nuôi, hiện các thương lái, nhất là một số doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm giải thích, dịch cúm gia cầm tác động rất lớn đến thị trường, người dân sợ không dám ăn trứng nên giá mới giảm sâu như vậy. 
Tại các tỉnh Đồng Nai, Long An... các thương lái đều “đổ lỗi’ cho dịch cúm gia cầm khiến sức mua trên thị trường giảm để ép giá thu mua. Với giá bán chưa đến 1.000 đồng mỗi quả trứng, tính trung bình, mỗi hộ chăn nuôi  lỗ tới trên 10 triệu đồng để duy trì đàn gà đẻ hơn 60.000 con. 
“Đó là tui chưa tính tiền công cán, thuốc men, khấu hao gà giống, bởi trước đây phải bỏ ra 150.000 đồng/con nhưng nay bán gà xác chỉ được 60.000 đồng”, một nông dân cho biết.
Tại địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, nghề chăn nuôi gà công nghiệp đẻ trứng đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động ở khu vực nông thôn, chủ yếu ở các vùng đồi gò, trung du miền núi. Tuy nhiên, hiện nay tại các tỉnh: Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Giang... các chủ trang trại cũng lâm vào tình cảnh tương tự do giá trứng giảm sâu. Nếu tính chi phí con giống, thức ăn, tiền công… ít nhất 1 quả trứng phải bán với giá 1.300 - 1.500 đồng. Với giá bán giảm như hiện nay, nhiều trang trại đã chủ động cắt giảm đàn gà và nhân công lao động. 
Tuy nhiên, điều khiến các hộ dân “băn khoăn” là các thương lái vẫn thu mua trứng bình thường chứ không hề giảm số lượng. Phải chăng đang có sự liên kết giữa các thương lái nhằm thâu tóm thị trường? Bởi nếu thị trường khó tiêu thụ thì thương lái lấy trứng về để làm gì? Chẳng lẽ họ đem đổ bỏ, còn nếu dự trữ lại thì cũng không đúng, vì trứng tồn kho phải bảo quản lạnh, tốn thêm chi phí. 
Ngoài ra, người chăn nuôi cũng cho biết, mặc dù có hàng trăm vựa và các công ty thu mua trứng, nhưng ở tất cả các tỉnh trứng gà lại chỉ có duy nhất một giá. “Nhiều người chăn nuôi ở Long An, Tiền Giang đang bán trứng cho hai công ty thu mua ở TP. Hồ Chí Minh, giá trứng chỉ dao động từ 600 – 900 đồng/quả. “Mặc dù biết là quá rẻ nhưng nếu bán cho thương lái khác thì cũng chỉ được có như vậy chứ không cao hơn”, một người chăn nuôi ở Long An cho biết.
Giá bán lẻ cao gấp 2 - 3 lần giá thu mua
Theo Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh, vài tuần gần đây, mặc dù có thông tin dịch cúm gia cầm lan rộng, nhưng tình hình tiêu thụ trứng vẫn ổn định.  
Khảo sát tại 1 số chợ bán lẻ cho thấy, giá trứng gà loại 1 mà giới tiểu thương bán đến tay người tiêu dùng được đẩy lên 2.400 – 2.500 đồng/quả, cao gần gấp 3 lần so với giá tại trang trại. Giá trứng loại 2, 3 cũng cao gấp 2 lần giá thu mua. Giá bán trong hệ thống siêu thị cũng phổ biến ở mức 2.300 đồng/quả. Tuy thấp hơn chợ lẻ khoảng 100 đồng/quả, nhưng so ra, vẫn cao hơn gấp 2,5 lần với giá mua vào của nông dân. 
Nhiều người chăn nuôi cho rằng, trứng gà bán lẻ, nhất là ở siêu thị vẫn giữ giá quá cao như vậy là vô lý, bởi nếu tính hết các chi phí như công vận chuyển từ trại về nhà máy, kiểm dịch, bao bì, lương công nhân, máy móc… thì cùng lắm người tiêu dùng chỉ phải mua 1.500 – 1.700 đồng/trứng. 
Việc các tiểu thương, doanh nghiệp vẫn giữ giá cao không chỉ người dùng chịu thiệt mà còn kìm hãm sức mua, tác động tiêu cực đến đầu ra của nông dân. Đặc biệt, đối với 1 số tỉnh trung du, miền núi phía Bắc đã hình thành nhiều trang trại nuôi gà đẻ quy mô lớn nhưng người chăn nuôi vẫn lao đao dưới tác động tiêu cực của  tư thương. 
Trên thực tế, nuôi gà đẻ an toàn hơn nuôi gà thịt. Một con gà đẻ giống nuôi 4 - 5 tháng đẻ trứng cho đến 12 tháng, bán gà thịt lãi từ 20.000 - 30.000 đồng/con chưa kể tiền lãi từ trứng. Trong khi đó, gà công nghiệp bán thịt chỉ nuôi trong vòng 40 - 45 ngày thì phải xuất chuồng, lúc giá cao thì có lãi còn khi rớt giá thì thua lỗ. Hiện bà con rất mong sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm ổn định thị trường, đem lại công bằng cho người chăn nuôi.
Theo Hồng Gấm
Báo công thương

No comments:

Post a Comment